Với mục tiêu đưa chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất, ngay từ những cuộc trưng cầu đầu tiên của nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh Hà Giang đã đưa ra tiêu chí “đổi mới” cách thức tổ chức. Từ đó, các cuộc họp không còn “trên giấy”, nghị trường “nóng” bằng những chất vấn, đưa “tiếng dân” đến nghị trường, sâu sát từ thôn bản, trong đó công tác nâng cao chất lượng đại biểu nhân dân được đặc biệt quan tâm.
Nâng cao chất lượng đại biểu nhân dân
Tại mỗi phiên họp HĐND tỉnh Hà Giang đã từ rất lâu rồi, Nhân dân nơi đây coi đó là một sự kiện chính trị thu hút đông đảo cử tri quan tâm, chia sẻ và đồng thuận. Điều này không chỉ khẳng định vị thế cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, mà còn đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, xứng đáng với niềm tin mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó.
Nhiệm kỳ 2021 - 2026, cử tri toàn tỉnh Hà Giang đã bầu được 4.054 đại biểu HĐND cấp xã, trong đó đại biểu nữ là 33,25%; đại biểu người dân tộc thiểu số 85,5%; đại biểu trẻ dưới 40 tuổi 56,22%; đại biểu tái cử 46,2%. Đến nay, một số người đã thay đổi vị trí công tác, miễn nhiệm, nghỉ hưu, nên đại biểu HĐND xã giảm xuống còn 3.929 người.
Nếu như trước đây, một thực tế dễ nhận thấy nhất tại Hà Giang hay các tỉnh thành khác là hoạt động của cấp HĐND xã chưa thực sự hiệu quả. Các kỳ họp của HĐND chủ yếu nặng về hình thức, công tác điều hành còn cứng nhắc, chưa linh hoạt và thiếu kinh nghiệm xử lý các tình huống phát sinh, trả lời ý kiến đại biểu chưa chi tiết. Hoạt động thảo luận, chất vấn tại kỳ họp không sôi nổi, nhiều đại biểu thụ động, không tham gia hoặc tham gia chất vấn không có chất lượng, không truy đến cùng sự việc...
Bên cạnh đó, chất lượng hoạt động tiếp xúc xử tri, giám sát của HĐND xã chưa cao. Chức năng giám sát vẫn tập trung vào Thường trực HĐND, qua giám sát chưa được chỉ ra tồn tại, hạn chế của đơn vị chịu sự giám sát. Nhiều kiến nghị thông qua hoạt động giám sát chưa được quan tâm giải quyết kịp thời; giải quyết tố cáo của công dân, công tác hòa giải ở cơ sở còn hạn chế, một số đại biểu ngại va chạm...
Xuất phát từ những thực tế trên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra mục tiêu “Nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp, tăng cường công tác giám sát đối với các cơ quan quản lý nhà nước”. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội, điều tiên quyết là người đại biểu nhân dân tại tỉnh Hà Giang đồng thuận cần “đổi mới”, hoạt động cơ quan dân cử phải đưa được chính sách vào cuộc sống, nhằm tạo “đột phá” trong hoạt động của HĐND các cấp.
Từ đó, HĐND tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng: Phối hợp với các địa phương tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng cho đại biểu về thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND các cấp, tổ chức kỳ họp, thẩm tra văn bản, giám sát, chất vấn, thuyết trình, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân. Qua đó giúp đại biểu nhận thức sâu sắc về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND ở địa phương, áp dụng các hiểu biết, kỹ năng vào thực tiễn công tác.
Tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND các cấp, tạo diễn đàn cần thiết, quan trọng để đại biểu giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm hay, bài học quý, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động. Tổ chức cho đại biểu đi học tập kinh nghiệm hoạt động ở các tỉnh trong nước; tổ chức các hội thảo với sự tham gia của nhiều đại biểu, các chuyên gia bàn giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã; tổ chức diễn đàn “Dân nói đại biểu lắng nghe”.
Triển khai mô hình điểm nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND cấp xã tại Hà Giang, UBND tỉnh Hà Giang đã phê duyệt Đề án khoa học “Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND cấp xã tại Hà Giang”. Tại đề án này, UBND tỉnh, thường trực HĐND tỉnh Hà Giang đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình điển hình “Nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND cấp xã tại tỉnh Hà Giang”. Trong đó, tập trung xây dựng điểm tại hai địa điểm: HĐND thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc và HĐND xã Đản Ván, huyện Hoàng Su Phì gồm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ tháng 1-3/2023); giai đoạn 2 (từ tháng 4-12/2023); giai đoạn 3 (từ tháng 1-2/2024).
Đưa tiếng nói Nhân dân đến nghị trường
Là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, HĐND các xã, phường, thị trấn có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hoạt động HĐND cấp xã đang bộc lộ những khó khăn, hạn chế. Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang đã có nhiều văn bản, cuộc họp và đã quyết tâm cùng đại biểu nhân dân làm "cách mạng" để thay đổi phù hợp với quá trình hội nhập, nhu cầu phát triển địa phương, xã hội với phương châm: chủ động, chu đáo, chuyển đổi số - tươm tất, thân thiện, thời gian, trí tuệ - nói, nghe, nhìn, nhận (được viết tắt mô hình 3C-4T-4N)
Từ quyết tâm "3C-4T-4N" của HĐND tỉnh Hà Giang, chất lượng đại biểu HĐND được nâng cao rõ rệt. Họ đã thẳng thắn nhìn nhận khách quan, thấu đáo những khó khăn, hạn chế, HĐND tỉnh đã chỉ đạo HĐND các cấp triển khai quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả để đổi mới các hoạt động, đặc biệt nâng cao chất lượng đại biểu, đảm bảo hiệu lực và hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.
Ngày 23/3/2022, HĐND tỉnh Hà Giang ban hành Nghị quyết 09 phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026”. Đây được xem là cơ sở then chốt của HĐND tỉnh, khẳng định vai trò đi đầu trong việc đổi mới quản lý hoạt động tại địa phương theo hướng hiện đại, phù hợp điều kiện thực tế hiện nay góp phần xây dựng nền hành chính pháp quyền, dân chủ, chuyên nghiệp vì Nhân dân phục vụ. Trong đó, nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND là then chốt xây dựng cơ quan dân cử vững mạnh toàn diện.
Theo đó, các cấp HĐND từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, giới thiệu bổ nhiệm, luân chuyển, điều động đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách của HĐND, cán bộ là đại biểu HĐND. Đồng thời, phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND; đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đại biểu HĐND theo luật định.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh Hà Giang đã tổ chức thành công 2 hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND các cấp. Trên cơ sở thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao với tinh thần xây dựng, các đại biểu dự hội nghị đã đánh giá kết quả nổi bật, giới thiệu mô hình hay, cách làm mới, bài học quý và cả những hạn chế còn tồn tại để đề xuất, kiến nghị một cách thiết thực. Qua đó, góp phần đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND.
Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang có Quyết định số 14/QĐ-HĐND ngày 17/02/2023, thành lập Ban chỉ đạo xây dựng mô hình điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND cấp xã tại Hà Giang”.
Theo đó, Quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng mô hình điểm tại xã Đản Ván, huyện Hoàng Su Phì và HĐND thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc gồm Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh; Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh; Đại diện lãnh đạo Văn phòng ĐBQH và HĐND tỉnh; thành viên tại cấp huyện gồm (chuyên viên Phòng công tác HĐND tỉnh; Phó Chủ tịch HĐND hai huyện; đại diện Ban Pháp chế HĐND; Chủ tịch HĐND thị trấn Mèo Vạc và xã Đản Ván).
Nếu như trước đây, không ít đại biểu còn nể nang, né tránh, ngại va chạm thì nay, với nhiều đổi mới, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND thực sự làm “nóng” nghị trường. Trước phiên họp chất vấn, Thường trực HĐND các cấp giao cơ quan liên quan khảo sát thực tế, chụp hình ảnh hoặc xây dựng phóng sự chuyên đề có chất lượng để phản ánh rõ thực trạng vấn đề, làm cơ sở cho đại biểu tiến hành chất vấn thay vì chỉ chất vấn “chay” như trước đây. Đặc biệt, chủ tọa điều hành phiên họp chất vấn đã linh hoạt, chủ động tạo không khí đối thoại thẳng thắn, có tranh luận trên tinh thần dân chủ, trách nhiệm, “hỏi nhanh, đáp gọn”, đúng trọng tâm, trọng điểm, đi thẳng vào vấn đề.
Tại Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh, nhiều ý kiến chất vấn được giải đáp thẳng thắn trên tinh thần cầu thị, không né tránh những vấn đề phức tạp, nhất là các dự án đầu tư công, dự án thu hút đầu tư ngoài ngân sách chậm tiến độ như: Dự án tổ hợp nhà hàng, khách sạn của Công ty TNHH Tiến Đạt; Khu Liên hợp thể thao, văn hóa tỉnh; chương trình cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia...
Kết thúc từng vấn đề chất vấn, chủ trì kỳ họp có kết luận, nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị để làm cơ sở theo dõi, giám sát, tái giám sát. Không ít lời hứa trên diễn đàn kỳ họp được tổ chức thực hiện, tạo niềm tin cho cử tri, góp phần nâng cao vị thế của HĐND và các đại biểu dân cử. Điển hình trong đó có 4 công trình điện nông thôn (thuộc Dự án tổng thể cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Hà Giang) tại huyện Vị Xuyên, Quản Bạ, Mèo Vạc được đẩy nhanh tiến độ xây dựng để phấn đấu hoàn thành, bàn giao trong tháng 12/2023 như đã cam kết. Riêng công trình cấp điện cho 4 thôn thuộc xã Giáp Trung (Bắc Mê) được đẩy nhanh tiến độ, bàn giao và đóng điện phục vụ người dân trước Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Bà Nguyễn Thị Vân, Bí thư Chi bộ Tổ 2, thị trấn Mèo Vạc, chia sẻ: “Qua theo dõi các buổi họp của HĐND, chúng tôi đánh giá cao việc chất vấn và trả lời câu hỏi của các đại biểu; việc duy trì đường dây điện thoại nóng tại phiên chất vấn. Điều này giúp tăng cường sự tương tác trực tiếp giữa cuộc thi; tạo điều kiện cho cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát kỳ họp, góp ý mở rộng dân chủ, công khai các hoạt động của HĐND tỉnh. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đại biểu HĐND tỉnh và cơ quan liên quan trước những vấn đề cử tri, Nhân dân quan tâm. Về mô hình nâng cao chất lượng đại biểu nhân dân cấp xã tại Thị trấn Mèo Vạc, bản thân tôi đã nhận thấy thực sự thay đổi, đi vào chiều sâu, đưa ra tiếng nói Nhân dân đến cấp có thẩm quyền xử lý. Điều đặc biệt hiệu quả khác là, các vấn đề hòa giải tại cơ sở được phối hợp linh hoạt, các cấp xử lý công việc hài hòa, hiệu quả cho Nhân dân. Từ đó chất lượng đại biểu hiện được nâng cao”...
(Còn nữa)