Đúng 7h30 tối 8/9, tại Hà Nội, TANDTC tổ chức chương trình "Tổng kết Cuộc vận động sáng tác văn học và âm nhạc về TAND & công diễn các tác phẩm đạt giải" được truyền hình trực tiếp trên kênh VOV và HTV.
Mùa thu năm nay, hòa chung niềm vui cả nước đón Tết Độc lập của dân tộc, hệ thống TAND các cấp cũng náo nức và phấn khởi khi tự hào được đồng hành cùng hành trình lịch sử 70 năm của đất nước. 70 năm - Một chặng đường phát triển và khẳng định vai trò của mình, TAND đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử, góp phần đáng kể vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Năm 2015 - TAND bước sang tuổi 70 đầy ý nghĩa, bên cạnh những phong trào thi đua lao động đạt nhiều thành tích cao thì những hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND cũng diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Và những ngày cuối tháng 5 vừa qua, “Cuộc vận động sáng tác văn học và âm nhạc về Tòa án nhân dân” đã khởi động và thu được nhiều kết quả tốt đẹp.
Ban Tổ chức đã nhận được 72 tác phẩm âm nhạc (trong đó có 36 tác phẩm đã phối khí dàn dựng thu âm một cách công phu); nhận được 241 tác phẩm văn học (trong đó có 77 tác phẩm văn xuôi, 164 tác phẩm thơ). Mỗi tác phẩm là một cách thể hiện, một góc nhìn; nhiều tác phẩm đã nêu bật được quá trình xây dựng, phát triển và những đóng góp to lớn của TAND, TAQS các cấp trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc, từ ngày thành lập cho tới giai đoạn đổi mới hiện nay.
Với tổng số 313 tác phẩm dự thi, qua nhiều lần xem xét, thẩm định, Ban Giám khảo đã bình chọn ra những tác phẩm dự thi thực sự có chất lượng để trao giải và công diễn vào 19h30 tối nay.
Đến tham dự chương trình, về phía lãnh đạo Bộ, Ban, Ngành Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC; Lê Thị Thu Ba - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân; Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa X; Nguyễn Thanh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ 1A, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Huỳnh Vĩnh Ái - Uỷ viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL; Nguyễn Đức Chung - Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, Giám đốc Công an TP. Hà Nội; Đỗ Đức Thịnh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Đặc biệt là sự có mặt của Ngài Khăm - Phăn Xít Thị Đăm Pha, Chánh án TANDTC nước CHDCND Lào; Ngài Chiv Keng, Chánh án TANDTC Vương quốc Campuchia.
Về phía lãnh đạo TANDTC có các đồng chí: Trương Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC; Bùi Ngọc Hòa - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Phó Chánh án Thường trực TANDTC, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng TAND; Nguyễn Sơn - Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC; Tống Anh Hào - Phó Chánh án TANDTC; Nguyễn Văn Thuân - Phó Chánh án TANDTC; Nguyễn Văn Hạnh - Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương; Nguyễn Thúy Hiền - Phó Chánh án TANDTC; các Thẩm phán TANDTC đương nhiệm; nguyên lãnh đạo TANDTC, cán bộ hưu trí TAND; các thành viên Ban Giám khảo Cuộc vận động; các tác giả đạt giải; cán bộ, công chức, người lao động thuộc TANDTC và đại diện Lãnh đạo TAND các tỉnh, thành trong toàn quốc
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa phát biểu Tổng kết Cuộc vận động sáng tác văn học và âm nhạc về TAND.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, đồng chí Bùi Ngọc Hòa - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Phó Chánh án Thường trực TANDTC, Trưởng ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm truyền thống tand nhấn mạnh, Cuộc vận động sáng tác Văn học và Âm nhạc về TAND là một trong chuỗi những sự kiện văn hóa-chính trị quan trọng hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND.
Với chủ trương đó, TANDTC đã phối hợp với Hội Nhà Báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam triển khai Cuộc vận động sáng tác Văn học và Âm nhạc về TAND. Thông qua Cuộc vận động này, TANDTC hy vọng sẽ được các nhà báo, nhà văn, các nhạc sỹ với tài năng, sáng tạo của mình, sẽ cho ra đời những tác phẩm có chất lượng, có giá trị, gắn với lịch sử truyền thống cống hiến, hy sinh thầm lặng của TAND trong chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển.
Thực hiện chủ trương này, ngày 10/03/2015, Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định số 14/2015/QĐ-TANDTC thành lập Ban Tổ chức Cuộc vận động sáng tác, giao cho Báo Công lý tham mưu cho Lãnh đạo TANDTC, làm đầu mối chủ trì triển khai thực hiện Cuộc vận động.
Mặc dù thời gian không dài, đề tài về Tòa án cũng hết sức mới mẻ và hóc búa, nhưng Cuộc vận động sáng tác Văn học và Âm nhạc về TAND đã tập hợp, thu hút khá đông đảo các Nhà văn, Nhà báo, các Nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong cả nước đầu tư trí tuệ và thời gian, nhiệt tình sáng tác và gửi tác phẩm về cho Ban Tổ chức.
Sau thời gian gần 2 tháng, Ban Tổ chức rất vui mừng trước sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của đông đảo các văn nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong cả nước. Ban Tổ chức đã nhận được 72 tác phẩm âm nhạc, 241 tác phẩm văn học (trong đó có 77 tác phẩm Văn xuôi; 164 tác phẩm thơ ca). Đây là những con số vượt ra ngoài sức tưởng tượng của Ban Tổ chức, bởi thời gian tổ chức rất ngắn, đề tài về TAND lại rất mới mẻ".
Nếu Cuộc vận động sáng tác về TAND năm 2010 nhân dịp 65 năm ngày Truyền thống chỉ có một loại hình là âm nhạc, thì Cuộc vận động sáng tác lần này gồm cả hai loại hình là Văn học và Âm nhạc và thu được kết quả nhiều hơn về số lượng; chất lượng các tác phẩm âm nhạc được nâng cao hơn, và thể loại tham gia cũng phong phú, đa dạng hơn. Có đến 1/2 tác phẩm âm nhạc gửi đến tham gia Cuộc vận động đã được các tác giả dụng công phối khí, thu thanh trên đĩa CD gửi đến Ban Tổ chức, tạo điều kiện tốt cho các Ban Giám khảo nghe và có điều kiện thuận lợi khi thẩm định.
Nhận xét về các tác phẩm văn học và âm nhạc trong Cuộc vận động, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa cho rằng, các tác phẩm có nội dung khá sâu sắc trong việc ca ngợi TAND, ca ngợi người Thẩm phán Tòa án các cấp, làm nổi bật hình tượng đẹp của người Thẩm phán với những tâm tư, tình cảm rất nhân văn, rất con người qua hoạt động xét xử; qua tiếp xúc với nhân dân, vận động, hòa giải các đương sự qua các vụ án dân sự trong cộng đồng dân cư. Đặc biệt, các tác phẩm có giá trị và được đánh giá cao, là tác phẩm thể hiện, truyền tải được những nội dung ca ngợi gắn với những đổi mới của TAND tại thời điểm lịch sử hiện tại. Đó là các tác phẩm có sự “phát hiện”, có cách thể hiện mới, độc đáo, mang đến cho công chúng cách nhìn về Tòa án, về người Thẩm phán ở những góc cạnh khác nhau, tích cực và trân trọng và nhân văn. Một số tác phẩm âm nhạc tuy viết theo kết cấu mới, khúc thức phương Tây, nhưng thấm đẫm trong giai điệu, ca từ là chất dân gian truyền thống hồn Việt không trộn lẫn được. Đây là những tác phẩm có lối thể hiện sáng tạo, dễ đi vào lòng người nghe, được các thành viên ban Giám khảo nghe đi nghe lại nhiều lần không chán.
“Các tác phẩm thơ đa phần đều có cốt của câu chuyện. Do đề tài về Tòa án không bay bổng như những lĩnh vực khác, nên phải chăng các tác giả đành mượn cốt chuyện tình cảm trong đời sống để dùng thơ truyền tải, những mong truyền cảm được ý tưởng nhân văn cao cả, đạo đức, bài học về lương tâm, công lý đến với bạn đọc. Có bài thơ, đọc xong chúng ta không cầm được nước mắt, bởi tình cảnh éo le của những đứa con trẻ khi cha mẹ chúng đưa nhau ra Tòa án ly dị…Chúng ta cần nhiều, cần rất nhiều những tác phẩm văn học, âm nhạc truyền cảm, đi vào lòng người như vậy; để trong xã hội bớt đi những cảnh đời bất hạnh, những mái ấm nát tan, những giọt nước mắt chia ly, để con trẻ được sống trong tình thương đủ đầy của cả cha và mẹ. Và như thế, công việc của các Tòa án cũng nhẹ nhàng hơn, bớt đi áp lực công việc mà thời gian qua, có lúc trở nên quá tải”, Phó Chánh án Thường trực Bùi Ngọc Hòa nhấn mạnh.
