Hành vi của 3 thanh niên kêu oan trong vụ án cướp tài sản và hiếp dâm xảy ra cách đây 11 năm ở Hà Đông được nhiều tờ báo phản ánh theo chiều hướng vô tội, đã được Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ngày 7-12 xem xét một cách khách quan, toàn diện và khẳng định, bản án phúc thẩm kết án họ là đúng người, đúng tội.
Phiên họp Hội đồng Thẩm phán TANDTC ngày 7-12 đã đưa ra xét xử giám đốc thẩm vụ án cướp tài sản và hiếp dâm xảy ra cách đây 11 năm trên địa bàn thôn La Cả, xã Yên Nghĩa, Hà Đông (Hà Tây cũ), theo kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC. Sau khi xem xét nội dung kháng nghị, những tình tiết có trong hồ sơ vụ án, 100% thành viên cơ quan xét xử cao nhất đã nhất trí quyết định bác kháng nghị, giữ nguyên bản án phúc thẩm 9 năm trước. Như vậy, hành vi của 3 thanh niên kêu oan được nhiều tờ báo phản ánh theo chiều hướng vô tội, đã được Hội đồng giám đốc thẩm xem xét một cách khách quan, toàn diện và khẳng định, bản án phúc thẩm kết án họ là đúng người, đúng tội.
3 bị án Tình, Lợi, Kiên
Cướp hiếp trong đêm đông…
3 thanh niên bị kết án hiếp dâm và cướp tài sản là Nguyễn Đình Kiên (tên gọi khác là Lợi, trong vụ án có hai bị cáo cùng tên Nguyễn Đình Kiên, nên gọi bị cáo này là Nguyễn Đình Lợi), sinh năm 1980; Nguyễn Đình Tình sinh năm 1981 và Nguyễn Đình Kiên, sinh năm 1980. Cả 3 bị cáo đều trú tại thôn Nghĩa Lộ, xã Yên Nghĩa, Hoài Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội).
Căn cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án, cáo trạng của VKSND và tranh tụng công khai tại phiên tòa, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án các bị cáo này về hành vi cướp tài sản và hiếp dâm. Tóm tắt vụ án như sau: Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 24-10-2000, Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Tình và Nguyễn Đình Kiên rủ nhau đi cướp tài sản. Khi đi, Lợi mang theo một gậy bằng gỗ dài khoảng 1,2m, một con dao Thái Lan. Tình đem theo một điếu cày. Sau đó Tình đưa điếu cày cho Kiên cầm, còn Tình cầm gậy bằng gỗ do Lợi đưa.
Nguyễn Đình Kiên được bố đẻ là ông Nguyễn Đình Thìn đưa đến cơ quan Công an để tự thú và viết bản tự thú với sự có mặt của bố. Cả Kiên và ông Thìn đều thừa nhận việc tự thú là tự nguyện, không ai ép buộc.
Đi đến gần trạm bơm xã Yên Nghĩa, cả 3 thanh niên này phát hiện thấy đôi nam nữ cùng ngồi trên xe máy nói chuyện. (Sau khi vụ án được phát hiện, thì được biết người nam là anh CH, người nữ là chị HH). Lợi, Tình và Kiên cất giấu quần áo dài, giày, dép tại vườn nhà ông Khuyên ở gần đó, rồi lội qua con mương đi đến chỗ anh CH và chị HH ngồi. Lợi dí dao vào cằm khống chế anh CH và kéo anh CH xuống mương. Anh CH tháo đồng hồ vứt xuống đất. Kiên, Tình kéo chị HH lùi lại khoảng 5-6m.
Lợi gọi Tình đến lục soát và lấy của anh CH 180.000 đồng, 1 ví da trong đó có 100.000 đồng và một số giấy tờ khác. Tiếp theo, Tình cầm gậy khống chế anh CH nằm úp mặt xuống đất. Lợi đến chỗ xe máy tháo tẩu buzi ném xuống mương, sau đó đẩy ngã chị HH và lấy của chị HH một đồng hồ điện tử, 1 chỉ vàng, một đôi khuyên tai.
