Đời sống

Không để lương tăng - giá cũng tăng 

Minh Lý 12/07/2023 - 10:59

Những ngày qua, việc tăng lương, nhưng giá cả “leo thang” đang là vấn đề được quan tâm rộng rãi. Sự tăng giá đáng kể của hàng hóa và dịch vụ gây áp lực lên người tiêu dùng và góp phần làm gia tăng khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Vậy giải pháp nào để kiểm soát giá cả nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên người dân.

Tăng lương, giá các mặt hàng đã “đón đầu” tăng trước

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, tình hình giá cả tăng cao, nhưng xuống chậm như hiện nay, việc tăng lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng từ ngày 01/7/2023 là tín hiệu vui khi hầu hết người làm công ăn lương trong khu vực công đều đang gặp nhiều khó khăn.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc tăng lương 20% cho công chức và 12% cho người về hưu thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với chính sách, đối với cán bộ công nhân viên chức và góp phần nâng cao đời sống của người lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh sự mừng vui thì nhiều người cũng lo lắng vấn đề “té nước theo mưa”, giá cả hàng hóa tăng lên theo lương, đây là tâm lý chung của nhiều người. Thực tế thời gian qua, giá điện đã tăng lên, một số mặt hàng khác cũng rục rịch tăng theo như nước, sách giáo khoa…

Ngoài những mặt hàng do Nhà nước quản lý giá chặt chẽ để chống đầu cơ, loạn giá như xăng, dầu, điện, nước, hàng hóa trong siêu thị, sách giáo khoa... thì còn một phần lớn hàng hóa đang được thả lỏng, chưa thể kiểm soát là các mặt hàng được buôn bán tự do ở chợ.

“Nhà nước chỉ quản lý hơn 10 mặt hàng, cơ quan quản lý không thể bắt bà bán rau, bà bán thịt tăng, giảm giá. Những tiểu thương này tự quyết định giá cả mặt hàng họ bán, theo thời điểm, theo đối tượng mua. Do đó, về cung cầu phải đảm bảo tổ chức sản xuất tốt, đưa thẳng, nhanh từ sản xuất hàng hóa đến tiêu dùng và kiểm soát giá một cách thường xuyên, kỷ cương về giá trên thị trường phải đảm bảo thật nghiêm minh nhất là khu vực chợ dân sinh”, ông Vũ Vinh Phú chia sẻ.

Chị Phạm Thị Thúy, giáo viên của một trường tiểu học trên địa bàn quận Đống Đa cho biết, với mức lương hiện tại của cả hai vợ chồng khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng, chị phải lo cho hai con nhỏ đang độ tuổi đến trường. Với đồng lương ít ỏi, để đảm bảo chi phí sinh hoạt hàng ngày, chị Thúy phải cân, đo, đong, đếm từng đồng, ưu tiên mua những mặt hàng giá phải chăng và cắt giảm những khoản chi không cần thiết.

“Tuy nhiên, đợt tăng lương lần này, giá cả thị trường lại tăng vọt, thiết lập một mặt bằng giá mới, trong khi đó sẽ kéo theo các đợt tăng giá hàng loạt các mặt hàng - nhất là các mặt hàng thiết yếu như điện nước, xăng dầu, lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng” – chị Thúy bày tỏ.

minh-hoa(1).png
Minh họa

Bên cạnh những đối tượng được hưởng lương ngân sách, những người lao động tự do là lo lắng hơn cả. Bởi họ không được tăng lương, nhưng cuộc sống lại phải “đối đầu” với giá cả tăng chóng mặt.

Anh Nguyên Đăng làm việc tại một Trung tâm dịch vụ việc làm chia sẻ, gia đình anh thuê nhà chung cư ở khu vực quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) với giá 3 triệu đồng/tháng, nhưng khi giá cả tăng, giá nhà đã tăng theo 3,5 triệu đồng/tháng. Tôi lại vừa được Trung tâm báo sẽ tăng mức thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp trong đợt này.