Thay mặt Lãnh đạo TANDTC, đồng chí Bùi Ngọc Hòa gửi lời cảm ơn đến các Nhà văn, Nhạc sĩ, Nhà báo đã đồng hành cùng Ban Tổ chức, đóng góp các tác phẩm làm nên thành công Cuộc vận động. Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được nhiều tác phẩm có giá trị hơn nữa, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của Thẩm phán, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống TAND để tạo động lực thúc đẩy TAND các cấp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Minh Sử, Ủy viên Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng TAND đã công bố Quyết định xếp loại các tác phẩm Văn học và Âm nhạc về TAND đạt giải. Kết quả:
Về lĩnh vực Văn học (gồm tác phẩm văn xuôi và thơ): 01 tác phẩm Thơ đạt giải A, đó là "Thư gửi mẹ từ những phiên tòa" của tác giả Nguyễn Thị Phương Thúy. 04 tác phẩm đạt giải B, đó là Truyện ngắn "Cha, con và tâm sự người Thẩm phán" (tác giả Nguyễn Đình Tú); Bút ký "Nếu chọn lại tôi vẫn làm Thẩm phán" (tác giả Nguyễn Xuân Thủy); Thơ: Phiên tòa mở trước phiên tòa (tác giả Phan Thế Phiệt); Thơ: Huân chương trao anh là thanh gươm công lý (tác giả Lê Minh Quốc). 06 tác phẩm đạt giải C, đó là Phóng sự "Người thắp lửa biên cương" (Nguyễn Trung Thành); Phóng sự "Giọt buồn cháy sau lưng" (Kim Giao); Truyện ngắn "Nghĩa tình sau trước" (Phạm Xuân Đào); Thơ "Người ngồi trên ghế nóng" (Tô Hoàn); Thơ "Đưa con đi chơi ngày tết thiếu nhi" (Hà Văn Thể); Thơ "Đêm không ngủ" (Lê Huy Hòa). 06 tác phẩm thể loại Thơ đạt giải Khuyến khích, đó là tác phẩm Nơi ấy (Lý Hoài Xuân); Lương tâm và công lý (Phan Thành Minh); Gọi gió về thung (Phạm Vân Anh); Người thẩm phán già (Phan Quế); Chuyện của người cùng phố (Lê Tấn Hiển); Người thẩm phán (Dương Thành Thái).
Về lĩnh vực Âm nhạc, có lẽ do thời gian thâm nhập thực tế còn ngắn, vốn liếng hiểu biết về TAND, về người Thẩm phán còn chưa nhiều, nên Ban Giám khảo, Ban Tổ chức chưa tuyển chọn ra được tác phẩm Âm nhạc nào đạt giải A. Có 02 tác phẩm đạt giải B, đó là Hợp xướng "Vinh quang TAND Việt Nam" (Lời: Nguyễn Thanh Hùng - Nhạc: Doãn Nguyên) và ca khúc "Tự hào người Thẩm phán TAND" (Lời: Nguyễn Mạnh Hồng - Nhạc: Vũ Tuấn Hội).03 tác phẩm đạt giải C, đó là ca khúc Người Thẩm phán tôi yêu (Nhạc và lời: Hoàng Văn Thành); Công lý và người làm án (Lời: Đỗ Việt Dũng - Nhạc: Vũ Duy Cương); Người Thẩm phán nhân dân (Nhạc và lời: Nguyễn Đức Giao). 06 tác phẩm đạt giải Khuyến khích, đó là Đời còn có anh (Nguyễn Hòa); Khúc hát tự hào Tòa án nhân dân Việt Nam (Nguyễn Duy Khoái); Ước mơ người Thẩm phán nhân dân (Lời: Phạm Minh Tuyên - Nhạc: Viêm Xuân Doãn); Tòa án nhân dân làm theo lời Bác (Lời: Lê Đức Khanh - Nhạc: Phạm Phước Nghĩa); Niềm tin Công lý (Lời: Phan Đình Hiếu - Nhạc: Nguyễn Thanh Hùng); Bài ca Thẩm phán Việt Nam (Nguyễn Văn Bằng).
