Bảo vệ người tiêu dùng

Hết thời “xin lỗi là xong”: Người nổi tiếng quảng cáo sai sẽ bị xử lý nghiêm

Trang Nguyễn 01/07/2025 - 12:48

Không còn thời “vô tư” quảng cáo rồi xin lỗi, những người nổi tiếng, KOL, TikToker… nếu vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động quảng cáo – đặc biệt với sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe – có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thời gian gần đây, khi lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh với hàng giả, hàng kém chất lượng, xã hội bắt đầu nhìn thấy rõ hơn một “vấn nạn đính kèm” – đó là sự tiếp tay của những người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội. Những lời quảng bá có cánh, thiếu kiểm chứng từ các TikToker, KOL, MC, nghệ sĩ… không chỉ tạo lòng tin giả tạo trong người tiêu dùng, mà còn vô tình (hoặc cố ý) tiếp tay cho các hành vi gian lận thương mại, đặc biệt là với sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như sữa, thực phẩm chức năng.

Điển hình, thời gian qua những vụ việc như người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm sửa HIUP 27, các TikToker vừa bán, vừa quảng cáo thực phẩm chức năng mang thương hiệu Hải Sen… đã khiến cộng đồng mạng, người tiêu dùng nhiều phen thất vọng và đặt ra câu hỏi về trách nhiệm pháp lý của người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo sai sự thật.

Luật sư Dương Thị Thanh Bình (Đoàn Luật sư TP Hà Nội – Văn phòng Luật sư Trang Nguyễn) khẳng định: Việc quảng cáo sai sự thật không đơn thuần là vấn đề đạo đức, mà là hành vi vi phạm pháp luật, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, kể cả khi người quảng cáo là nghệ sĩ, người nổi tiếng hay KOL.

Người có ảnh hưởng không thể “vô can” khi quảng cáo sai sự thật

Theo Nghị định 55/2024/NĐ-CP, người có ảnh hưởng là những cá nhân có uy tín, chuyên môn hoặc được cộng đồng quan tâm trên phương tiện truyền thông, được doanh nghiệp tài trợ để sử dụng hình ảnh, lời khuyên nhằm xúc tiến thương mại. Khi tham gia quảng bá, họ phải cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, đồng thời có trách nhiệm kiểm chứng thông tin từ doanh nghiệp.

Cụ thể, khoản 3 Điều 22 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 nêu rõ: Người có ảnh hưởng phải yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu chứng minh tính chính xác của sản phẩm, đồng thời chịu trách nhiệm liên đới nếu quảng cáo sai sự thật – trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm tra thông tin.

Tuy nhiên, trong vụ việc sữa giả HIUP 27 vừa qua, hàng loạt nghệ sĩ, MC nổi tiếng như Vân Hugo, BTV Quang Minh, Trung Ruồi, Lâm Vỹ Dạ, Bảo Thy… lại nhận quảng bá cho sản phẩm với lời hứa hẹn “cao như hoa hậu sau 3 tháng”. Sau khi vụ việc bị phanh phui, một số cá nhân lên tiếng thừa nhận mình bị “lừa” từ phía công ty.

hiup.jpg
BTV Quang Minh và Vân Hugo đồng thanh khẳng định: "Tôi bị lừa".

Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng đặt câu hỏi: Vì sao người dân có thể nghi ngờ sản phẩm, còn người nổi tiếng lại “vô tư” tin tưởng đến mức quảng bá công khai?

Pháp luật quy định rõ: “Không biết” không phải là lý do miễn trừ trách nhiệm

Luật Quảng cáo 2012 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đều quy định rõ: Hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn, cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ về sản phẩm, dịch vụ… là hành vi bị nghiêm cấm.

Cụ thể:

Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 cấm quảng cáo sai lệch về chất lượng, công dụng, xuất xứ của sản phẩm. Khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 nghiêm cấm hành vi “lừa dối hoặc gây nhầm lẫn” thông qua thông tin sai lệch về hàng hóa, dịch vụ.

Luật sư Thanh Bình nhấn mạnh: Người nổi tiếng, KOL, KOC… không chỉ có trách nhiệm đạo đức mà còn có nghĩa vụ pháp lý rõ ràng. Việc viện dẫn “không biết”, “bị lừa”, hay “làm theo kịch bản” không đủ để miễn trừ trách nhiệm nếu họ không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kiểm chứng thông tin.
Quảng cáo sai sự thật: Có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Tùy theo mức độ vi phạm, người quảng cáo sai có thể:

Bị xử phạt hành chính từ 60 – 80 triệu đồng, theo khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP về vi phạm trong hoạt động quảng cáo.

Bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu có hành vi giúp sức, đồng phạm trong việc lừa dối khách hàng hoặc buôn bán hàng giả.

Căn cứ theo:Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) – về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm…

Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 – về tội lừa dối khách hàng.

Luật sư Thanh Bình nhấn mạnh: “Nếu chứng minh được người quảng cáo biết rõ sản phẩm sai sự thật mà vẫn quảng bá, hoặc không thực hiện đầy đủ trách nhiệm xác minh theo luật định, thì hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.”

Người nổi tiếng, KOL, TikToker… có quyền sử dụng hình ảnh để hợp tác thương mại, nhưng danh tiếng không thể tách rời trách nhiệm pháp lý và đạo đức. Trong bối cảnh hàng giả, hàng kém chất lượng đang len lỏi khắp thị trường, việc “vô tư” quảng cáo sản phẩm sai sự thật không còn là lỗi nhỏ có thể xin lỗi rồi cho qua.

Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Với người có sức ảnh hưởng, trách nhiệm ấy còn lớn hơn – bởi một lời nói, một video quảng bá sai sự thật có thể gây hại đến hàng ngàn người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm yếu thế như trẻ em, người bệnh, người già...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hết thời “xin lỗi là xong”: Người nổi tiếng quảng cáo sai sẽ bị xử lý nghiêm