Năm 26 tuổi, ông đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án Tiến sĩ Luật khoa về đề tài Liên Xô ngay giữa Paris. Từ trí thức thượng lưu, ông tham gia cách mạng và giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Nam bộ. Ông ra Bắc giữ cương vị Chánh án TANDTC từ khi thành lập đến khi ông nghỉ hưu.
Ông là một trong những tác giả của Hiến pháp 1946, 1959, 1980. Ông còn là Chủ tịch Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ quốc tế, Ủy viên Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam... Con người có những thành tích và cống hiến đặc biệt xuất sắc đó là TS Phạm Văn Bạch (1910-1986).
TS Phạm Văn Bạch với bạn bè quốc tế (chụp lại từ tư liệu gia đình)
Trí thức lỗi lạc
Cậu ấm Phạm Văn Bạch, sinh ngày 18-6-1910, tại làng Khánh Lộc, nay là xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, trong một gia tộc lớn. Ông được gia đình cho vào học trường Trung học Mỹ Tho rất sang trọng. Do sớm có tư tưởng dân chủ và tinh thần yêu nước, Phạm Văn Bạch là một trong những học sinh cầm đầu vụ bãi khóa để tang cụ Phan Châu Trinh, nên bị đuổi học.
Năm 18 tuổi, ông được đi du học tại Lyon, Pháp. Với trí thông minh và lòng say mê, được học tập trong một môi trường sư phạm tuyệt vời nên Phạm Văn Bạch sớm trở thành một trong những sinh viên xuất sắc nhất của nhà trường.
Cũng trong thời gian học tập tại đây ông đã bí mật tham gia sinh hoạt trong Đoàn thanh niên cộng sản Pháp. Trong những năm tháng hoạt động sôi nổi đó, ông đã có một tình bạn đặc biệt với cô Lucelte Charnioux - Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Pháp tỉnh Rhone. Ông cũng thường đứng trước Tòa bào chữa miễn phí cho những người từ các nước thuộc địa hoạt động chính trị bị bắt, nên Phạm Văn Bạch bị chính quyền thuộc địa cắt học bổng.
Mặc dù vậy, năm 22 tuổi, Phạm Văn Bạch đỗ Cử nhân Luật và Cử nhân Triết học. Năm 1936, ông đỗ Tiến sĩ Luật tại trường Đại học Lyon với luận án “Hiến pháp Xô Viết và thực tiễn Xô Viết - giải pháp đúng đắn cho vấn đề dân tộc và giai cấp”. Ngay giữa thành trì của chủ nghĩa thực dân, Phạm Văn Bạch đã chọn đề tài về Liên Xô để nghiên cứu như thế, khiến nhiều giáo sư rất khó chịu, khuyên ngăn nhưng ông không thay đổi quyết định của mình. Luận văn được đánh giá là xuất sắc, dù không ưa xu hướng chính trị của tác giả nhưng Hội đồng không thể không chấm hạng ưu. Báo chí Pháp hồi đó có nhiều bài viết đánh giá rất cao Tiến sĩ Luật khoa Phạm Văn Bạch trẻ tuổi.
Bản Luận án TS nổi tiếng có bút tích của Chánh án Phạm Văn Bạch
Sau khi giành tấm bằng Tiến sĩ Luật khoa hạng ưu, năm 1936, ông trở về nước nhưng mật thám Pháp không ngừng giám sát ông vì xu hướng chính trị. Ông kiếm sống bằng nghề dạy học ở Cần Thơ, Sài Gòn, Bến Tre, rồi Phnôm Pênh… và hoạt động bí mật.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì kết nạp Đảng
Qua bản luận án Tiến sĩ và sự giới thiệu của các những người cộng sản Pháp, Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam Kỳ rất chú ý đến Phạm Văn Bạch, một trí thức trẻ, tài hoa và có lý tưởng. Xứ ủy Nam Kỳ luôn quan tâm giữ mối liên hệ với Phạm Văn Bạch.
Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Trong hồi ký “Mùa thu nhớ mãi” ông viết: “Lúc bấy giờ tôi về lại Cần Thơ. Nơi đây tôi bắt liên lạc được với anh Nguyễn Văn Cái, sau đó làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Nhưng bọn Nhật trưng dụng tôi ra làm Chánh án ở đó. Tôi tham khảo ý kiến của tổ chức thì được khuyên nên nhận lời vì đảng bộ đã hiểu lập trường của tôi và vì ở vị thế đó sau này tôi có thể giúp anh em dễ dàng hơn”.
Ở Tp. Hồ Chí Minh, đường Phạm Văn Bạch là một trong những con đường huyết mạch, dài gần 10 km nối từ đường Trường Chinh, phường 15, quận Tân Bình tới đường Quang Trung, phường 12, quận Gò Vấp. |
Mùa thu năm 1945, ông là một trong những nhân vật chủ chốt được Tỉnh ủy giao lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền tại tỉnh Bến Tre. TS Phạm Văn Bạch được cử giữ chức Chủ tịch UBND lâm thời và sau đó là đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre.
Tháng 9-1945 ông Hoàng Quốc Việt, đại diện Trung ương Đảng cùng đại diện Xứ ủy Nam bộ mời ông lên Sài Gòn và giao trọng trách Chủ tịch UBND cách mạng Nam bộ, trên cơ sở quyết định nhất trí của Mặt trận Việt Minh.
Lúc bấy giờ tình hình chính trị, xã hội Nam bộ hết sức phức tạp và chia rẽ. Trong Hồi ký của mình ông viết: “Đảng phái của Nam bộ rất đông. Các đoàn thể cũng vậy. Ngay trong thanh niên, cạnh Đoàn thanh niên cờ đỏ sao vàng cũng có một Đoàn thanh niên khác, cờ vàng sao đỏ. Nam bộ cũng là nơi có nhiều dân tộc (Việt, Khơ me, Hoa kiều, thiểu số miền Đông…) và nhiều tôn giáo (Công giáo, Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Tịnh độ cư sĩ, Tứ ân Hiếu nghĩa…). Mỗi đạo giáo lại phân chia ra nhiều nhánh, như Cao Đài có đến 12 ngành, có ngành có quân đội riêng.
Được Đảng phân công, đồng thời đánh giá được những khó khăn trước mắt, tôi tâm nguyện sẽ dốc sức lo tròn nhiệm vụ.
Trước tình thế gian nan, nguy hiểm lúc ấy rất nhiều người khuyên ông nên từ chối tham gia cách mạng nhưng ông tâm niệm “Hạnh phúc biết bao nếu mình có thể đem mạng sống nhỏ nhoi đổi lấy được cái gì đó cho đồng bào, cho Tổ quốc!… Trong tình thế nước sôi lửa bỏng của mùa thu năm 1945, tôi đã học được điều ấy ở Đảng và ở số đông người dân Nam bộ”.
Khi đón những chiến sĩ bị địch bắt giam, đày đọa ở Côn Đảo về, TS Phạm Văn Bạch xuống Sóc Trăng chào mừng và nói chuyện với anh em, trong số đó có cả Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn và nhiều vị lão thành cách mạng.
Ngày 16-2-1946, theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, TS Phạm Văn Bạch dẫn đầu phái đoàn Nam bộ gồm 10 người, trong đó có Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Tạo, Ngô Tấn Nhơn, Nguyễn Văn Nguyễn, Ngô Thị Huệ… ra Hà Nội báo cáo tình hình miền Nam. Theo sự giới thiệu của Phạm Ngọc Thạch và Ngô Tấn Nhơn, Phạm Văn Bạch được kết nạp vào Đảng tại Hà Nội. Lễ kết nạp tổ chức ngày 29-6-1946 do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì.
Một đời vì công lý
Sau năm 1954, tập kết ra Bắc, TS Phạm Văn Bạch được cử làm Phó Trưởng ban miền Nam của Trung ương Đảng, rồi Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Phó Trưởng ban Quan hệ Bắc Nam.