Cướp xong, Lợi lột hết quần áo của chị HH và tự cởi áo phông của mình. Kiên giữ hai chân chị HH để Lợi hiếp dâm. Sau khi hiếp xong, Lợi ra cầm gậy thay Tình khống chế anh CH. Tình thấy Kiên đang thực hiện hành vi hiếp dâm, sau đó Tình cũng hiếp dâm chị HH. Một lúc sau, Lợi bắt anh CH cởi quần dài ra, khi đứng dậy anh CH đã bất ngờ ném thẳng quần vào mặt Lợi và bỏ chạy, hô “cướp”. Thấy vậy, Lợi cầm quần của anh CH bỏ chạy, Kiên và Tình cũng lội qua mương đến nơi giấu quần áo, ôm tất cả để bỏ chạy khỏi hiện trường.
Sau khi nhóm của Lợi bỏ chạy, một số cán bộ, bộ đội gần đó đã đến băng bó vết thương cho anh CH, đồng thời đến nơi bị cướp thu được đồng hồ và xe máy. Ngày 25-10-2000, Lợi và Tình đem bán nhẫn vàng 1 chỉ của chị HH được 420.000 đồng, Tình lấy 220.000 đồng. Ngày 26-10-2000, Lợi đem bán đôi khuyên tai được 180.000 đồng, bán đồng hồ được 110.000 đồng. Toàn bộ số tiền 3 tên chia nhau ăn tiêu hết.
Ngoài hành vi vi phạm nêu trên, thì trước đó vào ngày 22-9-1998, Lợi còn tham gia một vụ cướp tài sản khác, đó là đã cướp một xe đạp phượng hoàng, đem bán được 70.000 đồng. Ngày 26-9-1998, gia đình Lợi phải đi chuộc lại xe đạp trả lại cho nạn nhân.
Nguyễn Đình Tình khai: “Tôi không thể lý giải được tại sao trước đây lại khai được sự việc phạm tội. Tôi không được ai kể hoặc ai bảo phải khai mà do tôi tự khai ra".
Với các hành vi phạm tội đó, tại Bản án số 11/HSST ngày 21-1-2002, Toà án tỉnh Hà Tây đã kết án Kiên (Lợi), Tình và Kiên về hai tội là “Cướp tài sản” và “Hiếp dâm”. Xử phạt Kiên (Lợi) về hai tội là 16 năm tù. Xử phạt Tình về hai tội là 14 năm tù. Xử phạt Kiên về hai tội là 11 năm tù. Tòa còn buộc các bị cáo bồi thường thiệt hại cho anh CH và chị HH.
Sau khi kết thúc phiên toà sơ thẩm Kiên (Lợi), Tình và Kiên kháng cáo kêu oan.
Tại Bản án phúc thẩm số 583/PTHS ngày 22-4-2002, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần tội danh, hình phạt đối với cả 3 bị cáo.
… Đến kháng nghị giám đốc thẩm
Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 02/QĐ-VKSTC-V3 ngày 26-1-2010, Viện trưởng VKSNDTC đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bỏ hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, tuyên bố 3 bị cáo Lợi, Kiên, Tình không phạm tội, với 9 lý do như sau:
Trước hết, lời khai nhận về hành vi cướp tài sản của các bị cáo có nhiều mâu thuẫn với lời khai của bị hại. Anh CH khai, một tên dí dao vào cổ anh, một tên thò tay vào túi quần anh lấy khoảng 200.000 đồng và ví da màu nâu cùng giấy tờ. Tên cầm gậy đuổi theo khi anh bỏ chạy và dùng gậy vụt làm anh bị thương. Chị HH thì khai, một tên kéo chị xuống rãnh cách xe máy 4m, cũng tên này cướp đồng hồ nhẫn vàng của chị. Còn hai tên khống chế kéo anh CH xuống mương.
Nguyễn Đình Lợi bị bắt giam ngày 12-12-2000 về hành vi cướp xe đạp của nhóm anh Nguyễn Văn Vinh. Trong khi bị giam giữ, Lợi đã viết đơn xin tự thú.
Trong khi đó Lợi khai, trong khi Tình hiếp dâm chị HH thì Lợi mới tháo khuyên tai, đồng hồ và nhẫn của chị HH, sau đó mới cần tuýp sắt sang khống chế anh CH thay Kiên và quát: “Có bao nhiêu tiền thì bỏ ra”… Tình thì khai, Kiên dí dao vào cổ anh CH nói: “Ông anh có tiền cho bọn em xin ít”, và Tình dùng điếu cày vụt vào tay anh CH.
Về hành vi hiếp dâm, Lợi khai hắn là người hiếp dâm chị HH đầu tiên và bỏ quên áo phông tại hiện trường, sau đó đến Kiên và Tình, nhưng có bút lục lại khai Tình thứ hai, Kiên thứ ba… Lời khai này mâu thuẫn với lời khai bị hại cho rằng, tên lấy nhẫn, khuyên tai, đồng hồ là tên hiếp chị đầu tiên. Tên này mặc áo phông cộc tay sát nách, cổ tròn… Khi hiếp tên này không cởi áo. Tên thứ hai hiếp chị cầm dao, cởi trần; tên thứ ba dáng đậm, mặc áo phông cổ bẻ v.v..
Về hung khí cũng không thống nhất, các bị cáo khai hung khí gồm dao Thái Lan, gậy gỗ dài 1,2m, điếu cày. Có lúc Lợi, Tình khai mang theo cả tuýp sắt nhưng sau lại khai là không có. Trong khi đó, bị hại khai hung khí các bị cáo sử dụng là gậy tre còn mấu, một gậy tre trông như điều cày và đoạn gỗ vuông dài khoảng 40cm.
Về hướng đi, điểm xuất phát và hướng thoát khỏi hiện trường cũng không thống nhất.
Về hiện trường vụ án, vụ án xảy ra ban đêm nhưng 14 giờ 20 phút ngày hôm sau mới tổ chức khám nghiệm hiện trường, khi khám nghiệm lại không có bị hại, người làm chứng và các nhân chứng.
Về vật chứng vụ án, vật chứng duy nhất là chiếc áo phông thủ phạm bỏ lại tại hiện trường mà chị HH nhặt về, có giá trị truy nguyên thủ phạm, là chiếc áo màu đỏ, cổ bẻ, có các sọc ngang màu vàng và xanh. Chị HH mang chiếc áo này nộp tại Công an xã Dương Nội, nhưng trong báo cáo của Công an xã này lại không có nội dung thu giữ chiếc áo. Cơ quan điều tra ghi nhận đã phát hiện, thu giữ chiếc áo phông do chính các bị cáo và nhân chứng nhận dạng nhưng đó lại là áo phông cộc tay, màu đỏ có các sọc ngang màu vàng.
Lợi được tạm đình chỉ thi hành án về mở tiệm sửa xe máy
Về lá thư Lợi viết cho bố mẹ, nói bố mẹ lo tiền bồi thường cho người bị hại để được giảm án, Tòa án hai cấp xác định đây là chứng cứ kết tội bị cáo. Tuy nhiên, kháng nghị cho rằng lá thư không được thu thập theo đúng trình tự nên không có giá trị pháp lý và chứng minh tội phạm.
Biên bản nhận dạng bị cáo Nguyễn Đình Lợi, vi phạm tố tụng nên không thể sử dụng làm chứng cứ buộc tội.
Nội dung thứ 9 kháng nghị nêu ra là tiêu thụ thời gian của các bị cáo, một số nhân chứng cho biết 3 bị cáo dự sinh nhật trong thời gian xảy ra vụ án nhưng việc xét hỏi tại hai phiên tòa còn phiến diện, không đầy đủ.
Xem xét toàn diện vụ án
Toàn bộ nội dung kháng nghị nêu trên đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét thận trọng, khách quan để giải quyết từng vấn đề cụ thể.
Thứ nhất, về lời khai có mâu thuẫn của các bị cáo về hành vi của từng tên, tuần tự hành vi như kháng nghị của VKSNDTC viện dẫn, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã xem xét, nghiên cứu, tổng hợp các lời khai của các bị cáo thì thấy có nhiều nội dung thống nhất.
Cụ thể là: Các bị cáo đều khai thống nhất về thời gian và địa điểm gây án. Đối tượng bị tấn công là một nam, một nữ, việc cướp tài sản diễn ra sau khi các bị cáo đã tách hai người ra hai nơi.
Về tài sản chiếm đoạt được của anh CH khoảng hơn 300.000 đồng và một ví da; của chị HH, đồng hồ, nhẫn vàng và khuyên tai.
Trong khi cướp tài sản của anh CH, Lợi dùng dao uy hiếp, sau đó các bị cáo thay nhau khống chế anh CH. Người chiếm đoạt tài sản của chị HH là Lợi, tài sản lấy được Lợi bỏ vào túi quần nhỏ ở quần đùi, kéo khóa rồi hiếp chị HH.
Lời khai của hai bị hại cũng cơ bản phù hợp với lời khai của các bị cáo như trong 3 bị cáo có một tên cầm dao, có sự tách hai người ra hai nơi, chị HH khai bị chiếm đoạt tài sản trước khi bị hiếp.
Thứ hai, về hành vi hiếp dâm, Nguyễn Đình Kiên có 12 lời khai liên quan đến việc hiếp dâm, trong tất cả các lời khai đều thừa nhận cả 3 bị cáo đều thực hiện hành vi hiếp dâm chị HH theo thứ tự Lợi, Kiên, Tình.
Lợi có 13 lời khai cũng thừa nhận 3 bị cáo cùng thực hiện hành vi hiếp dâm, Lợi là người đầu tiên. Còn Tình có 7 lời khai liên quan, thừa nhận hành vi hiếp dâm…
Chị HH cũng khai cơ bản phù hợp với lời khai của các bị cáo. Mâu thuẫn lớn nhất trong lời khai của chị HH là người bỏ lại chiếc áo phông. Tuy nhiên, theo lời khai của Lợi thì trước khi hiếp dâm, Lợi cởi áo và bỏ quên tại hiện trường. Kiên cũng khai thấy Lợi cởi áo và khi về đến cầu Hai Cây thì không thấy Lợi mặc áo. Khi bộ đội đơn vị A40 đến hiện trường giúp chị HH và anh CH đã tìm thấy chiếc áo này.
Thứ ba, về hung khí gây án, Lợi có 14 lời khai liên quan, 4 lời khai đầu khai hung khí gồm dao, gậy, tuýp sắt, điếu cày. 9 lời khai sau khai có dao, gậy, tuýp sắt, điếu cày. Tình có 7 lời khai, 5 lời đầu khai hung khí là điếu cày, dao, gậy. 2 lời khai sau có dao, điếu cày và tuýp sắt. Nguyễn Đình Kiên có 11 lời khai đều khẳng định hung khí gồm dao, gậy gỗ, điếu cày.
Về tuýp sắt, Kiên và Lợi đã phủ nhận việc mang theo tuýp sắt. Cả 3 bị cáo đều thừa nhận mang theo gậy gỗ, dao và điếu cày. Hai bị hại đều không có lời khai nào về các bị cáo dùng tuýp sắt và có điểm thống nhất về hung khí của các bị cáo.
Thứ tư, về điểm xuất phát và hướng thoát khỏi hiện trường, cả 3 bị cáo đều khai xuất phát từ cầu Hai Cây. Lợi có 13 lời khai liên quan đến hướng đi xuyên suốt cả quá trình điều tra. Kiên có 12 lời khai. Tình có 6 lời khai. Bị hại khai, khi đang ngồi tâm sự bên bờ mương thì có 3 thanh niên đi tới từ hướng Yên Nghĩa, sau đó đi sang bờ mương phía Dương Nội, tiến đến cướp tài sản và hiếp chị HH.
