Vấn đề quan tâm

Hà Tĩnh: Ngổn ngang sau khi đóng cửa mỏ

Quang Anh 15/04/2024 06:06

Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành thanh, kiểm tra toàn diện hoạt động của các mỏ khoáng sản trên địa bàn. Đã có nhiều mỏ khoáng sản bị đóng cửa, thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản trước thời hạn. Tuy nhiên, câu chuyện hậu đóng cửa mỏ đang đặt ra nhiều vấn đề khiến dư luận quan tâm.

Hàng loạt mỏ khoáng sản vi phạm, bị buộc đóng cửa

Thống kê cho thấy, tính đến tháng 9/2023, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 67 mỏ khoáng sản đang hoạt động bao gồm 38 mỏ đá; 21 mỏ đất và 8 mỏ cát. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản của các đơn vị khai thác.

ngon_ngang_sau_khi_dong_cua_mo_2.jpg
Việc mỏ khoáng sản khai thác xong không hoàn thổ để lại nhiều hệ luỵ nguy hiểm.

Kết quả, một số đơn vị vẫn còn có các tồn tại như: chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính trong khai thác khoáng sản; khai thác vượt công suất; khai thác ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác; chưa lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; sử dụng khoáng sản đi kèm khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước cho phép; chưa hoàn thiện hồ sơ…

Sau quá trình kiểm tra, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định thu hồi, chấm dứt hiệu lực Giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp VN1. Mỏ của công ty nằm trên địa bàn xã Vượng Lộc (huyện Can Lộc) và xã Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh).

ngon_ngang_sau_khi_dong_cua_mo_3.jpg
Chính quyền đã yêu cầu doanh nghiệp thực hiện việc hoàn thổ nhưng không thấy thực hiện.

Trong quá trình hoạt động, mỏ đá của công ty này đã có nhiều vi phạm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân trên địa bàn. Công ty đã bị xử phạt bằng tiền và buộc cải tạo, phục hồi môi trường.

Tiếp đó là mỏ đá Nam Giới ở huyện Thạch Hà bị đóng cửa do vi phạm quy định về khai thác khoáng sản. Mỏ đá Cường Trường ở huyện Can Lộc bị thu hồi giấy phép bởi không đảm bảo điều kiện hoạt động, chậm nộp tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường.

Trước đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành quyết định đóng cửa 6 mỏ khoáng sản tại các địa phương gồm các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Cẩm Xuyên. Các đơn vị chủ mỏ đều buộc phải tiến hành phục hồi môi trường khu vực đã khai thác.

Nhiều doanh nghiệp vi phạm việc hoàn thổ

Nếu điểm danh cả những mỏ khoáng sản do hoạt động không hiệu quả, tự phải đóng cửa thì đến đầu năm 2024, Hà Tĩnh đã có hàng chục mỏ ngừng hoạt động. Theo quy định, sau khi kết thúc khai thác, doanh nghiệp phải tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường, đưa khu vực mỏ trở lại trạng thái an toàn. Vấn đề hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác là nội dung bắt buộc khi xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án khai thác khoáng sản.

ngon_ngang_sau_khi_dong_cua_mo_1.jpg
Buộc cải tạo, phục hồi môi trường đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp VN1.

Tuy nhiên, quá trình này hiện diễn ra nhiều bất cập, sau khi khai thác hết tài nguyên, nhiều doanh nghiệp không tiến hành hoàn thổ theo quy định, bỏ lại hiện trường là đồi núi nham nhở, “hố bom” sâu hoắm.

Năm 2012, doanh nghiệp khai thác mỏ đá núi Móc (huyện Thạch Hà) phá sản, mỏ đá dừng hoạt động, bỏ hoang và việc doanh nghiệp bỏ đi, mỏ khai thác xong không hoàn thổ trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi đây.

Một người dân sống tại khu vực này (mỏ núi Móc – PV) cho biết, mùa nắng thì khô cằn, mùa mưa thì đá lở rơi xuống đường. Sau khi khai thác, đây hầu như là vùng đất chết, cây cối, hoa màu không thể sống nổi.

Tương tự, tại Khu vực mỏ đá Nam Giới (huyện Thạch Hà), sau khi vét sạch khoáng sản, địa phương nhận lại là những khối đá lớn nằm chỏng chơ, hồ nước sâu, mỏm đá hàm ếch có thể gây nguy hiểm cho người dân bất cứ lúc nào.

Thậm chí, tại xã Ngọc Sơn (huyện Thạch Hà) mỏ đất do công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Vinaco khai thác đã dừng hoạt động từ năm 2020, nhưng đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thành việc hoàn thổ. Hiện trường vẫn là những mỏm đá cao, hố sâu, đất đá ngổn ngang.

ngon_ngang_sau_khi_dong_cua_mo_4.jpg
Hiện trường để lại là những mỏm đá chót vót, trơ trọi và hồ nước sâu hàng chục mét.

Theo Nghị định 68, thông tư 126 liên Bộ Tài chính, Bộ TN&MT, Công nghiệp thì để giải quyết những hậu quả về môi trường sau khai thác, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng phải ký quỹ Phục hồi môi trường tuỳ theo mức độ, diện tích và trữ lượng mỏ.

Khi doanh nghiệp khai thác ký quỹ, Nhà nước giữ khoản tiền đó, sau khi khai thác xong, doanh nghiệp bồi hoàn hiện trạng đúng như cam kết mới được rút tiền ra. Trường hợp doanh nghiệp không làm, Nhà nước dùng quỹ đó để thuê người làm.

Vậy nhiều doanh nghiệp đã dừng khai thác nhưng vẫn không thực hiện việc hoàn thổ hoặc thực hiện chưa nghiêm túc nguyên nhân do đâu? Phải chăng do số tiền ký quỹ Phục hồi môi trường hoặc không đáng kể so với chi phí hoàn thổ hoặc đã được sử dụng không đúng mục đích?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: Ngổn ngang sau đóng cửa mỏ