Giáo dục

H.L.U - Khung trời để nhớ, để học và để phấn đấu

Tuyết Nhung 24/10/2023 07:30

Đại học là giấc mơ lung linh huyền ảo của những người sinh ra khi đất nước còn trong thời kỳ bao cấp. Giấc mơ đó với sinh viên trường Pháp lý đầu tiên của Việt Nam vừa đẹp đẽ nhưng cũng mông lung, có đôi chút vô định. Vì các bạn học sư phạm thì ra làm thầy, cô giáo, học y để sau này thành bác sỹ, còn học Pháp lý thì sẽ làm gì? Tuy nhiên, vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ để giờ đây những ai đã, đang và sẽ là sinh viên trường Luật đều tự hào, kiêu hãnh về quyết định chưa bao giờ sai của mình.

hinh-anh-23-10-2023-luc-21.22.jpeg

Cái duyên đến với giảng đường của trường Đại học Pháp lý có muôn hình vạn trạng. Vui có, buồn có, là sự tính toán kỹ lưỡng có mà cũng không ít là việc ậm ừ cho qua và “miễn là được đi học”. Và cho dù bắt đầu như thế nào, sinh viên của trường Đại học Luật Hà Nội không bao giờ hối hận với con đường mình đã chọn.

Lời khẳng định đó và một phần những kí ức của những thế hệ trong suốt 40 năm bề dày lịch sử đã được viết lên trong cuốn “H.L.U và tôi”. Đây như một nơi để lưu giữ, truyền lại giá trị tốt đẹp nhất của các thế hệ. Để những người đi sau thấy rằng, lựa chọn luôn đúng khi nó vì những mục đích cao đẹp của con người và của cuộc đời.

hinh-anh-23-10-2023-luc-21.20.jpeg
Trường Đại học Pháp lý đầu tiên của Việt Nam ra đời trong giai đoạn đất nước đang kiến thiết sau chiến tranh. (Ảnh tư liệu)

Đam mê hay lựa chọn duy nhất

Đầu tiên sẽ là LS. TS Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam), người có hoàn cảnh cười ra nước mắt với tấm giấy báo đỗ vào khoa Pháp lý Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1977.

Là chàng trai được sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học, bố mẹ đều làm công chức Nhà nước, Phan Trung Hoài khao khát thi đỗ vào khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. “Đó cũng là mong ước của mẹ khi tôi có thành tích môn Văn xuất sắc. Tuy nhiên, ba lại muốn tôi thi vào trường Đại học Bách khoa. Ba viết thư đề nghị tôi thi lại vào khoa Điện tử trường Bách Khoa vì đó là một ngành học của tương lai và ông cũng sợ tôi khổ với nỗi vớ vẩn của nghề văn...

Nhưng số phận lại đưa tôi đến khoa Pháp lý của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi đã cầu cứu bố và được một “vũ khí” là lá thư xin chuyển khoa. Nhưng cũng không hiểu vì sao chúng cứ bịn rịn trong tủ đồ của tôi mãi mà không muốn đi. Cho đến khi dù không ra chiến trường, chúng tôi cũng cảm nhận thấy rõ sự khốc liệt của cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ. Trong thời điểm khắc nghiệt ấy, đã có lúc tôi được tiếp xúc với người thầy, người anh với những hoài bão mong muốn “giải cứu” đất nước như thầy Hoàng Phước Hiệp, thầy Hà Hùng Cường. Khi đó, các thầy còn trẻ, mới tốt nghiệp đại học Luật ở Liên Xô về. Hai thầy thường nói, đất nước sau chiến tranh, rất cần đội ngũ cán bộ có trình độ đại học luật để xây dựng Nhà nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Cũng từ lúc đó, ý nghĩ chuyển khoa trong tôi đã không còn nữa. Mà trong đầu lại chập chờn những môn của khoa học pháp lý. Rồi lại hình dung, không cần súng mà biết đâu những kiến thức mình học bây giờ sau này sẽ giúp ích cho đất nước.

