Môi trường

Hải Phòng: Biến rác thải thành phân bón, nguyên liệu hữu ích

Phạm Thương 25/04/2024 - 10:14

Để bảo đảm công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, thời gian qua, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền phân loại rác thải.

Theo báo cáo, 4 tháng đầu năm 2024, Ban truyền thông môi trường của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng đã phối hợp các địa phương, đơn vị, tổ dân phố thực hiện gần 500 hội nghị, hoạt động tuyên truyền phân loại chất thải rắn tại nguồn, với sự tham gia tìm hiểu của hơn 45 nghìn người.

Tại các quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An đều đã triển khai việc phân loại rác thải tại nguồn. Trong đó nổi bật tại quận Ngô Quyền có sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương trong việc phối hợp với Công ty hướng dẫn 100% hộ dân tham gia vào công tác phân loại rác thải tại hộ gia đình. Ngoài ra, Công ty đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông tại các tuyến phố, đơn vị, nhất là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống giải khát trên địa bàn các quận. Đến hiện tại, Công tỷ đã phối hợp các địa phương, đơn vị xây dựng, ra mắt hơn 370 mô hình phân loại chất thải rắn tại nguồn.

img_20240425_084416.jpg
Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng tuyên truyền phân loại rác tại phường Đông Khê, quận Ngô Quyền.

Thông qua các hoạt động trên, các hộ dân, cơ quan, đơn vị nhận thấy rõ hơn những lợi ích của phân loại rác thải tại nguồn, nhất là một tỷ lệ rác nhất định trở thành tài nguyên, được tái sử dụng trong đời sống. Tổ dân phố số 3 phường Lê Lợi, quận Ngô Quyền là một trong những tổ dân phố đi đầu trên địa bàn thành phố trong thực hiện mô hình phân loại rác thải nguồn từ năm 2021 đến nay; hầu hết hộ dân trong ngõ chấp hành nghiêm phân loại rác thải từ gia đình.

Nhờ có sự đồng hành, ủng hộ của người dân, công việc thu gom rác thải của nhân viên môi trường đô thị cũng bớt vất vả hơn; đặc biệt hiệu xuất, hiệu quả trong việc xử lý rác thải, tái chế nguyên liệu từ rác thải ngày càng cao.

Chất thải rắn sau khi phân loại, thu gom được đưa về Khu liên hợp xử lý chất thải Tràng Cát (một trong hai nhà máy xử lý chất thải rắn của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng) để xử lý, tái chế tái sử dụng, không gây lãng phí và hạn chế tác động đến môi trường. Rác thải hữu sau khi phân loại đã được xử lý, tái chế thành phân mùn vi sinh và được kiểm nghiệm, bảo đảm chất lượng để sử dụng trong nông nghiệp, chăm sóc cây hoa cảnh.

img_20240425_084422.jpg
Tuyên truyền phân loại rác tại phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền.

Mới đây, khảo sát thực tế hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Hải Phòng, ông Hồ Kiên Trung, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh: Tại Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng, có khoảng 20% lượng chất thải rắn sinh hoạt có thể tái chế; 60% lượng chất thải hữu cơ có thể làm compost, phân vi sinh, biogas,…; một lượng chất thải khác có thể đem thiêu đốt thu nhiệt, phát điện. Do đó, để biến rác thải thành tài nguyên, việc phân loại rác thải tại nguồn đóng vai trò quan trọng, trong đó sự chung tay hưởng ứng, ủng hộ của người dân, các cơ quan, đơn vị, địa phương là rất quan trọng và cần thiết. Từ quá trình thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, hoạt động thu gom và xử lý chất thải rắn sẽ thuận lợi hơn, hiệu quả cao hơn.

Việc Hải Phòng thực hiện tốt phân loại rác thải; chắt lọc ra nguyên liệu để tái chế thành phân bón, nguyên liệu làm chất đốt cho ngành sản xuất khác…, là kinh nghiệm quý cho các địa phương trong chủ động tìm kiếm đầu ra cho rác.

Thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là cơ sở để xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, hiện thực mục tiêu biến rác thải thành tài nguyên. Qua đó, hiện thực hoá chủ trương xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng: Biến rác thải thành phân bón, nguyên liệu hữu ích