Vấn đề quan tâm

Thành lập Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội

Nguyễn Cúc 08/07/2025 - 08:49

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 197/2025/NĐ-CP ngày 7/7/2025 quy định trình tự, thủ tục thành lập, chế độ làm việc, trách nhiệm, kinh phí hoạt động và bộ máy giúp việc của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội (BHXH).

Theo đó, Hội đồng quản lý BHXH (sau đây được viết là Hội đồng quản lý) được tổ chức ở cấp quốc gia, có trách nhiệm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giám sát hoạt động của cơ quan BHXH và tư vấn chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Nhiệm vụ, quyền hạn

Theo Nghị định, Hội đồng quản lý có nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm sau đây:

Thông qua các nội dung chiến lược phát triển ngành BHXH, kế hoạch dài hạn, 05 năm về thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, chiến lược đầu tư dài hạn trước khi cơ quan BHXH trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Kế hoạch hằng năm về thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Thông qua các báo cáo hằng năm về việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tình hình quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế trước khi cơ quan BHXH trình cấp có thẩm quyền.

thang-17422225234522030868929.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản lý BHXH

Dự toán hằng năm về thu, chi các quỹ BHXH, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế; mức chi tổ chức và hoạt động BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; báo cáo quyết toán về chi tổ chức và hoạt động BHXH trước khi cơ quan BHXH trình cơ quan có thẩm quyền. Đề án, phương án bảo toàn và tăng trưởng các quỹ BHXH, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế.

Theo Nghị định, Hội đồng quản lý cũng quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về danh mục đầu tư, cơ cấu đầu tư và phương thức đầu tư cụ thể của các quỹ BHXH, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế trên cơ sở đề nghị của cơ quan BHXH; Giám sát, kiểm tra việc thực hiện của cơ quan BHXH về các chiến lược, kế hoạch, đề án sau khi được phê duyệt; Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, chiến lược phát triển BHXH, kiện toàn hệ thống tổ chức cơ quan BHXH, cơ chế quản lý và sử dụng quỹ BHXH, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế.

Hằng năm, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả hoạt động, tình hình thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật BHXH và Nghị định này; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Trình tự, thủ tục thành lập Hội đồng quản lý

Nghị định quy định, Hội đồng quản lý do Chính phủ thành lập, gồm Chủ tịch là Bộ trưởng Bộ Tài chính; 01 Phó Chủ tịch chuyên trách và các ủy viên.

Các ủy viên Hội đồng quản lý bao gồm: Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Thứ trưởng Bộ Y tế; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thứ trưởng Bộ Công an; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam; Giám đốc BHXH Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch chuyên trách và các ủy viên của Hội đồng quản lý theo đề nghị của Bộ Nội vụ; nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý là 05 năm.

Chế độ làm việc của Hội đồng quản lý

Nghị định nêu rõ, Hội đồng quản lý làm việc theo chế độ tập thể; họp thường kỳ 03 tháng một lần để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm. Đối với một số vấn đề không nhất thiết phải thảo luận tại cuộc họp thì Chủ tịch Hội đồng quản lý quyết định việc lấy ý kiến bằng văn bản từng thành viên Hội đồng quản lý.

Hội đồng quản lý có thể họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách khi Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý hoặc trên 50% tổng số thành viên Hội đồng quản lý đề nghị.

Chủ tịch Hội đồng quản lý hoặc Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền có trách nhiệm triệu tập và chủ trì cuộc họp của Hội đồng quản lý, chỉ đạo việc chuẩn bị nội dung và tài liệu phục vụ cuộc họp. Nội dung và các tài liệu cuộc họp phải được gửi đến các thành viên Hội đồng quản lý trước ngày họp ít nhất 05 ngày làm việc.

Các thành viên Hội đồng quản lý là đại diện của các bộ, ngành, cơ quan được hưởng chế độ thù lao và được sử dụng cán bộ, công chức, viên chức của bộ, ngành, cơ quan mình để tham mưu giúp việc.

Chủ tịch Hội đồng quản lý có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng, báo cáo Hội đồng quản lý ra Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng quản lý, Quy chế quy định cơ chế phối hợp công tác giữa Hội đồng quản lý với các cơ quan, tổ chức có liên quan và các quy chế khác phù hợp với quy định pháp luật; quy chế tổ chức và hoạt động của Văn phòng Hội đồng quản lý trên cơ sở ý kiến thống nhất thông qua của Hội đồng quản lý.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ 7/7/2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành lập Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội