Tòa án

Hoàn thiện pháp luật đủ nghiêm khắc nhưng cũng nhân văn với người chưa thành niên phạm tội

Duy Tuấn 06/06/2024 10:04

Theo Ban soạn thảo, xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên (NCTN) phạm tội. Tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ NCTN phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính trừng phạt.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình- đồng thời là Trưởng ban soạn thảo, sẽ trình bày tờ trình Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

chanhan2.jpeg
Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7.

Dự thảo Luật gồm 173 điều được bố cục thành 05 phần, 11 chương.

Bảo đảm lợi ích tốt nhất cho NCTN

Về quan điểm xây dựng Luật, theo Ban soạn thảo, xây dựng Luật Tư pháp NCTN quán triệt các quan điểm chỉ đạo:

Thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp; giáo dục, bảo vệ NCTN; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật;

Bảo đảm trật tự an toàn xã hội và bảo vệ nạn nhân khi giải quyết vụ việc có NCTN. Xử lý nghiêm hành vi vi phạm nhưng vẫn nhân văn, tạo cơ hội sửa chữa lỗi lầm đối với NCTN phạm tội;

Bảo đảm lợi ích tốt nhất cho NCTN; việc xử lý NCTN phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; áp dụng hình phạt với NCTN phạm tội chỉ được xem là giải pháp cuối cùng; áp dụng thủ tục tố tụng thân thiện trong suốt quá trình giải quyết vụ việc;

chanhan3.jpeg
Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình- đồng thời là Trưởng ban soạn thảo, sẽ lần đầu tiên trình bày trước Quốc hội tờ trình Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Nội luật hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Nhân văn, tiến bộ và đặc thù để bảo vệ NCTN trong tư pháp hình sự

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), theo Ban soạn thảo, Luật này điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: Nguyên tắc cơ bản của tư pháp NCTN; Quy định về xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội; Hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; Thủ tục tố tụng thân thiện; Thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp NCTN.

Bổ sung nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng mới với NCTN

Đáng chú ý, theo điều 36, dự thảo Luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng áp dụng đối với NCTN, gồm: 1. Khiển trách. 2. Xin lỗi bị hại. 3. Bồi thường thiệt hại. 4. Tham gia chương trình học tập, dạy nghề. 5. Tham gia điều trị và tư vấn tâm lý. 6. Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng. 7. Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến NCTN phạm tội mới. 8. Hạn chế khung giờ đi lại. 9. Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến NCTN phạm tội mới. 10. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn. 11. Quản thúc tại gia đình. 12. Giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Về cơ quan áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, điều 53 dự thảo Luật quy định Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thẩm quyền xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng; riêng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng phải do Tòa án quyết định vì liên quan đến quyền con người, đến việc hạn chế tự do của NCTN.

Đổi mới chế định ngăn chặn, cưỡng chế đối với người NCTN bị buộc tội

Từ Điều 127 đến Điều 133, dự thảo Luật quy định 10 biện pháp ngăn chặn gồm: giữ người trong trường hợp khẩn cấp; bắt người theo các trường hợp quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự; tạm giữ; tạm giam; giám sát điện tử; giám sát tại nhà; bảo lĩnh; đặt tiền để bảo đảm; cấm đi khỏi nơi cư trú; tạm hoãn xuất cảnh. Quy định 03 biện pháp cưỡng chế gồm: áp giải, dẫn giải; kê biên tài sản; phong tỏa tài khoản.

chanhan1.jpeg
Dự thảo luật tư pháp NCTN sẽ thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp; giáo dục, bảo vệ NCTN

Đáng chú ý, theo ban soạn thảo có 2 biện pháp ngăn chặn mới là “giám sát điện tử và giám sát tại nhà”. Thu hẹp các trường hợp NCTN bị áp dụng biện pháp tạm giam và quy định rõ ràng, cụ thể căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam, NCTN chỉ bị áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp thật cần thiết và khi các biện pháp giám sát khác không hiệu quả.

Bổ sung quy định về tố tụng thân thiện trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố

Từ Điều 134 đến Điều 139, dự thảo luật quy định quy trình khởi tố, điều tra, truy tố đối với NCTN là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội phải được tiến hành trong môi trường thân thiện, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, bí mật cá nhân, danh dự, nhân phẩm của họ.

Vụ án hình sự có người bị buộc tội là NCTN và người đã thành niên thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tách vụ án hình sự đối với NCTN để giải quyết vụ án độc lập.

Thời hạn điều tra, thời hạn quyết định việc truy tố, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được rút ngắn hơn so với vụ án hình sự thông thường.

Các thông tin có liên quan đến hành vi phạm tội của NCTN phải được giữ kín, không cung cấp công khai.

Hoàn thiện quy định về thủ tục xét xử thân thiện

Từ Điều 140 đến Điều 145, dự thảo luật quy định vụ án hình sự có NCTN bị buộc tội thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên hoặc do Thẩm phán chuyên trách xét xử.

Đáng chú ý, vụ án hình sự về NCTN được xét xử trong phòng xử án thân thiện.

“Khi xét xử không còng tay hoặc sử dụng các phương tiện cưỡng chế khác. Tại phiên tòa, cho phép người làm công tác xã hội trình bày Báo cáo điều tra xã hội đối với NCTN”.