Đ/c Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC trao Bằng chứng nhận Giải B cho các tác giả của 02 tác phẩm Hợp xướng "Vinh quang TAND Việt Nam" và ca khúc "Tự hào người Thẩm phán TAND"
Đ/c Trương Hòa Bình trao Bằng chứng nhận Giải B cho các tác giả của 02 tác phẩm âm nhạc đạt giải B và 01 tác phẩm Thơ đạt Giải A
Đ/c Bùi Ngọc Hòa - Phó Chánh án Thường trực TANDTC, Trưởng ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm TAND trao Bằng chứng nhận Giải B cho các tác giả của 04 tác phẩm Văn học (gồm thể loại Văn xuôi +Thơ).
Đ/c Nguyễn Sơn - Phó Chánh án TANDTC và đ/c Nguyễn Thúy Hiền - Phó Chánh án TANDTC trao Bằng chứng nhận Giải C cho các tác giả của 09 tác phẩm (03 thể loại Âm nhạc, văn xuôi và Thơ).
Đ/c Tống Anh Hào - Phó Chánh án TANDTC và đ/c Nguyễn Mạnh Hồng - Tổng Biên tập Báo Công lý, Trưởng ban Tổ chức Cuộc vận động sáng tác Văn học và âm nhạc về TAND đã trao Bằng chứng nhận Giải Khuyến khích cho các tác giả của 06 tác phẩm Thơ.
Đ/c Nguyễn Văn Thuân, Phó Chánh án TANDTC và Đ/c Nguyễn Văn Hạnh - Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương trao Bằng chứng nhận Giải Khuyến khích cho các tác giả của 06 tác phẩm (thể loại Âm nhạc).
Sau lễ công bố và trao Bằng chứng nhận cho các tác giả đạt giải, là phần công diễn các tác phẩm đạt giải trong Cuộc vận động sáng tác văn học và âm nhạc về TAND.
“Toà án nhân dân vì nền Tư pháp quên thân, vì một lẽ nhân sinh suốt đời phấn đấu vì dân/ Được Đảng, Bác trao Công lý là gươm thiêng, giữ gìn như ngọc sáng mãi ngàn năm…”, là lời mở đầu trong ca khúc “Tự hào người Thẩm phán Tòa án nhân dân” của tác giả Nguyễn Mạnh Hồng, Tổng Biên tập Báo Công lý, nhạc sĩ Vũ Tuấn Hội phổ nhạc, do Hợp ca nam nữ và Vũ đoàn Biển Xanh biểu diễn. Đây là một trong hai tác phẩm âm nhạc đạt giải cao nhất trong cuộc vận động (giải B) nhưng là tác phẩm duy nhất trong số tác phẩm gửi về Ban Tổ chức mà lời ca đã truyền tải được vị thế, vai trò của Tòa án nhân dân, đó là “cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp” - một chế định lần đầu tiên trong lịch sử lập Hiến đã nâng cao vai trò của TAND, được khẳng định tại Điều 102 Hiến pháp năm 2013. Tính tư tưởng và giá trị "chân, thiện, mý" trong lời ca đã được nhạc sỹ phổ nhạc cho cất cánh lên cao, như nhận xét đánh giá của ông Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án thường trực TANDTC về ca khúc: “Lời ca trong sáng, có “sức nặng”, và ca khúc viết theo nhịp hành khúc, dễ thuộc, dễ hát, giai điệu ở âm khu trung, nên việc phổ cập trong đời sống của cán bộ, Thẩm phán các Tòa án có nhiều thuận lợi…”.
Hợp ca nam nữ và Vũ đoàn Biển Xanh biểu diễn ca khúc “Tự hào người Thẩm phán TAND” - Lời thơ: Nguyễn Mạnh Hồng - Nhạc: Vũ Tuấn Hội.
