Gần 100m bờ kè đê hữu sông Mã (đoạn gần chân cầu Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa) đang bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng đe dọa đến an toàn đê.
Được đầu tư hơn 100 tỷ đồng, tuyến kè đê hữu sông Mã có chiều dài gần 1,4km nối từ chân cầu Hàm Rồng đến ngã ba Trần Hưng Đạo (thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa), xây dựng vào năm 2010. Chủ đầu tư dự án là Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa.
Gần 100m bờ kè đang sụt lún nghiêm trọng
Đến năm 2011, tuyến kè đê này chính thức được hoàn thành. Tuy nhiên, khoảng 1 năm sau đó, đoạn kè gần khu vực chân cầu Hàm Rồng đã bị sạt lở, hư hỏng. Năm 2013, các nhà chức trách địa phương đã vào cuộc kiểm tra và xử lý sự cố. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 5 năm khắc phục, tuyến kè đê lại bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng.
Tại điểm kè sông Mã, thuộc phường Hàm Rồng (thành phố Thanh Hóa) có khoảng 60m chiều dài bờ kè bằng bê tông cốt thép đã bị sụt lún, có đoạn xuống sâu khoảng hơn 2m, kéo đổ ra phía sông. Ở vị trí sụt, đá lát bong tróc ngổn ngang, các dầm bê tông lớn cũng bị kéo gãy làm thay đổi kết cấu kè.
Lan can xiêu vẹo có nguy cơ đổ sập bất kỳ khi nào
Theo kiểm tra mới đây của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, đoạn kè bị sạt lở, sụt lún tương ứng với đoạn từ K39+484 - K39+534 đê hữu sông Mã; cung sụt có chiều sâu từ 0,2 - 2 m; điểm sụt gần nhất cách chân đê sông Mã 3,9 m; phần cơ đá chân kè sạt lở từ 1 - 2 m, chiều dài 27 m.
Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ trong năm 2017, gần đây nhất là ảnh hưởng bởi mưa của đợt không khí lạnh diễn ra từ ngày 5 - 7/11. Hiện tượng sạt lở vẫn đang tiếp tục diễn ra mạnh.
Cận cảnh đoạn bờ kè bị sụt lún
Mới đây, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị UBND phường Hàm Rồng (UBND thành phố Thanh Hóa) cắm cọc tiêu, lập hàng rào, biển báo và thông báo rộng rãi cho nhân dân biết khu vực nguy hiểm. Đồng thời, cấm người và các phương tiện tàu thuyền lại gần khu vực sạt lở.
Biển cảnh báo được đặt 2 đầu đoạn sụt lún
Trước đó vào tháng 5/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở Xây dựng Thanh Hóa chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức giám định nguyên nhân sự cố sụt lún. Kết quả giám định xác định trong hồ sơ dự án được duyệt, kết cấu chân kè đoạn từ K39+364,5 -K39+418,05 được gia cố bằng 2 hàng cọc bê tông cốt thép dài 6m, nhưng khi thiết kế bản vẽ thi công Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Thanh Hóa cùng đơn vị tư vấn đã bỏ hàng cọc đi nhưng không có giải pháp kỹ thuật thay thế. Sau đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với tổ chức, cá nhân có sai phạm.