Không sợ đứt gãy nguồn cung hàng Tết, chỉ lo sức mua yếu

Trang Nhi| 26/11/2021 09:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, song không khí chuẩn bị hàng Tết chưa sôi động, nhiều doanh nghiệp lo ngại sức mua sẽ yếu nên còn dè dặt trong sản xuất hàng cung ứng cho Tết.

Khó dự báo sức mua hàng Tết nên sản xuất dè chừng

Theo dự báo của một số công ty nghiên cứu thị trường, sức mua trong tết Nhâm Dần 2022 sẽ giảm 10% - 20% so với Tết năm trước, do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân thắt chặt chi tiêu. Người dân cũng lo ngại dịch bệnh, hạn chế tập trung mua sắm nên thị trường khó nhộn nhịp như mọi năm.

hang-tet-1.jpg
Thị trường hàng Tết năm nay được dự báo không nhộn nhịp như mọi năm.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tết cũng đang khó khăn sau dịch và chưa dự báo được thị trường nên sẽ không dự trữ hàng hóa nhiều như mọi năm. Năm nay, sau dịch bệnh, các chi phí sản xuất tăng, sức mua yếu, thị trường khó dự báo... khiến doanh nghiệp khó khăn trong tính toán lượng hàng, giá bán lẻ... Doanh nghiệp tăng giá hàng hóa theo đúng mức tăng chi phí và nguyên liệu thì rất khó tiêu thụ, nhưng nếu giữ giá bán cũ thì doanh nghiệp không có lợi nhuận. Điều đó đang làm cho nhiều doanh nghiệp rất dè dặt trong việc tăng sản lượng hàng hóa, không dám bung ra sản xuất cho dịp tết như các năm trước.

Hiện tại, một số nhà sản xuất hàng thực phẩm chế biến, sản xuất hàng Tết gần như đã hoàn chỉnh và đang triển khai chào bán cho các hệ thống phân phối chủ lực. Tuy nhiên, các DN phân phối chỉ mới đặt hàng cho tháng 12, tăng 20% so với tháng 11, chứ chưa chốt đơn hàng cho tháng 1/2022.

Bản thân các DN bán lẻ cũng đang theo dõi thị trường, chưa vội đặt hàng Tết vì sức mua quá chậm. Thêm vào đó, nhà phân phối vẫn còn tồn kho sản lượng khá lớn các mặt hàng thực phẩm chế biến, thực phẩm khô từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, cần phải giải quyết.

Tuy nhiên, theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, một số DN lớn đang sản xuất gối đầu cho 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết nhưng do sức mua đang rất chậm, diễn biến thị trường khó lường và tùy thuộc vào tình hình kiểm soát dịch COVID-19 nên các DN không tăng sản lượng nhiều, càng không dám phát triển nhiều sản phẩm mới như mọi năm. Thay vào đó, DN chuẩn bị sẵn nguyên phụ liệu, bao bì để khi nhà phân phối tăng đặt hàng hoặc thị trường khởi sắc sẽ lập tức tăng tốc đáp ứng.

Bà Chi cho biết, các DN trong Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM khẳng định sẽ tăng dự trữ, sẵn sàng sản xuất ngày đêm để tăng cung ứng hàng hóa. Nhu cầu tăng lên thì DN sẵn sàng "chiến đấu".

Hiện nay, tại các tỉnh, thành phố trên cả nước… đều đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm dự trữ các loại hàng hóa lương thực, thực phẩm cần thiết trước mọi cấp độ và diễn biến của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ, siêu thị đều tăng hàng cung ứng, dự trữ Tết Nguyên đán 2022 (tăng 20-30% so với ngày thường) nên về cơ bản sẽ vẫn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, giá cả cơ bản ổn định.

hang-tet-2.jpg
Các nhà bán lẻ, siêu thị cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.

Bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu

Mới đây, Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo đó, để đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hoá dịch cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa.

Đặc biệt, là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều để chủ động có phương án. Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Đồng thời, chủ động tham mưu UBND tỉnh các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa theo các cấp diễn biến của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn. Ngoài ra, cần có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp có dịch bệnh và Tết. Triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật. 

Mặt khác, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, phối hợp với các Sở ngành liên quan, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cho lưu thông thông suốt và kịp thời cung ứng cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Đối với các đơn vị sản xuất, hoạt động kinh doanh thương mại bên cạnh việc tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh cần đảm bảo duy trì sản xuất, thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng đủ, kịp thời nguồn hàng cho thị trường khi cần thiết.

Hạn chế tối đa việc dừng sản xuất trong dịp gần Tết gây tâm lý bất ổn cho thị trường. Giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do đầu cơ, nâng giá. Triển khai nghiêm túc việc cung ứng các mặt hàng chính sách cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo một cách đầy đủ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

hang-tet-3.jpg
Các siêu thị tung nhiều chương trình khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng.

Kích cầu không đơn giản là "bơm tiền"

Đại diện cho khối doanh nghiệp DN, bà Lý Kim Chi kiến nghị Nhà nước cần cho phép tổ chức các chương trình bán hàng kích cầu, giảm giá để thu hút người dân mua sắm. Điều này sẽ là giúp thị trường hồi phục. 

Về giải pháp kích thích thị trường tiêu dùng trong nước, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đánh giá tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam đang yếu, 3 năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều tăng trưởng hai con số, với mức tăng trưởng trên 10%, thì năm nay suy giảm, giờ phục hồi cũng chỉ đạt mức tăng trưởng 2-3%.

Ông Phương cho rằng kích thích tiêu dùng không đơn giản là Nhà nước "bơm tiền" mà hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân cần phải quay trở lại như bình thường thì lúc đó tổng cầu mới lên. 

Để ổn định giá cả hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động; đôn đốc các địa phương sớm có phương án mở lại hoạt động của các chợ truyền thống với điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, xây dựng Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Mặt khác, tập trung chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tại các địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận trong thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không sợ đứt gãy nguồn cung hàng Tết, chỉ lo sức mua yếu