Như vậy, trong tất cả các lời khai của mình, Lợi đều khai thống nhất về hướng đi gây án. Tình và Kiên lúc đầu khai không thống nhất nhưng sau đó đều trùng với lời khai của Lợi và phù hợp với lời khai của bị hại.
Về hướng đi khỏi hiện trường, lời khai của Kiên phù hợp với lời khai của chị HH về việc sau khi gây án một tên chạy về phía đơn vị bộ đội. Lợi và Tình khai chạy theo ven bờ mương, theo bản ảnh thì là ruộng lúa.
Thứ năm, về hiện trường vụ án, lời khai của người bị hại, người làm chứng và các bị cáo phù hợp với nhau về nơi xảy ra vụ án là đoạn bờ mương bị đứt thuộc xã Dương Nội, quãng đối diện với các đơn vị bộ đội A40 và M5.
So sánh giữa Biên bản khám nghiệm hiện trường và Biên bản xác định hiện trường thì thấy, tuy Cơ quan điều tra có sai sót trong việc xác định ranh giới hành chính khi khám nghiệm hiện trường (ghi sai tên xã) và phương pháp xác định hiện trường, xác định tâm điểm để so sánh, nhưng các tài liệu điều tra đều phù hợp nhau về hiện trường cụ thể của vụ án.
Thứ sáu, về vật chứng của vụ án, các lời khai tuy có chi tiết khác nhau về màu sắc chiếc áo nhưng đều thống nhất về 4 màu trên chiếc áo. Qua nhận dạng, các bị cáo Kiên, Lợi và người làm chứng Trần Văn Cường nhận ra đây là áo của Lợi. Như vậy có cơ sở kết luận, duy nhất chỉ có một chiếc áo phông là vật chứng của vụ án, do người phạm tội để lại hiện trường.
Về việc giao nộp chiếc áo, trong hồ sơ vụ án không thể hiện, như vậy là có vi phạm về thủ tục tố tụng trong việc nhận dạng áo như kháng nghị đã nêu.
Thứ bảy, về bức thư của Nguyễn Đình Lợi viết cho bố mẹ, kháng nghị nêu có các sai sót về nguồn gốc, trình tự, thủ tục thu thập tài liệu này là đúng. Tuy nhiên, Lợi thừa nhận lá thư do Lợi viết, nên việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đánh giá bức thư như một nguồn chứng cứ là có căn cứ.
Thứ tám, về Biên bản nhận dạng bị cáo, biên bản này đã không được lập theo mẫu và có các vi phạm thủ tục tố tụng như kháng nghị đã nêu.
Thứ chín, về tiêu thụ thời gian của các bị cáo, kháng nghị nêu trong thời gian xảy ra vụ án, Kiên, Lợi, Tình đang dự sinh nhật chị Doàn nhưng trong quá trình điều tra, Kiên không khai về dự sinh nhật. Lợi có 20 lời khai, chỉ có lời khai sau cùng là khai có dự sinh nhật chị Doàn, lời khai này Lợi vẫn nhận tội.
Tình không khai về tình tiết này chỉ sau khi phản cung, chối tội mới xuất hiện tình tiết này trong 3 lời khai sau cùng.
Trong quá trình xét xử, Kiên không khai về việc đi sinh nhật. Lợi khai đi sinh nhật khoảng 21h đến 21h30. Khi xét xử phúc thẩm Hội đồng không hỏi, các bị cáo cũng không khai về nội dung này.
Sau khi phản cung, chối tội, Tình phủ nhận đi chơi với Kiên, Lợi vào tối 24-10-2000. Trong cả 4 lời khai Tình không khai về dự sinh nhật, dù đây là lý do kêu oan chủ yếu sau này. Tại Cơ quan điều tra, Tình khai khoảng 22h10, Lợi rủ đi sinh nhật, nhưng ở phiên sơ thẩm lại khai đi sinh nhật lúc khoảng 20h30 đến 21h… Tại phiên phúc thẩm, Tình lại khai xem phim cùng em trai.
Như vậy, lời khai của Tình và Lợi mâu thuẫn nhau và mâu thuẫn với lời khai của từng bị cáo về thời gian dự sinh nhật chị Doàn; mâu thuẫn với lời khai của chị Doàn trong đơn trình bày.
Riêng Kiên, không có lời khai nào về việc dự sinh nhật chị Doàn.
Sự thật sáng tỏ
Sau khi xem xét, đánh giá từng nội dung kháng nghị đã nêu, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã xem xét hoàn cảnh, quá trình, nội dung nhận tội của các bị cáo.
Nguyễn Đình Lợi bị bắt giam ngày 12-12-2000 về hành vi cướp xe đạp của nhóm anh Nguyễn Văn Vinh. Trong khi bị giam giữ, Lợi đã viết đơn xin tự thú. Nguyễn Đình Kiên thì được bố đẻ là ông Nguyễn Đình Thìn đưa đến cơ quan Công an để tự thú và viết bản tự thú với sự có mặt của bố. Cả Kiên và ông Thìn đều thừa nhận việc tự thú là tự nguyện, không ai ép buộc.
Trong quá trình điều tra, Nguyễn Đình Kiên và Nguyễn Đình Lợi đều khai nhận tội. Nguyễn Đình Tình có 15 lời khai, trong đó có 8 lời khai nhận tội. Trong 7 lời khai không nhận tội thì chỉ có 3 lời khai có căn cứ kêu oan là dự sinh nhật chị Doàn vào thời điểm xảy ra vụ án. Sau khi phản cung, Cơ quan điều tra cho đối chất giữa Tình với Lợi, và Tình với Kiên thì Kiên và Lợi vẫn nhận tội.
Về nội dung khai nhận tội, mặc dù có nhiều mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo, mâu thuẫn giữa lời khai của các bị cáo với lời khai của những người bị hại, người làm chứng như kháng nghị của VKSNDTC đã nêu, nhưng về cơ bản lời khai nhận tội của các bị cáo có nhiều nội dung thống nhất, phù hợp với nhau, phù hợp với lời khai của người bị hại, người làm chứng, với biên bản khám nghiệm hiện trường, vật chứng thu giữ. Đó là thời gian và địa điểm xảy ra vụ án; đối tượng bị xâm hại; các hành vi xâm hại (cướp, hiếp dâm); diễn biến cơ bản của từng hành vi; về hung khí sử dụng và tài sản chiếm đoạt được.
Điều đáng lưu ý nữa là trong các lời khai nhận tội, dù có mâu thuẫn, nhưng các bị cáo đều khai rất tỉ mỉ, chi tiết hành động, lời nói, tài sản chiếm đoạt được. Lời khai nhận tội của các bị cáo về cơ bản phù hợp với thực tế vụ án, lời khai của người bị hại, vật chứng thu giữ được…
Lý giải về việc khai báo tỉ mỉ, phù hợp này, Nguyễn Đình Tình khai: “Tôi không thể lý giải được tại sao trước đây lại khai được sự việc phạm tội. Tôi không được ai kể hoặc ai bảo phải khai mà do tôi tự khai ra” (BL326 ngày 5-1-2011) hoặc “vẽ được sơ đồ hiện trường vì thông thuộc địa bàn và thông cung với Lợi” (Lời khai tại phiên tòa sơ thẩm). Nguyễn Đình Lợi khai “Viện kiểm sát hỏi, tôi khai đúng và không bị ép cung” (Lời khai tại phiên tòa sơ thẩm). Vì vậy, theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, không có cơ sở kết luận các bị cáo bị bức cung, ép cung.
Với các nhận định, đánh giá như trên, 100% thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã nhất trí quyết định bác kháng nghị của VKSNDTC, giữ nguyên Bản án phúc thẩm số 583/PTHS ngày 22-4-2002 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội và bản án sơ thẩm về phần tội danh, hình phạt đối với cả 3 bị cáo.
(Kỳ sau: Câu chuyện “Huyệt trai trinh” và báo động hiện tượng “thay Tòa xử án”)