Việc hình sự hóa hành vi tham nhũng trong khu vực tư đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC).
Luật chưa tương thích với Công ước
Theo Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành, những người có chức vụ, quyền hạn như giám đốc, phó giám đốc, kế toán, thủ quỹ, thủ kho… làm việc trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, các công ty liên doanh có vốn nhà nước tham gia, công ty cổ phần, hợp tác xã… không phải là chủ thể của các tội tham nhũng.
Tuy nhiên, trên thực tế đã xuất hiện nhiều trường hợp một số cá nhân, vì lợi ích của cơ quan, tổ chức hoặc địa phương mình, đã thực hiện hành vi đưa hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn làm việc ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh để giành những ưu thế nhất định. Do không có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với các đối tượng này về hành vi nhận hay đưa hối lộ, nên đã dẫn tới một số trường hợp xử lý không công bằng.
Tương tự như vậy, đối với hành vi chiếm đoạt tài sản do mình đang quản lý, chính sách xử lý theo BLHS hiện hành là khác nhau, thậm chí không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nếu hành vi thực hiện bởi cán bộ, công chức hay người có chức vụ, quyền hạn làm việc ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Xét xử đại án tham nhũng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB)
Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) yêu cầu các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam (trở thành thành viên chính thức của Công ước từ ngày 30/6/2009), phải áp dụng các biện pháp chống tham nhũng trong cả khu vực công và khu vực tư. Tuy nhiên, BLHS hiện hành quy định về tội phạm tham nhũng vẫn còn một số điểm chưa tương thích với các quy định trong UNCAC, đặc biệt là việc xác định tính chất pháp lý của hành vi đưa hối lộ và môi giới hối lộ; quy định về chủ thể của tội phạm tham nhũng.
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần hình sự hóa hành vi tham nhũng trong khu vực tư để đạt được những mục tiêu cơ bản như: Đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 về việc “Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật” (Khoản 2, Điều 51). Đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở Việt Nam về việc xử lý hành vi tham nhũng đối với tài sản của doanh nghiệp có phần vốn góp của nhà nước, trong đó có sự đan xen về sở hữu mà trong nhiều trường hợp không thể tách biệt giữa tài sản, phần vốn góp của nhà nước với tài sản, phần vốn góp của tư nhân. Chuẩn hóa các tội danh trong BLHS để đạt được tính thống nhất, minh bạch, thực tế và phù hợp với xu hướng chung trên thế giới; đồng thời xử lý một cách toàn diện và triệt để các hành vi tham nhũng trong khu vực tư, bảo đảm sự nhất quán trong chính sách và hài hòa giữa pháp luật hình sự với thực tiễn thi hành.
Xác định chủ thể của tội phạm tham nhũng
Về chủ thể của tội phạm tham nhũng, BLHS hiện hành xác định là các cán bộ, công chức nhà nước hoặc những người được giao thực hiện công vụ, trong khi UNCAC xác định chủ thể của tội phạm tham nhũng gồm: công chức quốc gia, công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công; người điều hành hay làm việc, ở bất kỳ cương vị nào, cho tổ chức thuộc khu vực tư.
Dự thảo BLHS (sửa đổi) đã có những sửa đổi để phù hợp với Công ước thể hiện qua việc bổ sung khái niệm các tội phạm tham nhũng và thay thế cụm từ “công vụ” bằng cụm từ “nhiệm vụ” trong phần khái niệm tội phạm về chức vụ tại Chương XXIII của dự thảo. Khái niệm về tội phạm tham nhũng được bổ sung vào dự thảo theo hướng có nội hàm rộng bao gồm cả các tội phạm tham nhũng trong khu vực tư “Các tội phạm tham nhũng là những hành vi phạm tội do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện nhiệm vụ vì mục đích vụ lợi”.
Đồng thời, dự thảo BLHS (sửa đổi) cũng giải thích thuật ngữ “người có chức vụ” theo hướng không chỉ gắn với việc bầu, bổ nhiệm, còn gắn với vị trí công tác của chủ thể: “Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiệnnhiệm vụ”.
Bên cạnh việc xác định đúng chủ thể của tội phạm tham nhũng trong BLHS, khái niệm cơ quan, tổ chức trong một luật quan trọng khác là Luật Phòng, chống tham nhũng cũng cần được sửa đổi theo hướng mở rộng hơn nữa phạm vi của các cơ quan, tổ chức để có thể bao gồm cả các cơ quan, tổ chức ở khu vực ngoài nhà nước, không sử dụng ngân sách, tài sản của nhà nước. Việc này nhằm đảm bảo tính nhất quán của các luật nội địa và sự đồng bộ trong quy trình tố tụng.
Việc không xem xét trách nhiệm pháp lý đối với hành vi tham nhũng trong khu vực tư không chỉ không tương thích với UNCAC mà còn bất cập với tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng việc mở rộng các tội phạm tham nhũng sang khu vực tư sẽ làm tăng số lượng tội phạm tham nhũng (cả khu vực công và khu vực tư), tạo nên sức ép cho các cơ quan, người có thẩm quyền trong đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Điều này có thể làm cho công tác đấu tranh không đạt hiệu quả như mong muốn.
Việc bổ sung các tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tư là cần thiết, tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, để có thể xử lý một cách thích đáng, phù hợp với bối cảnh nền kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam, các cơ quan lập pháp cho rằng chỉ nên giới hạn theo khuyến nghị của Công ước, bao gồm hối lộ trong khu vực tư và biển thủ tài sản trong khu vực tư. Do đó, hiện nay, dự thảo BLHS (sửa đổi) chỉ mới giới hạn các tội phạm về chức vụ trong khu vực tư với bốn tội danh bao gồm: Tội Tham ô tài sản và tội Nhận hối lộ (Điều 366 và Điều 367 trong phần các tội phạm tham nhũng), tội Đưa hối lộ và tội Môi giới hối lộ (Điều 377 và Điều 378 trong phần các tội phạm khác về chức vụ).