Trước sức ép dư luận về sự bất lực của huyện Sóc Sơn trong việc ngăn chặn, xử lý các công trình xâm phạm quy hoạch rừng phòng hộ, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng và trật tự xây dựng tại xã Minh Phú, Minh Trí.
Rũ bỏ Quy hoạch, tiếp tay cho vi phạm
Rừng phòng hộ có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống do đó pháp luật đã ban hành những quy định để bảo vệ rừng. Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý rừng phòng được quy định tại Quyết định 17/2015/QĐ-TTg ngày 09/06/2015 và được quy định rõ về các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp tại Luật Lâm nghiệp.
Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường góp phần điều hòa khí hậu, chống ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan ở khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, kết hợp phục vụ du lịch, nghỉ ngơi. Diện tích rừng phòng hộ bảo vệ môi trường gồm diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch theo quy định của Nhà nước nhằm mục đích chủ yếu là bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên vấn đề ở đây là việc đơn vị trực tiếp quản lý, giám sát bảo vệ rừng phòng hộ được quy hoạch lại cố tình quên đi mục đích chủ yếu của việc quy hoạch rừng phòng hộ “là bảo vệ và phát triển rừng” để ngang nhiên bao che, bảo vệ, tiếp tay cho hành vi san núi, gạt đồi, lấp hồ xây biệt thự, phá nát quy hoạch rừng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt.
Một công trình kiên cố nằm giữa hồ Đồng Đò đang được gấp rút hoàn thiện bất chấp các văn bản chỉ đạo của huyện Sóc Sơn
Trao đổi với cơ quan báo chí, ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho rằng, tình trạng xây dựng ở Minh Tân không sai. Cho dù trước đó, UBND huyện Sóc Sơn đã có hàng loạt văn bản chỉ đạo yêu cầu ông Nhuận đình chỉ thi công công trình vi phạm và xử lý theo đúng quy định.
Tổ hợp công trình nguy nga tráng lệ Hoàng Lê Gia Garden được cho là của NTK áo dài L.H ngang nhiên xây dựng trên diện tích đất rộng hàng chục nghìn m2 quy hoạch rừng phòng hộ.
Đối với tổ hợp công trình Hoàng Lê Gia Garden, ông Nhuận khẳng định đó là công trình của NTK áo dài L.H. Tổ hợp này được hình thành khi NTK L.H và người nhà tách ra mua gom của 6-7 hộ dân. Tổng diện tích của Hoàng Lê Gia Garden lên tới mấy chục nghìn m2, có hộ chuyển nhượng diện tích gần 10.000m2.
Khi được phóng viên (PV) đề nghị cung cấp các hợp đồng chuyển nhượng của tổ hợp công trình Hoàng Lê Gia Garden, ông Nhuận đã cung cấp cho PV một hợp đồng chuyển nhượng nằm trong Hoàng Lê Gia Garden của NTK L.H. Vị Chủ tịch này cũng không quên nhấn mạnh: “Theo quy hoạch của Thành phố thì toàn bộ thôn Minh Tân nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ”.
Theo đó, Hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đất và chuyển giao tài sản trên đất được ký giữa bên chuyển nhượng là ông Nguyễn Quang Trì và bà Đinh Thị Hán - bên A (thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn) với bên nhận chuyển nhượng là ông Nguyễn Văn Nhi - bên B (thôn Đại Thượng, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) thì bên A đã chuyển nhượng cho bên B thửa đất có diện tích là 3721m2.
Ngày 16/5/2017, ông Dương Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Trí đã chứng thực, xác nhận là “không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái với đạo đức xã hội”. Sau đó, ông Vượng còn tiến hành chứng thực, xác nhận vào hồ sơ kỹ thuật thửa đất và “Đơn xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở và vườn liền kề” giữa bên bán là ông Nguyễn Quang Trì và bà Đinh Thị Hán với bên mua là ông Nguyễn Văn Nhi.
Trong quá trình Công ty Cổ phần đo đạc địa chính và phát triển nhà Đất Việt tiến hành đo đạc lập hồ sơ thửa đất, còn có sự chứng kiến của Trưởng thôn Minh Tân, cán bộ địa chính xã Minh Trí đề xuất với UBND xã Minh Trí xem xét giải quyết việc mua bán, chuyển nhượng trái phép này.
Trước đó, Báo Công lý có loạt bài phản ánh về tình trạng hàng loạt công trình xây dựng quy mô lớn xâm phạm quy hoạch rừng phòng hộ bảo vệ môi trường tại huyện Sóc Sơn. Các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ diễn ra ồ ạt và có xác nhận của chính quyền địa phương dẫn tới việc xây dựng tràn lan nhưng không được xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Ngay sau khi Báo Công lý có bài viết phản ánh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo Sở TNMT chủ trì cùng UBND huyện Sóc Sơn kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí (Sóc Sơn – Hà Nội). UBKT Thành ủy cũng trực tiếp chỉ đạo Huyện ủy Sóc Sơn thành lập Đoàn kiểm tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm của Thường vụ Đảng ủy xã, lãnh đạo UBND xã Minh Trí, phòng TNMT, đội thanh tra xây dựng.
Hàng loạt công trình xây dựng quy mô lớn tiếp tục xâm phạm quy hoạch rừng phòng hộ sau khi cơ quan báo chí phản ánh.
Ngày 28/5/2018, UBND huyện Sóc Sơn có văn bản số 961/UBND-TNMT về việc xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất của các hộ dân tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí.
Theo đó, toàn bộ 25/25 trường hợp nhận chuyển nhượng QSDĐ đã xây dựng công trình trên đất. Các trường hợp chuyển nhượng QSDĐ này đều được UBND xã Minh Trí ký chứng thực, xác nhận chuyển nhượng QSDĐ. Việc chuyển nhượng QSDĐ của toàn bộ 25 hộ dân tại thôn Minh Tân nêu trên là không đúng quy định tại Điều 30 Luật Đất đai năm 1993, Nghị định 84/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ và Điều 188, 191 và 192 Luật Đất đai năm 2013.
Để xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân trong việc mua bán, chuyển nhượng QSDĐ, việc ký chứng thực và xác nhận chuyển nhượng QSDĐ cho các hộ dân tại thôn Minh Tân, UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo: “Đội Thanh tra xây dựng huyện chỉ đạo tổ thanh tra xây dựng đặt tại địa bàn xã Minh Trí lập biên bản kiểm tra hoạt động xây dựng tại thôn Minh Tân, yêu cầu chủ đầu tư dừng hoạt động xây dựng. Giao UBND xã Minh Trí có biện pháp kiên quyết, không để phát sinh khối lượng và công trình xây dựng mới trên đất nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ bảo vệ môi trường tại thôn Minh Tân.”
Tuy nhiên, bất chấp các văn bản chỉ đạo của UBKT Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố, các quyết định thanh tra, kiểm tra của huyện Sóc Sơn các công trình tại đại công trường Hoàng Lê Gia Garden và hàng loạt các công trình khác vẫn tiếp tục được xây dựng. Các văn bản chỉ đạo xử lý, ngăn chăn vi phạm đặc biệt nghiêm trọng trên của huyện Sóc Sơn dường như chỉ thể hiện sức nặng trên giấy.
Theo bản đồ quy hoạch Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường được TP Hà Nội phê duyệt, toàn bộ thôn Minh Tân nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ.
Thành phố chỉ đạo Thanh tra toàn diện
Trước sự bức xúc của dư luận cùng những phản ánh quyết liệt của các cơ quan báo chí, ngày 10/10/2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản số 4893/UBND-ĐT giao Thanh tra Thành phố tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng và trật tự xây dựng tại xã Minh Trí và xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn.
Nội dung công văn của UBND TP Hà Nội nêu rõ: “Những vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại quy hoạch đất rừng phòng hộ nêu trên đã được Thanh tra Chính phủ (Kết luận số 754/TTCP ngày 17.4.2006), Thanh tra thành phố (Kết luận số 301/BC -TTCP-P3 ngày 12.4.2005) kết luận và kiến nghị xử lý, UBND thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý sau thanh tra. Tuy nhiên, việc xử lý, khắc phục của UBND huyện Sóc Sơn, các sở, ngành rất chậm, chưa triệt để và tiếp tục để xảy ra các vi phạm.
UBND Thành phố giao Thanh tra thành phố tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, tại xã Minh Trí và xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn.
Các Sở NN&PTNT, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, UBND huyện Sóc Sơn, Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra thành phố để thực hiện.
Trong thời gian thanh tra, yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn, UBND xã Minh Trí, Minh Phú có biện pháp ngăn chặn, đình chỉ tuyệt đối các công trình đang thi công có vi phạm, không để xảy ra vi phạm đất đai tại Sóc Sơn phát sinh".
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Các công trình xây dựng trái phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở. Hành vi xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính; Buộc phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm. Trường hợp có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 343 Bộ Luật Hình sự, người thực hiện hành vi xây dựng trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. |