Với tính chất hành khúc, bài hát như một lời hiệu triệu, thúc giục, song lại ẩn chứa nhiều bài học sâu sắc với những cán bộ TAND. Lần đầu tiên và duy nhất trong các tác phẩm văn học, âm nhạc cụm từ “thực hiện quyền Tư pháp” được thể hiện rõ. Lời bài hát khẳng định được vị trí, vai trò của TAND trong suốt chặng đường 70 năm qua.
Trong Cuộc vận động sáng tác văn học và âm nhạc về đề tài TAND, không khó để nhận ra hình ảnh của người Thẩm phán luôn là trung tâm, là cảm xúc để các nhạc sĩ, nhà văn chuyên và không chuyên sáng tác. Tuy chung một nguồn cảm hứng, nhưng mỗi một Thẩm phán đều hiện lên ở những lăng kính và góc cạnh khác nhau. Hình ảnh người Thẩm phán trong suy nghĩ và cảm nhận của tác giả Đức Giao (ca khúc Người Thẩm phán TAND) và Nguyễn Văn Bằng (ca khúc Bài ca Thẩm phán Việt Nam) được thể hiện rõ nét qua sự biểu diễn của Nghệ sĩ ưu tú Minh Quang.
Nghệ sĩ Minh Quang biểu diễn ca khúc Bài ca Thẩm phán Việt Nam
70 năm - 70 mùa hoa, TAND tỏa sắc, tỏa hương trong vườn hoa đất nước. Chặng đường đó đầy vinh quang nhưng cũng nhiều thách thức. Song chính niềm tin yêu, sự tự hào luôn cháy lên trong những con người đại diện cho công lý, là động lực để họ vượt qua những khó khăn thử thách. “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, hay phải “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Đó là những lời dạy của Bác đã in đậm trong tâm trí của những người làm việc trong hệ thống Tòa án. 70 năm qua, lời dạy đó của Người vẫn luôn được các thế hệ Thẩm phán học tập và nhắc nhớ. Lời huấn thị ấy đã khơi nguồn sáng tác cho các tác giả lồng ghép vào lời bài hát một cách sáng tạo, đầy ý nghĩa. Tất cả được thể hiện trong ca khúc “Khúc hát tự hào Tòa án nhân dân Việt Nam” của tác giả Nguyễn Duy Khoái, “Tòa án nhân dân làm theo lời bác” (Lời: Lê Đức Khanh-Phạm Phước Nghĩa; Nhạc: Phạm Phước Nghĩa) …đã toát lên vị thế của Tòa án, đồng thời là vẻ đẹp tâm hồn của những cán bộ Tòa án, những người cầm cán cân công lý.
Tốp ca nam biểu diễn ca khúc "Tòa án nhân dân làm theo lời Bác"
Ca khúc “Niềm tin công lý” - Lời của Phan Đình Hiếu - Nhạc: Nguyễn Thanh Hùng do ca sĩ Mạnh Hà biểu diễn đã khẳng định với những thành tựu đã đạt được, TAND xứng đáng có được niềm tin của nhân dân vào công lý, vào những con người đang góp sức xây đời ngày một tốt đẹp hơn.
Nhắc tới hình ảnh những người Thẩm phán, đặc biệt là những nữ Thẩm phán, có lẽ ai cũng cho rằng phần lớn đều là những người phụ nữ nghiêm khắc, lý trí, khô khan. Điều đó có thể một phần đúng khi họ đứng trước công đường. Tuy nhiên với thiên chức của một người phụ nữ, cao hơn cả là người phụ nữ Việt Nam, ta vẫn thấy đằng sau sự mạnh mẽ và lý trí ấy là sự đằm thắm và đảm đang đầy nữ tính. Và có lẽ hình ảnh 2 trong 1 đó đã mang đến nguồn xúc cảm cho Hoàng Thành để anh viết nên ca khúc “Người Thẩm phán tôi yêu”. Bài hát được thể hiện qua giọng ca của nam ca sĩ Duy Đức.
Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan và tác giả - nhà văn Nguyễn Xuân Thủy
Trong buổi lễ này, những hình ảnh trong phóng sự “Thẩm phán Kim Loan”, với nguyên mẫu là Thẩm phán Kim Loan trong bút ký “Nếu chọn lại tôi vẫn làm Thẩm phán” của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đã đạt giải B đã khiến người xem hiểu sâu sắc về biến cố và nỗi đau của Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan chỉ là một trong vô vàn những góc khuất của đội ngũ Thẩm phán - những người gánh trên vai trọng trách của người "cầm cân nảy mực" đem lại công lý, công bằng cho xã hội. Họ - những người luôn giấu đi những tâm tư, luôn chịu đựng áp lực và cả rủi ro của nghề để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của TAND giao phó.
Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong vụ án diễn ra cách đây 10 năm, bởi chị là nạn nhân của một vụ trả thù kinh hoàng khiến dư luận căm phẫn lúc bấy giờ. Khi đồng tiền không mua chuộc được Thẩm phán để làm lệch cán cân công lý, kẻ thủ ác đã thuê người tạt axit lên toàn bộ gương mặt, khiến chị bị bỏng nặng với tình trạng thương tật vĩnh viễn 64%.
10 năm qua chị đã phải trải qua 41 ca phẫu thuật, ca dài nhất chị phải nằm bất động trên giường bệnh 72 tiếng đồng hồ, để tìm lại gương mặt của mình. Với chị 10 năm ấy là một hành trình dài vượt lên trên đớn đau bằng ý chí và tinh thần thép của một nữ Thẩm phán. Chị tâm sự mình gặp rủi ro trong nghề nghiệp, nhưng may mắn vì có gia đình ở bên hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất để chị có thể tìm lại phần nào gương mặt mình và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Cũng vì thế mà chị đồng ý nhận lời làm nhân vật trong bút ký “Nếu lựa chọn lại, tôi vẫn làm Thẩm phán” của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy.
Nghệ sĩ Ngọc Thọ thể hiện bài thơ “Thư gửi Mẹ từ những phiên tòa” của tác giả Nguyễn Thị Phương Thúy.
Cảm xúc ấn tượng và xúc động trong chương trình là tiết mục ngâm thơ của nghệ sĩ Ngọc Thọ cất lời thơ “Thư gửi mẹ từ những phiên tòa” của tác giả Nguyễn Thị Phương Thúy (tác phẩm đạt giải A). “Mẹ ơi…mẹ ơi…!” những tiếng gọi khiến người ngồi trong khán phòng xúc động đến nhói tim. Những câu thơ da diết, tình cảm chất chứa nỗi suy tư của một người con là cán bộ Tòa án gửi cho mẹ. Có những góc khuất, có những tâm sự mà người Thẩm phán không biết tâm sự với ai ngoài mẹ. Trở về với mẹ sau những phiên tòa là trở về với nhịp sống đời thường, trở về với những giá trị của cuộc sống sau những phiên xử có nụ cười và có nước mắt.
Nghệ sĩ Phan Muôn ngâm thơ "Phiên tòa mở trước phiên tòa"
Bài thơ đầy ưu tư, suy ngẫm "Phiên tòa mở trước phiên tòa” của tác giả Phan Thế Phiệt qua giọng ngâm của Nghệ sĩ ưu tú Phan Muôn thể hiện Tòa án lương tâm luôn ngự trị trong mỗi người và với người Thẩm phán - những người giữ cán cân công lý, phiên tòa lương tâm ấy còn nghiêm khắc, và đặc biệt hơn. khi ở đó họ phải hóa thân vào mỗi vị trí, mỗi thân phận. Cùng chung mạch cảm xúc và tinh thần bài thơ, bài hát “Công lý và người làm án” của tác giả thơ Đỗ Việt Dũng - nhạc Vũ Duy Cương cũng là một ca khúc gây được sự chú ý trong chương trình này qua giọng hát của Minh Vương.
Có một điều đặc biệt trong chương trình này là hợp xướng“Vinh quang Tòa án nhân dân Việt Nam” (Lời: Nguyễn Thanh Hùng - Nhạc: Doãn Nguyên) - tiết mục đạt giải B trong Cuộc vận động do Hợp xướng Nhà hát Đài TNVN, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Vũ đoàn Biển Xanh biểu diễn. Đây là một bức tranh nhiều mầu sắc âm thanh bởi được viết với 4 bè, giọng nam nữ hòa trộn; giai điệu vừa tha thiết trữ tình, vừa âm vang hoành tráng, như phác họa một đội ngũ cán bộ, Thẩm phán TAND trùng trùng lớp lớp, nguyện tiếp nối nhau theo truyền thống “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư” từ 70 năm qua. Tuy tính chất quảng bá, đại chúng của tác phẩm không dễ dàng vì bè bối nhiều, nhưng đây thực sự là một bức bích họa nhiều màu sắc về Hệ thống các TAND trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay.
Tốp nữ với ca khúc “Đời còn có anh”
Nghệ sĩ Trần Tựa thể hiện ca khúc "Ước mơ người Thẩm phán nhân dân"
Thực tế, nhiệm vụ của người Thẩm phán được Nhà nước và nhân dân giao cho trách nhiệm là bảo vê công lý, vì vậy họ luôn phải tiếp xúc với mọi tầng lớp xã hội, tiếp xúc với những mặt trái và chứng kiến cả những nỗi bất hạnh, chia ly. Đó chính là sự trăn trở, day dứt hằng đêm của những người làm trong các TAND. Cảm nhận được những phẩm chất đẹp đẽ của người Thẩm phán, tác giả Nguyễn Hòa đã cho ra đời sáng tác “Đời còn có Anh”. Ca khúc “Ước mơ người Thẩm phán nhân dân” (Lời: Phạm Minh Tuyên, Nhạc: Viêm Xuân Doãn), do NSƯT Trần Tựa biểu diễn cũng để lại cảm xúc sâu sắc cho người xem.
Ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” do tập thể cán bộ, công chức TAND TP.Hồ Chí Minh biểu diễn
Ca khúc "Đất Việt tiếng vọng ngàn đời" do Tòa án Quân sự Quân khu 3 biểu diễn
Bên cạnh việc công diễn 11 ca khúc và 02 tác phẩm thơ đạt giải trong Cuộc vận động, chương trình còn có sự tham gia của 03 tiết mục ca khúc đạt giải cao trong Hội diễn văn nghệ TAND lần thứ III của TAND TP. Hà Nội, TAND TP.Hồ Chí Minh và Tòa án Quân sự Quân khu 3. Các tiết mục này được dàn dựng công phu, hoành tráng tạo điểm nhấn trong đêm công diễn.
Cuộc vận động sáng tác văn học và âm nhạc về TAND đã tạo không khí sôi nổi chào mừng 70 năm ngày Truyền thống TAND, đồng thời chọn ra được những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, tôn vinh được vai trò, vị thế của Tòa án Việt Nam trong suốt 70 năm xây dựng, trưởng thành.
Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thành viên Ban Giám khảo Cuộc vận động: Tôi thấy Tòa án là đề tài khá mới mẻ, và mỗi tác phẩm có một góc tiếp cận riêng của từng tác giả về TAND nói chung, về hình tượng người Thẩm phán nói riêng. Có tác phẩm ca ngợi người Thẩm phán nguyên tắc, đanh thép khi ngồi ghế Chủ tọa phiên tòa xét xử, nhưng cũng chính là người đầy tâm trạng trăn trở, day dứt và ấm nóng tình người; có tác phẩm lại đi vào khai thác những điều sâu kín như là những tâm tư của người “cầm cân nảy mực” sau mỗi phiên tòa, ước mong làm sao cho xã hội ngày càng tươi đẹp. Dù có nhiều góc tiếp cận khác nhau, nhưng tất cả các tác phẩm đều toát nên niềm vinh dự, tự hào của người cán bộ TAND được Đảng giao trọng trách xét xử, thể hiện được chân dung và vẻ đẹp của người Thẩm phán TAND Việt Nam. |
Nhà báo Lê Phúc Hỷ - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí TAND, thành viên Ban Giám khảo: "Tự hào người Thẩm phán TAND", "Vinh quang TAND Việt Nam", “Người Thẩm phán tôi yêu”, “Đời còn có anh”, “ Ước mơ người Thẩm phán”, “Niềm tin Công lý”... Mỗi ca khúc là một góc tình cảm mà các tác giả gửi gắm trong đó, có ca khúc vang lên như lời hiệu triệu, có ca khúc mang tính tự sự, trữ tình.., nhưng tất cả đều khơi dậy niềm tự hào về sứ mệnh cao cả, vinh quang của người Thẩm phán. Các tác phẩm tham dự là những bông hoa góp thêm vào vườn hoa 70 năm thành lập, 70 mùa xuân, 70 năm Tòa án nhân dân đồng hành và có sự đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước. |