Bộ luật Hình sự năm 2015: Phạm vi, loại tội mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự

Nam Phương| 13/07/2016 09:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với pháp nhân thương mại là vấn đề mới được đặt ra, Việt Nam chưa có kinh nghiệm thực tiễn về chế định này.

Do vậy, việc xác định các tội danh mà pháp nhân thương mại phải chịu TNHS trong BLHS 2015 đã thể hiện sự thận trọng, phù hợp, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm và phổ biến của những hành vi vi phạm xảy ra trong thực tiễn.

Phạm vi các tội danh

Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, trên cơ sở tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, trước mắt, xác định phạm vi các tội danh mà pháp nhân phạm tội phải chịu TNHS chỉ thuộc các nhóm tội phạm kinh tế và tội phạm về môi trường. Đây là những tội danh mà pháp nhân thường hay vi phạm, có mức độ nguy hiểm nhất định và dễ chứng minh trên thực tế. Trên tinh thần đó, Điều 76 của BLHS năm 2015 đã quy định 31 loại tội, trong đó, 22 tội thuộc “Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế” và 9 tội thuộc “Các tội phạm về môi trường”.

Đây là những tội mà thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm thời gian qua đã diễn ra rất phức tạp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và thiệt hại đối với xã hội, với nhân dân do pháp nhân gây ra là rất lớn. Đồng thời, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ta là thành viên. Đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh... giá trị lợi nhuận được đặt lên hàng đầu, đây là nguyên nhân của các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tuy nhiên các chế tài về xử phạt hành chính, kinh tế là chưa đủ mạnh. Nước ta đã nội luật hoá một số quy định quốc tế đối với môi trường, kinh tế, các tội phạm xuyên quốc gia. Với 31 tội danh mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự là tương đối bao quát, đủ để xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng của pháp nhân trong thực tiễn hiện nay.

Điểm chung trong các điều luật quy định tội danh cho pháp nhân (31 điều luật) là quy định song song giữa TNHS của cá nhân con người phạm tội với TNHS của pháp nhân, ví dụ như tại Điều 243 - Tội hủy hoại rừng: Khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 243 quy định TNHS của cá nhân con người phạm tội khi có một trong các hành vi vi phạm mà BLHS quy định; Khoản 5 Điều 243 quy định TNHS của pháp nhân, dựa trên những dấu hiệu pháp lý hành vi và hậu quả được quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 243 BLHS năm 2015.

Bộ luật Hình sự năm 2015: Phạm vi, loại tội mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự

                                       Doanh nghiệp xả thải trái phép ra môi trường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự                                         

Về hình thức hình phạt, loại hình phạt, các biện pháp tư pháp và điều kiện áp dụng đối với pháp nhân phạm tội: So với BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 có bước phát triển hoàn toàn mới khi lần đầu tiên quy định một cách cụ thể các loại hình phạt và các biện pháp tư pháp đối với chủ thể mới của pháp luật hình sự là pháp nhân. Cụ thể là từ Điều 77 đến Điều 82 BLHS năm 2015 gồm: Phạt tiền (Điều 77), đình chỉ hoạt động có thời hạn (Điều 78), đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 79), cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định (Điều 80), cấm huy động vốn (Điều 81) và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 82). Các loại hình phạt này được áp dụng đối với pháp nhân phạm tội tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội được quy định tại Điều 9 và Điều 83 BLHS năm 2015.

Pháp nhân phạm tội có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn

Một trong những điểm mới được bổ sung, sửa đổi trong BLHS năm 2015 là xây dựng điều khoản về quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân phạm nhiều tội (Điều 86), tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với pháp nhân (Điều 87), xây dựng điều khoản về miễn hình phạt (Điều 88) và xây dựng quy định về xóa án tích cho pháp nhân (Điều 89). Trong đó, việc quy định về xóa án tích cho pháp nhân dựa trên tinh thần những quy định về xóa án tích đối với cá nhân con người cụ thể được quy định tại Chương X của BLHS năm 2015. Theo đó, Điều 89 BLHS năm 2015 quy định: “Pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 2 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới”.

So với xóa án tích đối với cá nhân phạm tội thì phạm vi được xóa án tích của pháp nhân hẹp hơn. Điều này xuất phát từ tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả gây ra bởi hành vi phạm tội của pháp nhân cho xã hội là rất lớn, việc thu hẹp phạm vi được xóa án tích cũng thể hiện được tính răn đe, nghiêm khắc trong xử lý đối với pháp nhân phạm tội.

BLHS năm 2015 cũng quy định về tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng TNHS áp dụng đối với pháp nhân. Theo đó, vì là chủ thể của pháp luật hình sự nên cũng như việc quy định TNHS đối với cá nhân con người, thì một trong những điểm mới của BLHS năm 2015 với BLHS năm 1999 đó là lần đầu tiên BLHS quy định các tình tiết giảm nhẹ TNHS áp dụng đối với pháp nhân (Điều 84) và các tình tiết tăng nặng TNHS áp dụng đối với pháp nhân (Điều 85). Trong đó đều có quy định nguyên tắc “Các tình tiết giảm nhẹ hoặc tình tiết tăng nặng đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ hoặc tình tiết tăng nặng trong khi quyết định hình phạt”.

Truyền thống xây dựng BLHS từ trước đến nay đều quy định những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ cho cá nhân con người phạm tội cụ thể, nay BLHS năm 2015 tiếp tục sửa đổi, bổ sung thêm loại chủ thể luật hình sự mới là pháp nhân thì cũng phải quy định những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ áp dụng đối với pháp nhân phạm tội như vẫn đang quy định đối với cá nhân phạm tội.

 Việc quy định những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trong BLHS năm 2015 thể hiện được tính nghiêm khắc trong xử lý hành vi phạm tội của pháp nhân, cũng như tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đồng thời thể hiện được tính hợp lý và nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong xử lý tội phạm giữa hai loại chủ thể pháp luật hình sự là cá nhân và pháp nhân. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ luật Hình sự năm 2015: Phạm vi, loại tội mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự