Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện và thực tiễn xét xử (kỳ 2)

Duy Kiên| 08/12/2014 05:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Như kỳ trước tác giả đã phân tích về vấn đề bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Kỳ này, chúng tôi giới thiệu phân tích của tác giả về vấn đề trên thông qua thực tiễn xét xử.

Tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 có quy định về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự là:

“1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.

2. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.”

Tại Điều 11 Luật Thương mại cũng quy định về nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận như sau:

“Nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại

1. Các bên có quyền tự do thỏa thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó.

 2. Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe dọa, ngăn cản bên nào.”

Xuất phát từ quyền tự do, tự nguyện… của đương sự, nên dù đã có tranh chấp xảy ra, nhưng nếu đương sự hòa giải được với nhau, thỏa thuận được với nhau thì luôn luôn được khuyến khích và các bên cần phải tôn trọng sự hòa giải, sự thỏa thuận đó. Nhưng vì một lý do nào đó mà một trong các bên không tôn trọng thỏa thuận, không tôn trọng kết quả tự hòa giải với nhau, tiếp tục có tranh chấp thì kết quả tự hòa giải là một cơ sở xem xét vấn đề thời hiệu, bắt đầu lại thời hiệu là hợp lý và cần thiết.

Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện và thực tiễn xét xử (kỳ 2)

Nội dung và hình thức các bên tự hòa giải, thỏa thuận rất phong phú. Các bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hiệu khởi kiện, kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ, thực hiện nghĩa vụ trong nhiều giai đoạn, trong nhiều lần, thỏa thuận việc bù trừ nghĩa vụ, hoặc chỉ phải thực hiện một phần nghĩa vụ, thực hiện một nghĩa vụ khác thay thế hoặc cùng với bên thứ ba thỏa thuận chuyển giao nghĩa vụ, thỏa thuận chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi có những điều kiện xuất hiện.v.v… các bên có thể tự hòa giải được trước hoặc sau khi khởi kiện đều được tính lại thời hiệu khởi kiện.

Việc các bên đã tự hòa giải với nhau về việc thực hiện nghĩa vụ, nhưng sau đó lại xảy ra tranh chấp thì thời điểm các bên tự hòa giải được hoặc thời điểm mà các bên thỏa thuận bên bị khởi kiện, bị yêu cầu phải thực hiện nghĩa vụ, nhưng đã không thực hiện.v.v… Tùy theo nội dung mà hai bên thỏa thuận để xác định thời điểm bắt đầu tính lại thời hiệu khởi kiện.

Về xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện: Theo quy định tại khoản 2 Điều 162 Bộ luật Dân sự thì có thể hiểu ngày xẩy ra sự kiện được quy định tại khoản 1 Điều 162 Bộ luật Dân sự sẽ không tính vào thời hiệu khởi kiện mà chỉ tính thời điểm bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện là ngày tiếp theo ngày đó.

Ví dụ 1: Ngày 1/1/2013 anh A thừa nhận có nợ anh B số tiền 10.000.000 đồng thì ngày bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là ngày 2/1/2013.

Ví dụ 2: Ngày 1/1/2013 anh A thừa nhận có nợ anh B số tiền 10.000.000 đồng và hẹn đến ngày 5/6/2013 sẽ trả 10.000.000 đồng cho anh B, nhưng sau đó anh A không thực hiện, thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là ngày 6/6/2013.

Thực tiễn xét xử cho thấy, Thẩm phán đã có nhận thức sai, có nhầm lẫn giữa thời hiệu khởi tố, điều tra trong vụ án hình sự với thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự; Không thu thập tài liệu, chứng cứ, không xem xét vấn đề bắt đầu lại thời hiệu trong quá trình giải quyết vụ án dẫn đến sai sót.