Việc xét hỏi, tranh luận phải được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, khả năng nhận thức của NCTN.

Thẩm phán mặc trang phục hành chính và phải điều hành phiên tòa theo mức độ tập trung của NCTN.

Phiên tòa có thể được tổ chức xét xử kín nhưng khi tuyên án công khai chỉ tuyên phần quyết định.

Bổ sung điều luật về hình phạt cảnh cáo cho NCTN

Về hình phạt (từ Điều 107 đến Điều 119), theo ban soạn thảo dự thảo cải cách chính sách hình sự về hình phạt áp dụng đối với NCTN theo hướng như sau:

Giữ nguyên hệ thống hình phạt đối với NCTN phạm tội như Bộ luật Hình sự hiện hành gồm: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn. Không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với NCTN.

Bổ sung điều luật về hình phạt cảnh cáo cho NCTN khi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt. Giảm thời gian thử thách khi được hưởng án treo xuống không quá 03 năm.

Mở rộng đối tượng NCTN từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu có tài sản riêng cũng có thể áp dụng hình phạt tiền hoặc cha mẹ, người thân thích của NCTN có tài sản và tự nguyện thực hiện và mức tiền phạt không quá một phần ba mức tiền phạt mà điều luật quy định.

Giảm mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi từ 18 năm xuống 15 năm tù, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội từ 12 năm xuống 09 năm tù, trừ trường hợp phạm 05 loại tội xâm phạm tính mạng sức khỏe và ma túy thì mức hình phạt theo quy định của pháp luật hiện hành để đề cao tính nhân văn nhưng vẫn bảo đảm nghiêm minh của chính sách hình phạt đối với NCTN.

NCTN được giam giữ tại trại giam riêng

Để có môi trường giáo dục, phục hồi tốt nhất (Điều 156), dự thảo luật quy định, không được giam giữ chung NCTN với người đã thành niên; NCTN được giam giữ tại trại giam riêng. Trại giam này được đầu tư các thiết bị giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa… để bảo đảm các quyền cơ bản của NCTN.

Việc tổ chức trại giam riêng phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, sự phát triển của NCTN, đặc biệt bảo đảm tối đa quyền được học tập của các em; tránh sự đầu tư dàn trải, thừa thiếu cục bộ, không hiệu quả khi phải đầu tư khu giam giữ riêng NCTN tại tất cả các Trại giam trên toàn quốc, trong khi đó, số lượng NCTN chấp hành án tại các Trại giam không lớn, có trình độ học vấn, đặc điểm tội phạm khác nhau, sẽ khó khăn cho việc bố trí giáo dục, đào tạo, không đáp ứng được yêu cầu riêng biệt đối với NCTN.

Mở rộng cơ hội và hỗ trợ cho NCTN tái hòa nhập cộng đồng

Từ Điều 166 đến Điều 171, dự thảo Luật quy định mở rộng phạm vi được tha tù trước thời hạn và bổ sung quy định việc xét tha tù trước thời hạn có điều kiện cho NCTN phải thực hiện ngay khi có đủ các điều kiện thay vì định kỳ xét chung với người đã thành niên như hiện nay.

Rút ngắn một phần hai thời hạn được xóa án tích cho NCTN so với quy định của Bộ luật Hình sự.

Đổi mới việc cấp các chứng chỉ học nghề, tốt nghiệp văn hóa theo hướng các chứng chỉ này được cấp bởi cơ sở giáo dục, trường nghề để tránh kỳ thị, phân biệt đối với NCTN khi tái hòa nhập cộng đồng khó tiếp tục đi học hoặc xin việc làm.

Bảo đảm quyền, nghĩa vụ của người chưa thành niên

Ngoài ra, từ Điều 21 đến Điều 24, dự thảo luật quy định, NCTN là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội có quyền: có người đại diện trong suốt quá trình tố tụng; được bào chữa, trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật; được sự hỗ trợ của người làm công tác xã hội, chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học trong trường hợp cần thiết;… NCTN là bị hại, người làm chứng có quyền: được sự hỗ trợ của người làm công tác xã hội, chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học trong trường hợp cần thiết; được bồi thường thiệt hại và hỗ trợ theo quy định của Luật này và các luật khác có liên quan;… Người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng có các quyền: được học tập hoặc học nghề; được tham gia chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại địa phương; được cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp xử lý chuyển hướng;…

*Thẩm tra dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN) với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của TANDTC.

“Việc ban hành Luật bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới và hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự đối với NCTN; bảo đảm và bảo vệ tốt nhất lợi ích của NCTN. Dự thảo Luật khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành, chỉ điều chỉnh một số chính sách hình sự và thủ tục tố tụng hình sự đối với NCTN trên nền của các quy định vốn được dành cho người trưởng thành, mà thiếu cách tiếp cận có tính chuyên biệt, hệ thống và toàn diện”- Báo cáo nêu rõ.

Theo Ủy ban Tư pháp, việc ban hành một đạo luật chuyên biệt về tư pháp đối với NCTN thể hiện Việt Nam đáp ứng và thực thi tích cực, nghiêm túc yêu cầu của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, các khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em Liên hợp quốc .

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện pháp luật đủ nghiêm khắc nhưng cũng nhân văn với người chưa thành niên phạm tội