“Hạnh phúc biết bao nếu mình có thể đem mạng sống nhỏ nhoi đổi lấy được cái gì đó cho đồng bào, cho Tổ quốc!…" |
Năm 1959, TS Phạm Văn Bạch được Quốc hội bầu làm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Ông liên tiếp được Quốc hội bầu giữ chức vụ này nhiều nhiệm kỳ, cho đến khi về hưu năm 1981. Phạm Văn Bạch là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI (từ 1946 đến 1981).
Với cương vị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao từ ngày đầu thành lập “vạn sự khởi đầu nan”, ông đã đặt những viên gạch đầu tiên, tạo nền móng vững chắc cho Tòa án nhân dân tối cao trưởng thành. Trong một bản tự nhận xét năm 1976, Chánh án Phạm Văn Bạch viết: “Đã luôn luôn hết sức cố gắng thực hiện tốt các nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cho với một tinh thần trách nhiệm cao… Thường xuyên làm việc khẩn trương, thận trọng và dân chủ với một tinh thần chí công vô tư, khách quan để bảo vệ chân lý, đồng thời có tinh thần thương yêu đồng chí, đồng bào, cán bộ và tôn trọng nhân phẩm trên cơ sở lập trường quan điểm của giai cấp vô sản”…
Từ năm 1966, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Theo cuốn “Nam Bộ - Những nhân vật một thời vang bóng” khi làm Chủ tịch Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở miền Nam, TS Phạm Văn Bạch đã lập Tòa án quốc tế lên án quân đội Mỹ tàn sát nhân dân Việt Nam. Đặc biệt nhờ uy tín của mình, ông đã thu hút được nhiều nhân vật tiếng tăm thế giới tham gia Tòa án này như nhà văn Jean Paul Sartre, nhà vật lý Albert Einstein, tác giả lý thuyết tương đối. Ông Einstein là người trọng công bằng, chủ trương hòa bình và được giải Hòa Bình Nobel năm 1921. Một nhân vật trí thức yêu chuộng công bằng và hòa bình như ông Einstein mà gia nhập Tòa án quốc tế lên án Mỹ, đó là thành công lớn trong cuộc đời của luật sư Phạm Văn Bạch. Điều đó cũng khẳng định uy tín của TS Phạm Văn Bạch đối với thế giới.
Là một nhà luật học uyên thâm, Phạm Văn Bạch đã có những đóng góp to lớn đối với việc hoàn chỉnh hệ thống pháp luật Việt Nam. Ông đã tham gia Ủy ban soạn thảo các Hiến pháp 1946, 1959 và 1980. TS Phạm Văn Bạch đã tham dự 17 Hội nghị quốc tế lớn ở khắp các châu lục để đấu tranh bảo vệ sự nghiệp cách mạng, bảo vệ nền dân chủ và nền luật học non trẻ của Việt Nam.
Từ năm 1955, TS Phạm Văn Bạch liên tục được bầu giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, ủy viên Ban pháp chế Trung ương Đảng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch MTTQ Việt Nam, Viện trưởng Viện Luật học, Phó Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ thế giới…
***
Suốt mấy chục năm trời, ông và gia đình gắn bó với Thủ đô Hà Nội. Căn biệt thự công vụ 68A phố Trần Hưng Đạo, đối diện ngõ Hà Hồi đã gắn bó với Chánh án Phạm Văn Bạch cho đến khi ông nghỉ hưu, trở về miền Nam quê hương ông.
Ông mất ngày 8-3-1986 tại Tp. Hồ Chí Minh. Để tưởng nhớ công lao của ông, Tp. Hồ Chí Minh đã lấy tên ông đặt cho một đại lộ lớn. Tp. Đà Nẵng và một số địa phương khác cũng có đường phố mang tên ông.
Hà Nội, nơi ông đã sống và làm việc nhiều năm, cũng cần có một đường phố mang tên Phạm Văn Bạch - một trí thức lỗi lạc, có nhiều cống hiến lớn lao cho nhân dân, cho đất nước.
Nguyễn Phan Khiêm