Văn hóa - Du lịch

Hải Phòng: Hơn 150 đô vật tranh tài tại Lễ hội vật làng Vĩnh Khê

Văn Công 16/02/2024 - 19:53

Sáng 16/2 (tức mùng 7 tết Nguyên đán Giáp Thìn), Lễ hội vật truyền thống làng Vĩnh Khê - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được khai mạc tại đình Vĩnh Khê, xã An Đồng, huyện An Dương, TP. Hải Phòng.

Theo người trong làng kể lại, Lễ hội vật truyền thống làng Vĩnh Khê bắt nguồn từ việc rèn luyện quân sĩ tinh thông võ thuật để giữ gìn, bảo vệ đất nước của hai vị tướng Vũ Giao và Vũ Sào (Vũ Trọng), thời nhà Trần, thế kỷ thứ XIV. Không chỉ có công đánh giặc, giữ nước, hai vị tướng tài còn có công giúp đỡ dân nghèo, xây dựng làng Vĩnh Khê trở thành vùng quê thái bình, hạnh phúc.

le-hoi-vat-lang-vinh-khe-1.jpg
Ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng cùng lãnh đạo huyện An Dương và đại diện Ban tổ chức lễ hội dâng hương tại đình Vĩnh Khê.

Đến thế kỷ XVI, dưới thời nhà Mạc, danh tướng Phạm Tử Nghi có lần đi qua làng Vĩnh Khê gặp lúc mở hội vật, ngài tham gia thi đấu so tài và giành được giải cao trước sự kính phục của mọi người.

Sau này, để khắc ghi, tưởng nhớ công lao của ba danh tướng Vũ Giao, Vũ Sào và Phạm Tử Nghi, dân làng Vĩnh Khê đã xây dựng đình, lập bài vị, tôn thờ các ngài là Thành hoàng làng.

le-hoi-vat-lang-vinh-khe-2.jpg
Các đoàn, vận động viên tham dự lễ hội.

Hằng năm, Lễ hội vật làng Vĩnh Khê được tổ chức trong 2-3 ngày đầu Xuân vào đúng dịp ngày sinh của nhị vị Thành hoàng làng là Vũ Giao và Vũ Sào. Dân làng cũng lấy ngày mùng 7 tháng Giêng (Âm lịch) là ngày chính hội và được duy trì thành thông lệ, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Từ đó đến nay, Lễ hội vật truyền thống làng Vĩnh Khê đã trải qua được gần 700 năm.

Lễ hội năm nay thu hút gần 150 vận động viên thuộc 10 đội đến từ các câu lạc bộ, các trung tâm thể dục thể thao thuộc thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Ninh Bình và các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Lễ hội cũng thu hút hàng nghìn người dân địa phương và du khách thập phương về tham dự, cổ vũ.

Sau các phần nghi lễ truyền thống theo phong tục của làng, hai vị cao niên trong làng, khăn áo chỉnh tề ra làm lễ giao điệp và đấu vật tượng trưng trong đình; sau đó đến phần thi đấu giữa các đô vật trên khán đài được dựng ở sân đình.

le-hoi-vat-lang-vinh-khe-3.jpg
Hai vị cao niên trong làng thực hiện nghi thức vật giao điệp.

Nét độc đáo, riêng biệt của Lễ hội vật truyền thống làng Vĩnh Khê nằm ở thể lệ thi đấu, không theo bất cứ một quy chuẩn sẵn có nào mà hoàn toàn theo lệ làng quy định. Các đô vật thi đấu với nhau không tính thời gian, không tính điểm, người được coi là thắng tuyệt đối khi hạ đối thủ trong tư thế 2 vai và 1 bên mông hoặc 2 mông và 1 vai chạm thảm trong thời gian 2 giây.

Về cơ cấu giải thưởng, ông Vũ Lập, đại diện Ban tổ chức cho biết, giải thưởng trao cho các đô vật đến từ các tỉnh, thành gồm: 1 giải nhất 20 triệu đồng, 1 giải nhì 15 triệu đồng, 4 giải ba mỗi giải 5 triệu đồng. Cùng với đó, giải thưởng các đô vật đến từ quận, huyện trong thành phố gồm: 1 giải nhất 20 triệu đồng, 1 giải nhì 10 triệu đồng, 2 giải ba mỗi giải 5 triệu đồng.

Trước, trong và sau dịp diễn ra Lễ hội vật làng Vĩnh Khê, tại đây còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: chọi gà, kéo co, cờ tướng và các hoạt động văn hóa, văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân, mừng năm mới. Đây được xem là nét đẹp truyền thống thể hiện cho tinh thần thượng võ của người dân địa phương. Cũng từ lễ hội này, tại làng Vĩnh Khê đã cung cấp nhiều đô vật giỏi, có thứ hạng cao trong phong trào thể dục thể thao của huyện và thành phố.

Lễ hội là nơi hội tụ tinh thần, giáo dục thế hệ sau về truyền thống yêu nước và niềm tự hào của dân tộc, hướng con người đến chân - thiện - mỹ, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho cộng đồng.

le-hoi-vat-lang-vinh-khe-4.jpg
le-hoi-vat-lang-vinh-khe-5.jpg
Đông đảo người dân và du khách đến tham gia, cổ vũ lễ hội.

Với những nét đặc sắc văn hóa và giá trị của lễ hội, năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chứng nhận Lễ hội vật làng Vĩnh Khê là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cùng với đó, đình Vĩnh khê đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa năm 1994; cây đa trong khuôn viên đình Vĩnh Khê được công nhận là Cây di sản vào năm 2021 với tuổi đời hơn 130 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng: Hơn 150 đô vật tranh tài tại Lễ hội vật làng Vĩnh Khê