Bảo vệ người tiêu dùng

Dầu bẩn len lỏi vào bếp ăn tập thể, đồ ăn trẻ em: Cảnh báo pháp lý và lỗ hổng kiểm soát

Trang Nguyễn 02/07/2025 - 10:35

Đường dây sản xuất dầu ăn giả quy mô lớn do Công ty Nhật Minh Food điều hành bị triệt phá đã khiến dư luận hoang mang. Dưới vỏ bọc thương hiệu “Ofood”, hàng chục nghìn tấn dầu dành cho chăn nuôi gia súc được đóng chai, dán nhãn “dầu ăn” và phân phối tới các bếp ăn tập thể, nhà hàng, thậm chí cơ sở chế biến đồ ăn cho trẻ em.

Dầu bẩn tuồn vào bếp ăn tập thể, đồ ăn trẻ em

Tối 24/6, Công an tỉnh Hưng Yên đồng loạt khám xét và bắt giữ các đối tượng liên quan đến đường dây sản xuất dầu ăn giả do Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food điều hành. Dưới thương hiệu “Ofood”, nhóm đối tượng đã đưa ra thị trường hàng chục nghìn tấn dầu chỉ dùng trong chăn nuôi gia súc, đóng chai, dán mác “dầu ăn” và phân phối rộng rãi trong hệ thống tiêu dùng.

Nguồn tiêu thụ chủ yếu được xác định là các bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán ăn bình dân, thậm chí cả làng nghề sản xuất bánh kẹo, đồ ăn vặt cho trẻ em. Đây là những nơi người tiêu dùng gần như không có khả năng kiểm soát chất lượng thực phẩm.

thiet-ke-chua-co-ten-4-(1).png
Dầu ăn giả bị Công an tỉnh Hưng Yên thu giữ. (Ảnh: Internet)

Ngoài lượng sản phẩm đã trót lọt ra thị trường, Công an tỉnh Hưng Yên đã thu giữ hơn 1.000 tấn dầu thực vật nhập lậu, được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất dầu ăn giả.

Cơ quan chức năng đã khởi tố ba bị can là những đối tượng cầm đầu, điều hành đường dây sản xuất, tiêu thụ dầu ăn giả về các tội danh nghiêm trọng gồm: sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩmbuôn lậu, theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ước tính, trong vòng 3 năm gần đây, doanh thu từ hoạt động sản xuất và phân phối dầu ăn giả của các công ty liên quan lên tới hơn 8.200 tỷ đồng. Trong đó, có doanh nghiệp đã hoạt động liên tục suốt 14 năm, với doanh thu thường niên lên đến 4.500 tỷ đồng – con số cho thấy quy mô và mức độ len lỏi sâu rộng của đường dây này trên thị trường.

Pháp luật quy định mức án đến tù chung thân

Liên quan đến sự việc này, Luật sư Hồ Thị Phượng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm, theo thông tin từ cơ quan điều tra, các bị can trong vụ án dầu ăn giả đã bị khởi tố về hai tội danh đặc biệt nghiêm trọng là sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm và buôn lậu. Cả hai đều là tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, có khung hình phạt cao và chế tài nghiêm khắc.

Quy định tại Điều 193 và Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm (Điều 193): Mức phạt tù từ 2 đến 5 năm nếu vi phạm thông thường.
Từ 5 đến 10 năm nếu có tổ chức, hoạt động chuyên nghiệp, thu lợi bất chính trên 100 triệu đồng.
Từ 10 đến 15 năm nếu thu lợi từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỷ đồng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.
Từ 20 năm đến tù chung thân nếu thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Với tổng doanh thu bất chính được cơ quan chức năng xác định hơn 8.200 tỷ đồng, dấu hiệu cấu thành ở khung hình phạt cao nhất là rõ ràng.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị: Phạt tiền đến 100 triệu đồng;

Cấm hành nghề, giữ chức vụ từ 1 đến 5 năm; Tịch thu tài sản.

Tội buôn lậu (Điều 188): Mức phạt tối đa 20 năm tù nếu giá trị hàng hóa buôn lậu từ 1 tỷ đồng trở lên; Phạt tiền đến 100 triệu đồng; Cấm hành nghề, tịch thu tài sản; Đối với pháp nhân thương mại: phạt đến 15 tỷ đồng, có thể bị đình chỉ hoạt động.

Ngoài ra, luật sư Hồ Thị Phượng cho biết, ngoài hai tội danh đã bị khởi tố, căn cứ vào thông tin điều tra, các bị can có thể tiếp tục bị xử lý thêm các tội danh sau:

Tội trốn thuế (Điều 200): nếu lợi dụng chính sách thuế, khai báo gian dối để trốn thuế GTGT – mức án đến 7 năm tù.

Việc đưa dầu ăn kém chất lượng, không đúng công bố, có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng vào các bếp ăn tập thể, nhà hàng và cơ sở chế biến thực phẩm cho trẻ em hoàn toàn có thể cấu thành tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317). Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể đối mặt với mức án lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, thủ đoạn gắn nhãn “dầu ăn bổ sung vitamin A” trong khi không hề có thành phần này cũng là hành vi lừa dối người tiêu dùng, có dấu hiệu của tội lừa dối khách hàng theo Điều 198, với khung hình phạt cao nhất lên tới 5 năm tù.

Vụ án có khả năng tiếp tục mở rộng điều tra để làm rõ nhiều tội danh khác có liên quan, phản ánh mức độ tinh vi và nguy hiểm của đường dây sản xuất, tiêu thụ dầu ăn giả có quy mô lớn bậc nhất từ trước tới nay.

Cục An toàn thực phẩm đồng thời cảnh báo

Trước thông tin chấn động về việc một số cơ sở ngang nhiên sử dụng dầu dành cho thức ăn chăn nuôi để sản xuất, chế biến thành dầu ăn cho người, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát đi cảnh báo khẩn cấp, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tăng cường kiểm soát nguyên liệu đầu vào.

Theo Cục, các bếp ăn tập thể, đơn vị cung cấp suất ăn sẵn, nhà máy chế biến thực phẩm cần kiểm tra kỹ hồ sơ công bố và nguồn gốc nguyên liệu từ nhà cung cấp, không được chỉ dựa vào bao bì, nhãn mác bên ngoài. Đây là yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm.

Mọi hành vi cố tình sử dụng nguyên liệu không đúng với mục đích đã đăng ký để chế biến thực phẩm, đặc biệt trong trường hợp nguyên liệu không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, sẽ bị cơ quan chức năng xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

Cục An toàn Thực phẩm cũng đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc: "Mọi hành vi cố tình sử dụng nguyên liệu không đúng với mục đích đã đăng ký để chế biến thực phẩm, đặc biệt trong trường hợp nguyên liệu không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, sẽ bị cơ quan chức năng xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật".

Đây không chỉ là hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, mà còn là tội ác đối với sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và làm xói mòn niềm tin thị trường.

Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng, cần lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, từ thương hiệu uy tín.

Bảo vệ sức khỏe cộng đồng không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng, mà còn là bổn phận đạo đức của từng doanh nghiệp và quyền chủ động của mỗi người dân trong hành vi tiêu dùng hàng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dầu bẩn len lỏi vào bếp ăn tập thể, đồ ăn trẻ em: Cảnh báo pháp lý và lỗ hổng kiểm soát