Kéo dài thời gian thí điểm cơ chế đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh

Mai Thoa| 12/10/2022 17:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 12/10, UBTVQH cho ý kiến về Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát TP Hồ Chí Minh.

UBTVQH tập trung cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho Thành phố Hồ Chí Minh; báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội.

121020220937-1012-toan-canh-chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-2.jpg

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho biết: 5 năm triển khai, trong đó có 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện Nghị quyết 54, song việc thực hiện cũng đã được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn có một số vướng mắc trong quá trình thực hiện. Một số chính sách liên quan đến đất đai, tài chính, ngân sách nhà nước còn chậm triển khai; có chính sách sau 05 năm vẫn chưa được thực hiện.

Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết 31/12/2023, nhưng đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc đánh giá, tổng kết toàn diện, đầy đủ kết quả thí điểm và việc: “hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm và báo cáo Quốc hội”.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao tinh thần quyết tâm, khẩn trương, những cố gắng và kết quả đạt được của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và cả người dân Hà Nội trong thực hiện Nghị quyết.

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tiến độ thực hiện một số quy định trong Nghị quyết 115 còn chậm, trong đó có chính sách về phí thuộc thẩm quyền; việc sắp xếp lại các cơ sở nhà đất còn khó khăn; công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, làm hạn chế việc bổ sung nguồn lực cho Thành phố; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc chưa kịp thời; một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù của Nghị quyết khi triển khai còn phụ thuộc vào sự phối hợp, tiến độ thực hiện của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương liên quan;…

Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, hai nghị quyết này của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần có báo cáo sơ kết/tổng kết báo cáo Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2022. Hiện, Chính phủ đã thực hiện tổng kết, sơ kết hai Nghị quyết trên theo yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, Chính phủ mới chỉ báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 54 và xin kéo dài việc thực hiện đến ngày 31/12/2023, chưa có đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật và về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định, việc triển khai chính sách còn chậm, chưa tạo được hiệu quả rõ ràng. Thời gian qua, dù hai thành phố đã tích cực thực hiện hai Nghị quyết của Quốc hội, triển khai các chính sách, cơ chế đặc thù về đất đai, về phí, lệ phí, đầu tư, tài chính, ngân sách… tuy nhiên do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh, tiến độ triển khai còn chậm, hiệu quả của các chính sách này còn chưa rõ ràng như kỳ vọng của Quốc hội.

Hai Nghị quyết này được ban hành nhằm tạo cú hích, dư địa để huy động các nguồn lực, tạo động lực phát triển cho hai đầu tàu kinh tế của cả nước. Vậy nên cần tổng kết quá trình thực hiện để nhìn nhận rõ những bài học kinh nghiệm rút ra, đề xuất thêm những cơ chế chính sách cần thiết phải tiếp tục áp dụng trong thời gian tới.

Cụ thể, đối với cơ chế chính sách phân cấp quản lý về đất đai, cần báo cáo làm rõ các nội dung liên quan đến những vướng mắc về nguồn gốc đất, cơ chế xử lý của các bộ ngành, làm sáng tỏ điểm nghẽn ở đâu để có biện pháp tháo gỡ. Hay việc thực hiện cơ chế đặc thù liên quan đến phí cảng biển đã tạo ra một số bất cập trong cạnh tranh phát triển giữa các cảng biển của TP Hồ Chí Minh và cảng biển các khu vực khác. Vì vậy, lãnh đạo hai thành phố cần báo cáo, làm rõ thêm và đánh giá, phân tích lại cơ chế đặc thù này.

121020220817-1012-chu-nhiem-uy-ban-phap-luat-hoang-thanh-tung.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu thảo luận.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, với hai Nghị quyết, trong quá trình thực hiện và báo cáo của Chính phủ cho thấy có một số chính sách triển khai thực hiện chậm, một số chưa thực hiện vì nhiều lý do khác nhau, một số chính sách đã được pháp luật quy định áp dụng chung, không còn tính chất đặc thù, do đó đề nghị Chính phủ cần có đánh giá đầy đủ và sâu sắc hơn với những chính sách chậm triển khai thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao và ghi nhận các địa phương gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chủ động có sơ kết, tổng kết việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định Nghị quyết là cần thiết, quá trình thực hiện đã cho thấy tính đúng đắn hỗ trợ thiết thực trong phát triển kinh tế xã hội cho 2 trung tâm lớn của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ, trong quá trình thí điểm một số cơ chế chính sách được nghiên cứu để phổ cập hơn trước khi nghiên cứu xây dựng chính sách chung đại trà, như chính sách sử dụng ngân sách quận huyện có điều kiện hỗ trợ quận, huyện khó khăn hơn trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ an sinh xã hội. Thí điểm nếu tốt sẽ được nhân rộng.

Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với việc trình Quốc hội cho phép TP Hồ Chí Minh kéo dài thực hiện Nghị quyết 54, ít nhất khoảng một năm. Trong thời gian đó các cơ quan có quỹ thời gian và có điều kiện để nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thấu đáo hơn để đề xuất, một số chính sách có thể thể chế hoa bằng luật pháp chung, một số chính sách mới phải thí điểm thêm. Tương tự, Hà Nội nghiên cứu kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh để tổng kết, đánh giá sớm hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kéo dài thời gian thí điểm cơ chế đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh