Hơn lúc nào hết, Hướng Dương luôn mong muốn hướng đến những cái mới, cái tuyệt vời của âm nhạc trên thế giới nhưng vẫn giữ được nét độc đáo riêng của âm nhạc Việt Nam”.
Sáu cô gái Mặt Trời của Hướng Dương Band. Từ trái qua phải: Khánh Ly, Mai Thương, Vi Thu, Phạm Hương, Quỳnh Hương, Phan Tuyết
Từng cùng học tập và tham gia sinh hoạt trong một câu lạc bộ âm nhạc trong trường Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt nam, sau khi tốt nghiệp, tháng 9/2014, Mai Thương cùng với Vi Thu đã nảy ra ý tưởng thành lập một ban nhạc chuyên biểu diễn nhạc cụ dân tộc.
“Bọn mình hay đi biểu diễn cùng nhau, mỗi lần có chương trình gì, nhất là chương trình từ thiện, bọn mình lại “lôi kéo” thêm các bạn diễn khác. Và rồi Hương Sen ra đời”, Mai Thương tiết lộ về sự hình thành rất ngẫu nhiên và thú vị của ban nhạc.
Mai Thương - trưởng nhóm từng được biết đến là cô gái chơi đàn tranh trong bữa tiệc đón David Backham
Đến nay, mặc dù mới đi được một quãng đường có thể nói là ngắn so với các ban nhạc khác trong thị trường nhạc Việt, nhưng với Hương Sen đó là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa và đáng nhớ. Thành lập tự phát, không có quản lý, Mai Thương - trưởng nhóm kiêm luôn vai “manager” tự liên hệ công việc, book show và điều phối hoạt động của nhóm.
Nhóm nhạc Hương Sen trong chương trình Air Music hôm 19/5 vừa qua
Lựa chọn tên Hương Sen, với ý nghĩa tượng trưng cho vẻ đẹp thuần Việt của hoa sen, sau một thời gian hoạt động, nhóm đã quyết định đổi tên thành Hướng Dương.
“Đây là tên mới được nhóm nghĩ ra sau chương trình Air Music vừa rồi tại Sân bay Quốc tế Nội bài. Với Hướng Dương, ban nhạc mong muốn không chỉ mang một vẻ đẹp thuần Việt mà còn hướng tới âm nhạc truyền thống mang hơi hướng hiện đại, trẻ trung, để đưa âm nhạc dân tộc tới gần hơn với thế giới”, Quỳnh Hương - đại diện phát ngôn của Hướng Dương cho biết.
“Hơn lúc nào hết, Hướng Dương luôn mong muốn hướng đến những cái mới, cái tuyệt vời của âm nhạc trên thế giới nhưng vẫn giữ được nét độc đáo riêng của âm nhạc Việt Nam”, Vi Thu nói thêm.
Không có bầu show, không có người phối nhạc nên trong quá trình luyện tập mỗi thành viên đều phải tự nghe, tự ghi lại phần giai điệu của mình và hòa lại với nhau vào cuối tuần. Thế nhưng, các thành viên đều nắm bắt bài khá nhanh nên nhóm không mất quá nhiều thời gian cho một tác phẩm.
Mặc dù từng có sở trường với từng loại nhạc cụ nhất định, song mỗi người luôn cố gắng tập luyện thêm một nhạc cụ nào đó để band có những phần biểu diễn sinh động hơn trong các chương trình khác nhau. Chính vì vậy, mỗi khi Hướng Dương tham gia bất kỳ chương trình nào đều nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả.
Những cô gái tự tin mang âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả quốc tế
Ngoài những tác phẩm âm nhạc Việt Nam, Hướng Dương cũng hướng đến việc thể hiện những tác phẩm âm nhạc nước ngoài từ chính những cây đàn của dân tộc mình. “Nhiều người vẫn cho rằng, chúng mình đi một con đường không mấy thuận lợi khi chọn nhạc truyền thống thay vì nhạc trẻ. Song, Hướng Dương vẫn luôn tự tin vào khán giả của mình, bởi âm nhạc dân tộc từ trước đến nay vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng người yêu nhạc”, Mai Thương chia sẻ.
Các thành viên Hướng Dương Band - Trưởng nhóm: Mai Thương chuyên phụ trách liên hệ công việc. Chơi đàn tranh, đàn bầu, tam thập lục, K'lông pút... Hiện công tác tại Đoàn văn công Quân chủng Phòng không - Không quân. - Thủ quỹ: Vi Thu. Chơi đàn tam thập lục, đàn T’rưng, đàn bầu. Chuyên viên Viện Âm nhạc - Đại diện phát ngôn: Quỳnh Hương. Chuyên ngành đàn bầu năm cuối Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Có thể chơi được đàn tam thập lục và hát. Từng lọt vào chung kết cuộc thi Miss Nhạc viện Hà Nội. - Trang phục: Khánh Ly - trống, từng đoạt Huy chương Bạc toàn quốc về biểu diễn đàn tì bà. Hiện công tác tại Đoàn Xiếc Hà Nội. - Phụ trách truyền thông: Phạm Hương. Đàn nhị. - Phụ trách bài: Phan Tuyết. Đánh trống và T’rưng. Hiện đang theo học Thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. |