Trong thực tiễn xét xử các Thẩm phán mới chỉ chú ý đến thời hiệu khởi kiện. Do đó, khi thấy hết thời hiệu khởi kiện là đình chỉ, hoặc không xem xét kỹ vấn đề thời hiệu khởi kiện, nên mặc dù thời hiệu khởi kiện đã hết vẫn xem xét, giải quyết quan hệ tranh chấp hoặc tính thời hiệu khởi kiện không đúng; nhiều Thẩm phán ít chú ý thu thập tài liệu, chứng cứ, không áp dụng quy định về bắt đầu lại thời hiệu; giữa Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm đã xử lý khác nhau về vấn đề thời hiệu. Dưới đây là một vài trường hợp cụ thể:

Ví dụ 1: Vụ kiện “đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tính mạng bị xâm phạm” giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Làn - sinh năm 1970, trú tại: thôn Làng Rút, xã Sơn Kỳ, huyện SH, tỉnh QN. Bị đơn: Ông Nguyễn Quan - sinh năm 1957. Bà Đào Thị Lò (tức Đào Thị Kim) - Sinh năm 1962, đều trú tại: thôn Làng Rê, xã Sơn Kỳ, huyện SH, tỉnh QN. Tạm trú: Hẻm Hoàng Hoa Thám, tổ 16, phường Quảng Phú, thành phố QN, tỉnh QN. Người có quyền lọi, nghĩa vụ liên quan: Anh Nguyễn Bích - sinh năm 1982.

Nội dung vụ án:

Theo đơn khởi kiện ngày 16/01/2012 và đơn khởi kiện bổ sung ngày 06/02/2012, các chứng cứ có trong hồ sơ, tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn Nguyễn Thị Làn trình bày:

Năm 2002 ông Nguyễn Quan và bà Đào Thị Lò mua một chiếc xe REO 7 để làm phương tiện vận chuyển. Chồng bà là ông Đào Thiên Đường (tức Đào Mạnh Hùng), là em ruột của bà Đào Thị Lò nên thỉnh thoảng vợ chồng bà Lò, ông Quan nhờ chồng bà giúp việc. Ngày (13/8/2003 âm lịch) tức ngày 09/9/2003 dương lịch, ông Quan, bà Lò nhờ chồng bà đi bốc mì và mây của ông Đinh Văn Khiêm. Anh Nguyễn Bích (con ông Quan, bà Lò) trực tiếp lái xe REO 7 chở mì đi nhập. Trên xe có ông Đào Thiên Đường, ông Đinh Văn Đơ (tức Đờ) và tài xế Nguyễn Bích. Khi đến đoạn đường xóm Bấc thuộc địa phận thôn 3 (nay là thôn Làng Rê) xã Sơn Kỳ xe bị lật xuống hố, chồng bà bị chết ngay tại chỗ, Nguyễn Bích bị thương ở cánh tay, ông Đơ bị thương nhẹ.

Khi anh Bích chạy về báo tin, nghe xong bà Làn bị ngất xỉu, khi tỉnh dậy bà định báo Công an thì ông Quan, bà Lò năn nỉ bà đừng báo công an, bà Lò nói “em hiểu dùm cho chị, Bích là cháu trong nhà, chồng em là em ruột chị. Nếu em báo Công an thì cháu phải đi tù vì xe đã hết hạn sử dụng không được lưu hành, Bích không có giấy phép lái xe...”.

Sau khi mai táng ông Đường xong, trước mặt bà con họ hàng nội ngoại và bà con chòm xóm ông Quan, bà Lò hứa sẽ có trách nhiệm chăm sóc 12 héc ta keo trồng chung với ông Đường trên đất dự án tại đồi Nước Tang (thôn Làng Rê) để cùng bà Làn nuôi ba đứa con, làm cho cháu Đào Như Ý (con trai bà Làn) một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hỗ trợ vốn để bà Làn làm ăn nuôi con. Vì nghĩ tình máu mủ nên bà Làn chấp nhận không báo Công an và sự việc chỉ thỏa thuận bằng miệng, không ghi thành văn bản.

Sau vài năm kể từ khi ông Đường mất, gia đình ông Quan, bà Lò không thực hiện lời hứa. Thấy thái độ của ông Quan, bà Lò không có thiện chí, bà Làn định làm đơn yêu cầu khởi tố nhưng bạn bè và ông Chung (anh ruột bà Lò, ông Đường) khuyên bà để từ từ chờ sắp xếp nên bà không làm đơn. Khi bà Lò, ông Quan bán hết 12 héc ta keo cũng không hề quan tâm tới mẹ con bà Làn. Ngày 27/12/2010 bà Lò có ghé trú mưa tại hè nhà bà Làn, cháu Đào Thị Mỹ Trinh (con bà Làn) hỏi bà Lò xin hỗ trợ tiền cho các cháu ăn học, bà Lò trả lời “ba mày chết thì keo cũng chết rồi, hỏi má mày thì biết”. Khi nghe con kể lại bà Làn biết mình bị vợ chồng ông Quan, bà Lò lừa nên đã làm đơn yêu cầu khởi tố hình sự đối với ông Quan, bà Lò và anh Nguyễn Bích, nhưng được Công an huyện SH và Công an tỉnh trả lời: “thời hiệu điều tra vụ án là 10 năm nhưng do quan hệ gia đình là ruột thịt, nên khi vụ tai nạn giao thông xẩy ra gia đình nạn nhân và tài xế xe, chủ phương tiện tự thỏa thuận giải quyết, không báo cơ quan chức năng tiến hành điều tra theo qui định của pháp luật. Vụ án xẩy ra đã lâu, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện SH (kể cả Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh QN) không thể dựng lại hiện trường nên không đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự. Về phần dân sự không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện SH, đề nghị bà làm đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện SH để được giải quyết theo qui định của pháp luật”.

Tại phiên tòa, bà Nguyễn Thị Làn yêu cầu buộc ông Nguyễn Quan, bà Đào Thị Lò và anh Nguyễn Bích phải có nghĩa vụ bồi thường cho bà khoản tiền tổn thất tinh thần là 60 tháng lương tối thiểu, tương ứng số tiền 63.000.000 đồng.

Tiền cấp dưỡng nuôi con Đào Thị Mỹ Trinh, sinh ngày 26/3/1995(từ tháng 9/2003 đến tháng 3/2013) đến khi cháu Trinh đủ 18 tuổi, là 9 năm 07 tháng, tức là 115 tháng x 1.050.000 đ/tháng = 120.750.000 đồng. Tiền cấp dưỡng nuôi con Đào Như Ý, sinh ngày 05/5/1997 (từ tháng 9/2003 đến tháng 5/2015) đến khi cháu Ý đủ 18 tuổi, là 11 năm 8 tháng tức là 140 tháng x 1.050.000 đồng = 147.000.000 đồng. Tổng cộng: 330.750.000 đồng. Riêng khoản tiền mai táng ông Đường, đã được bà Lò chi 6.000.000 đồng (Sáu triệu đồng), bà Làn không yêu cầu gì thêm.

Tại bản án sơ thẩm số 03/2012/DSST ngày 24/9/2012 của Tòa án nhân dân huyện SH đã nhận định như sau:

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, căn cứ kết quả thẩm tra tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

Về thủ tục tố tụng: - Xét về thời hiệu khởi kiện: Vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 13/8/2003 (âm lịch) tức ngày 09/9/2003 tại xóm Bấc (xã Sơn Kỳ) do anh Nguyễn Bích lái, làm chết ông Đường, anh Bích bị thương là gây hậu quả nghiêm trọng. Căn cứ khoản 1 Điều 202 của Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì thời hiệu điều tra là 10 năm. Nhưng do bà Nguyễn Thị Làn, bà Đào Thị Lò, ông Nguyễn Quan thỏa thuận không báo cáo cơ quan điều tra nên không tiến hành điều tra theo qui định của pháp luật. Lời trình bày của bà Làn phù hợp lời khai của những người làm chứng.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện và thực tiễn xét xử (kỳ 2)