Trong khi đó, giá cả thị trường vẫn trên đà tăng như một bát phở bò trước đây giá bình dân chỉ 25 – 35 nghìn đồng/bát, nay đã lên 40 – 50 nghìn đồng/bát; thùng mì tôm cũng tăng hơn 20.000 đồng/thùng... Để xoay xở cuộc sống ở thị thành trong “cơn bão giá”, vợ chồng anh Đăng đang tính đến việc gửi con về học ở quê vì học trường tư giá cao không chịu nổi.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân giá cả leo thang là do việc tăng chi phí sản xuất từ việc tăng giá nguyên liệu, năng lượng và lao động của các doanh nghiệp, và họ có thể chuyển gánh nặng này sang người tiêu dùng thông qua giá cả sản phẩm.

Hơn nữa, sự gia tăng của tiền tệ trong nền kinh tế có thể gây lạm phát và làm giảm giá trị của đồng tiền. Khi giá trị tiền giảm, người tiêu dùng phải trả nhiều hơn để mua cùng một số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ...

Cần quản lý nghiêm để giá cả không “chạy đua” với tiền lương

Lo lắng của người dân là có cơ sở, bởi thực tế đã qua nhiều lần Nhà nước điều chỉnh chính sách tăng lương nhưng đời sống của cán bộ, công chức vẫn chưa được cải thiện là bao. Vì trước khi tăng lương, giá các mặt hàng đã “đón đầu” tăng trước đó cả tháng và rất khó xuống trở lại. Không chỉ vậy, lương tăng đồng nghĩa với tăng mức đóng bảo hiểm xã hội, cũng như các mức phí khác như học phí, điện nước.

nguy-co-hang-hoa-doi-gia-khi-luong-co-so-tang..png
Nguy cơ hàng hóa "đội giá" khi lương cơ sở tăng.

Rõ ràng chăm lo cho đội ngũ cán bộ công nhân viên chức sống bằng lương đang là mục tiêu đặt ra trong quản trị hệ thống của nhà nước ta. Chỉ khi họ có cuộc sống ổn định nhất là khá về thu nhập, năng lực cống hiến vì công việc chung, việc của dân và doanh nghiệp mới được toàn tâm toàn ý.

TS. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm, việc tăng lương là điều đáng mừng cho người lao động, do đó, cần có biện pháp quản lý giá để đảm bảo lợi ích cho người lao động.

“Lương tăng, giá hàng hóa cũng tăng cùng một tốc độ, chẳng hạn như tăng lương ở mức 5% và giá hàng hóa cũng tăng ở mức 5% thì không có chút ý nghĩa nào trong việc tăng lương, cuộc sống của người lao động sẽ không được cải thiện qua việc tăng lương. Chính phủ có thể kiểm soát việc xăng dầu, có thể kiểm soát được vận tải, giá cả, đường hàng không, nhưng Chính phủ không thể điều chỉnh được giá thịt lợn, giá của một bát phở, không điều chỉnh được giá cả trong sinh hoạt hàng ngày của con người. Đây là bài toán khó cần tìm ra lời giải”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

Cũng theo ông Hiếu, việc tăng lương là cần thiết trong thời điểm này. Tuy nhiên, mục tiêu này sẽ không thể đạt được, nếu lạm phát không được kiềm chế hiệu quả, chỉ số giá tiêu dùng, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng song song hoặc nhanh hơn mức tăng của lương. Chính phủ cần có biện pháp thích ứng để có thể kiểm soát, kiềm chế được lạm phát và giá cả không tăng theo lương.

Để việc tăng lương thực sự là niềm vui trọn vẹn, góp phần nâng cao đời sống, khuyến khích người lao động hăng say công tác, thì cần tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó cần sự vào cuộc của Cục Quản lý thị trường và các địa phương trong việc quản lý giá hàng hóa.

nguoi-tieu-dung-mong-muon-luong-tang-gia-ca-khong-tang-theo.png
Người tiêu dùng mong muốn lương tăng - giá cả không tăng theo.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 333/TB-VPCP chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường. Chú trọng theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp.

Đồng thời cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương đảm bảo cân đối cung cầu trong nước. Đặc biệt, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Giá cả “leo thang” đem lại nhiều thách thức cho người tiêu dùng và nền kinh tế. Tuy nhiên, thông qua việc kiểm soát lạm phát, quản lý giá cả, khuyến khích đầu tư và cạnh tranh, cùng với việc nâng cao quản lý và sản xuất, chúng ta có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của giá cả leo thang và đảm bảo sự ổn định trong cuộc sống hàng ngày của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để lương tăng - giá cũng tăng