Không để lọt tiền thuế từ doanh nghiệp nước ngoài

T.Nhi| 17/11/2020 11:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo đánh giá từ cơ quan chức năng thì nhiều doanh nghiệp nước ngoài liên tục khai báo lỗ trong khi tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh.

Thông tin từ cơ quan Thuế, 9 tháng đầu năm 2020, cơ quan Thuế đã tiến hành thanh kiểm tra 263 doanh nghiệp (DN), truy thu, truy hoàn và phạt 525 tỷ đồng; trong đó có 177 DN FDI, số thuế truy thu các DN này khoảng 442 tỷ đồng.

Gánh nặng thuế càng lớn thì mức độ chuyển dịch lợi nhuận (trốn và tránh thuế) càng lớn. Nhất là các công ty đa quốc gia có nhiều cơ hội, và do vậy là trốn và tránh thuế nhiều hơn so với khu vực DN trong nước.

Theo Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2020 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP - Đại học Quốc gia Hà Nội) thì tỷ suất lợi nhuận (ROA và ROE) khai báo của các DN thuộc khu vực FDI có xu hướng thấp hơn hẳn so với các DN trong nước bất chấp việc họ có những yếu tố thuận lợi hơn về thị trường, công nghệ, hay có mức độ thâm dụng vốn thấp hơn hẳn khu vực DN nhà nước.

thu-thue-g.jpg
Ảnh minh họa

Ước tính trung bình trong giai đoạn 2013 – 2017, mức thuế thất thu do hành vi trốn và tránh thuế mỗi năm dao động trong khoảng 13,3 – 20,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 6,4 – 9,9% số thu thuế Thu nhập DN. Những con số thực tế lớn gấp khoảng 3 – 4 lần con số vi phạm phát hiện hàng năm bởi các cơ quan quản lý.

Theo đánh giá từ cơ quan chức năng thì nhiều DN FDI liên tục khai báo lỗ trong khi tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh.

Việc các DN FDI kê khai, báo lỗ, chiếm khoảng 50% tổng số DN FDI đang hoạt động trên cả nước. Trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng phải kể đến hành vi “chuyển giá”.

Theo Kiểm toán Nhà nước, 50% tổng số DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kê khai lỗ. Riêng TP Hồ Chí Minh có tới gần 60% doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm. Việc này gây thất thu ngân sách hàng chục nghìn tỉ đồng.

Do đó, nhằm ngăn chặn tình trạng thất thu thuế, các chuyên gia đã khuyến nghị là trong chính sách thuế của Việt Nam nên tiếp tục duy trì và cải thiện những chính sách hiện có, đồng thời nghiên cứu triển khai những chính sách mới đang được áp dụng rộng rãi và khuyến cáo bởi các nước phát triển và các tổ chức quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để lọt tiền thuế từ doanh nghiệp nước ngoài