Khi Thủ tướng nói “3 Không”

Chính Tâm| 30/05/2021 21:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phương châm “3 Không” khẳng định quyết tâm và nỗ lực ở mức cao nhất, giống như một lời cam kết đáng tin cậy rằng, cho dù có khó khăn đến mấy, cho dù trận chiến với dịch COVID-19 còn vất vả, cam go hơn nữa, thì điều Thủ tướng Chính phủ và thuộc cấp của ông vẫn quyết tâm làm bằng được là lo cho dân được an toàn, an tâm.

khi-thu-tuong-noi-3-khong.jpg
Các đoàn bác sỹ, nhân viên y tế từ nhiều vùng miền khác nhau đã lên đường chi viện các điểm nóng, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Ảnh minh họa

Tính đến 6h hôm nay (30/5), Việt Nam có tổng cộng 5.406 ca ghi nhận trong nước và 1.502 ca nhập cảnh. Trong đó, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 3.836 ca. Như vậy là chỉ trong vòng 1 tháng, số bệnh nhân COVID-19 ở nước ta đã vượt xa số ca mắc trong hơn 1 năm qua, số người tử vong do COVID-19 thời điểm này là 47. Những con số đó không khỏi làm chúng ta bàng hoàng, thảng thốt.

Đợt dịch thứ 4 bùng phát đa nguồn dịch, đa hình thái, đa chủng lây nhiễm. Virus lây lan nhanh, phát tán mạnh trong không khí, mức độ đào thải mầm bệnh rất nhanh, chỉ 1-2 ngày có 1 vòng lây nhiễm và theo cấp số nhân. Các điểm nóng về dịch bao gồm Bắc Ninh, Bắc Giang là những địa bàn công nghiệp, sản xuất công nghiệp, tổ chức sản xuất liên quan đến công thương. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều là thành phố lớn có dân cư đông nhất, là các trung tâm kinh tế lớn nhất nước cho thấy, dịch bệnh đã tấn công trực diện vào “mục tiêu kép” mà Việt Nam phấn đấu duy trì thành công suốt thời gian qua.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, đợt dịch lần này đã tác động tới 9,1 triệu lao động, đặc biệt các KCN, chế xuất, DN lớn đang bị tác động mạnh, trong khi đây là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế đất nước.

Thật xót xa, chỉ trong vòng 1 tháng dịch không chỉ ảnh hướng trực tiếp tới sức khỏe, đời sống của người dân, mà nhiều đơn vị, doanh nghiệp bị COVID-19 “tấn công” phải phong toả, ngưng hoạt động, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất kinh doanh. Nhiều ngành cũng bị ảnh hưởng gián tiếp như du lịch, hàng không, đường sắt… đã phải gánh chịu thiệt hại rất lớn, hàng ngàn lao động phải tạm nghỉ việc, thất nghiệp hoặc “ngủ đông” chờ qua cơn dịch để có thể hồi phục trở lại.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Theo đó, Chính phủ đã triển khai hàng loạt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19; giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9 năm 2020; giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước…

Những Chỉ đạo nóng của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng nhằm tháo gỡ khó khăn tiêu thụ nông sản cho Bắc Giang và các vùng dịch những ngày qua cũng đang phát huy tác dụng, giống như phép màu đang giữ lại mạch sống cho các địa phương này.

Hay chỉ mới hôm qua (29/5), tại cuộc họp với các địa phương trên toàn quốc, trong thời điểm đất nước nguy nan vì bệnh dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn không một chút lay động, ông tiếp tục khẳng định mục tiêu tiên quyết là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Trước mắt phải kiềm chế, đẩy lùi, kiểm soát, dập tắt dịch, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TPHCM, các KCN; đồng thời, tiếp tục phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm “an ninh, an dân, an toàn”.

Theo Thủ tướng, trong lúc này toàn hệ thống chính trị và toàn dân phải “tổng tiến công toàn lực, toàn diện, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, với quyết tâm cao hơn, với nỗ lực lớn hơn, với hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, tập trung cao hơn nữa nhưng phải có trọng tâm trọng điểm để khoanh vùng, dập dịch, ổn định tình hình nhanh hơn nữa”.

Trên tinh thần đó, ông yêu cầu các bộ ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm với phương châm “3 Không: Không nói thiếu tiền; không nói thiếu nguồn nhân lực; không nói thiếu thể chế và phương tiện vật chất, vật tư y tế, sinh phẩm, thuốc men”.

Dịch bệnh tấn công trên nhiều trận tuyến khiến tính mạng của người dân và nền kinh tế bị đe dọa sống còn, nhưng người đứng đầu Chính phủ vẫn không cho phép mình và các thành viên dưới quyền nói “không thiếu” với các địa phương. Thật đúng như tinh thần ông luôn quán triệt “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”.

Phương châm “3 Không” khẳng định quyết tâm và nỗ lực ở mức cao nhất, giống như một lời cam kết đáng tin cậy rằng, cho dù có khó khăn đến mấy, cho dù trận chiến với dịch COVID-19 còn vất vả, cam go hơn nữa, thì điều Thủ tướng Chính phủ và thuộc cấp của ông vẫn quyết tâm làm bằng được là lo cho dân được an toàn, an tâm.

Người dân được an toàn, cùng với Chính phủ sát cánh, đồng hành tháo gỡ khó khăn, các đơn vị, doanh nghiệp cả nước cũng sẽ yên tâm sản xuất kinh doanh giữ vững nền kinh tế huyết mạch của đất nước, đảm bảo thực hiện "mục tiêu kép" như chúng ta đã đề ra.

anh-ttg.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát Bệnh viện dã chiến số 2 tại Trung đoàn 831 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang chiều ngày 29/5, ngay sau cuộc họp trực tuyến với các địa phương

Và chắc chắn rồi, càng khó khăn bao nhiêu thì tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách truyền thống của dân tộc ta lại càng được thổi bùng lên và lan tỏa bấy nhiêu. Chính tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” đã giúp Việt Nam ta vượt qua 3 đợt dịch trước, ngày hôm nay tiếp tục được cụ thể hóa hơn bằng “3 Không” của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đã và đang tiếp tục được phát huy ở từng tỉnh, thành. Vì điều đó, chúng ta có thể vững tin sẽ sớm đẩy lùi và chiến thắng đại dịch một lần nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi Thủ tướng nói “3 Không”