Ở tuổi gần 80, Hòa thượng Lý Sa Mouth, Trụ trì chùa Đìa Muồng (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) luôn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer; đặc biệt đã phát huy vai trò, uy tín của mình trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho bà con đồng bào.
Vì sự bình yên phum sóc
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh, sư Lý Sa Mouth chứng kiến bao cảnh “bom cày đạn xới” với những mất mát hy sinh của các chiến sĩ cách mạng. Do đó, vào năm 1964, khi mới 16 tuổi, ông đã vào chùa quy y để báo hiếu cha mẹ, vừa học phổ thông vừa học lớp Phật học để cống hiến lâu dài cho nhà chùa.
Đây cũng là một tiền đề quan trọng để ông nắm bắt tốt hơn chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và vận dụng linh hoạt trong quá trình tu tập của mình.
Hòa thượng Lý Sa Mouth chia sẻ: “Trong quá trình tu tập, phát triển đạo tại chùa Đìa Muồng, tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc và tấm lòng yêu thương con người.
Do đó, vào ngày rằm và 30, mùng 1 hàng tháng, khi bà con phật tử đến chùa cúng viếng, tôi và các vị sư trong chùa đều răn dạy bà con thực hiện tốt 5 giới luật của đạo Phật. Đồng thời, vận dụng giáo lý, đạo đức nhà Phật với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để thực hiện trong cuộc sống hằng ngày, có như vậy thì mới giúp cho dòng tộc, cho phum sóc, cho xã hội ngày càng phát triển”.
Sau 6 năm tu tập tại chùa Đìa Muồng, đến năm 1970, Lý Sa Mouth được phong làm Đại đức, Phó Trụ trì chùa. Ông được Hòa thượng Thạch Som, Hội trưởng Hội Đoàn kết yêu nước Tây Nam bộ giao nhiệm vụ làm Thư ký Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu.
Bên cạnh đó, Đại đức Lý Sa Mouth còn vận động chư tăng, phật tử đấu tranh, lên án hành vi giặc Mỹ bắn phá các chùa chiền, nơi tu hành của các phật tử.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, Đại đức Lý Sa Mouth làm Trụ trì chùa Đìa Muồng cho đến nay. Năm 1981, ông là Đại biểu HĐND tỉnh Minh Hải khóa I, Thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 2002, Đại đức Lý Sa Mouth được phong làm Thượng tọa, đến năm 2010 được phong làm Hòa thượng. Từ năm 1998 đến năm 2018, ông làm Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu và hiện nay là Thành viên Ban Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu.
Góp sức cùng chính quyền địa phương xây dựng phum sóc giàu đẹp
Không chỉ là một nhà sư luôn vì bình yên phum sóc, Hòa thượng Lý Sa Mouth còn là một người con hết lòng vì quê hương, phum sóc. Tất cả các phong trào, các cuộc vận động do địa phương phát động, ông đều tích cực tham gia. Điển hình là việc xây nhà tình thương, xóa nhà lụp xụp cho đồng bào Khmer tại ấp Vĩnh Lộc trong nhiều năm qua.
Được biết, Hòa thượng Lý Sa Mouth đã vận động mạnh thường quân, đồng bào phật tử xây dựng hơn 70 căn nhà tình thương cho đồng bào dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Trung tá Nguyễn Văn Tại, Trưởng Công an xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long cho biết: “Khi huyện Phước Long thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Hòa thượng Lý Sa Mouth đã vận động bà con trong phum sóc hiến đất làm đường giao thông nông thôn; vận động mạnh thường quân xây 04 cây cầu giao thông để người dân, các em học sinh trong xã thuận tiện đi lại, giao thương buôn bán.
Chính những việc làm của Hòa thượng Lý Sa Mouth đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền ấp Vĩnh Lộc giữ vững danh hiệu “Ấp văn hóa” gần 20 năm qua và cũng là một trong những ấp sớm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn xã”.
Mặc dù tuổi đã cao, nhưng với tinh thần hết lòng vì quê hương, phum sóc, ông lại không cho phép mình được nghỉ ngơi mà luôn tâm niệm bản thân phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, sống đạo đức, trở thành tấm gương cho bà con phật tử noi theo.
Ông đã vận động từng hộ dân trồng cây kiểng tạo hàng rào trước nhà. Từ đó ai cũng làm theo, người trồng mấy khóm hoa, người lên hẳn hàng rào dâm bụt, ai có mảnh sân rộng thì tận dụng đất gieo vài luống rau sạch cho bữa ăn hàng ngày. Những hàng rào cây kiểng xanh mướt cùng đoạn đường bê tông phẳng phiu và dòng sông Đìa Muồng hiền hòa chảy dọc quanh xóm nhỏ như điểm tô thêm vẻ đẹp cho quê hương Vĩnh Lộc thanh bình.
Phum sóc xanh - sạch - đẹp thôi là chưa đủ, mà còn phải bình yên. Do đó, Hòa thượng Lý Sa Mouth cùng với Ban quản trị chùa Đìa Muồng đã vận động bà con tham gia vào “Tổ dòng tộc tự quản về ANTT” để chung tay giữ gìn bình yên phum sóc. Được biết mô hình này cũng chính do Hòa thượng Lý Sa Muoth đề xuất chính quyền địa phương thành lập vào tháng 10/2011. Từ 07 tổ với 746 thành viên tại ấp Vĩnh Lộc, đến nay mô hình này được nhân rộng ở nhiều phum sóc trên địa bàn tỉnh và được Bộ Công an công nhận, nhân rộng trên toàn quốc.
“Hồi đó, tôi đề xuất thành lập mô hình Tổ dòng tộc tự quản này với mong muốn có thể tuyên truyền cho bà con đồng bào thực hiện tốt các quy định của Nhà nước và của địa phương mình; cùng nhau làm việc thiện, có ích cho xã hội. Hộ nào có mâu thuẫn, tranh chấp thì chúng tôi đến hòa giải; ai có khó khăn thì chúng tôi gom góp sức người sức của mà hỗ trợ. Làm sao để trong dòng tộc mình, trong phum sóc mình không xảy ra vụ việc gì mất ANTT, vậy mới là nông thôn mới kiểu mẫu chứ”, Hòa thượng Lý Sa Mouth chia sẻ thêm.
Với những thành tích đóng góp cho quê hương, phum sóc, năm 2011, Hòa thượng Lý Sa Mouth được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; năm 2017, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xây dựng và quản lý nhà nước về công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Bằng khen nhiều năm liền cho Ban Trụ trì chùa Đìa Muồng nói chung và Hòa thượng Lý Sa Mouth nói riêng trong việc xây dựng xã Vĩnh Phú Đông ngày càng giàu đẹp…
Những năm trước đây đời sống của bà con ấp Vĩnh Lộc còn gặp rất nhiều khó khăn. Song, hiện nay tất cả đều có cuộc sống khá giả nhờ chí thú làm ăn, phum sóc như được khoác lên chiếc áo mới. Kết quả đó là nhờ sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền xã Vĩnh Phú Đông cùng gần 300 hộ dân đồng bào Khmer trên địa bàn ấp. Và không thể không nhắc đến vai trò của những người con luôn hết lòng vì quê hương, phum sóc mà Hòa thượng Lý Sa Mouth chính là một điển hình tiêu biểu