Tôi cũng không ngờ, vì lựa chọn “chống cháy” vào thời điểm đó mà sau này nghề luật đã gắn bó với tôi trong suốt cuộc đời. Nó giờ như một phần không thể thiếu trong cuộc sống, sự nghiệp cống hiến vì đất nước."

Có những người đến với Luật như một cái duyên thì cũng có những người lại chủ đích và xác định được mục tiêu, lý tưởng của mình ngay từ đầu. Trường hợp của Luật sư. TS. Phạm Văn Hùng_ Nguyên Vụ trưởng – Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp – Văn phòng Quốc hội là một trong số đó.

“Tháng 6 năm 1984, rời quân ngũ về phục viên tại quê hương. Vì tôi là bộ đội đảng viên mới phục viên được tham gia cấp uỷ chi bộ nên được cử vào tổ thu sản, nghĩa là đến vụ thu hoạch phải kéo xe bò đến từng nhà thu lúa của những hộ chây ì không nộp sản phẩm. Ngày nào cũng mệt mỏi với công việc nhọc nhằn “phát canh thu tô”. Do vậy, ban ngày làm nhà nông ban đêm tôi đọc sách tự ôn thi và kết quả đỗ vào trường Đại học Pháp lý. Ngày nhập trường thật vui vì nghĩ rằng nhất định cuộc đời mình sẽ đổi thay, không phải làm cái công việc “thu sản” nữa."

hinh-anh-23-10-2023-luc-21.20(1).jpeg
Công tác đào tạo cán bộ pháp luật tại Việt Nam luôn được Đảng, lãnh đạo quan tâm (Ảnh tư liệu)

Chàng trai Văn Hùng ngày đó luôn nghĩ làm việc trong môi trường nhiều tranh cãi, mâu thuẫn nên tìm tới trường Đại học Pháp lý là một điều cần thiết. Bởi khi và chỉ khi mọi thứ được tiến hành theo luật pháp thì ở đó mới có công bằng, xã hội mới bớt khổ.

Khi đọc lại dòng lưu bút, ký sự của những cựu sinh viên Đại học Luật mới nhận thấy, dù đến với trường bằng câu chuyện gì đi nữa thì họ đã rất tự hào với quyết định đúng và trúng của mình.

Kể cả khi họ chưa biết mình sẽ học gì, ra trường sẽ làm gì với cái tên có phần mơ hồ Pháp lý - thứ vốn chẳng có gì thú vị. Ngay cả khi chưa biết mình là ai, chưa định liệu được cuộc đời mình về sau thế nào, con đường duy nhất là học, tồn tại và sống. Nhưng từ chia sẻ trải nghiệm thực tế, các thầy cô đã cung cấp những kiến thức quý giá để tự họ chuẩn bị hành trang của chính mình và cũng từ đó tình yêu với “tinh thần pháp luật”, “nhà nước pháp quyền” lớn lên lúc nào không hay.

hinh-anh-23-10-2023-luc-21.21.jpeg
Những ngày đầu thành lập, trường gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. (Ảnh tư liệu)

Rồi càng ngày càng nhận ra nghề Luật chứa đựng trong nó những điều bí ẩn không dễ đoán định. Chính bởi vậy, nó càng trở nên cuốn hút, hấp dẫn, giống như được khám phá một kỳ quan nào đó. Thường thì trí tưởng tượng của con người vượt xa thực tế, nhưng ở một thời điểm nào đó thực tế lại vượt xa trí tưởng tượng của con người.

Biến những điều không thể thành có thể

Sinh viên trường Luật luôn mang trong mình những nét riêng mà không sinh viên trường nào có được. Có sẵn trong mình chất văn thơ của sinh viên khối C, nhưng lại được cái lý lẽ, luận chứng, giả định trong Luật làm họ trở nên lý trí, sắc sảo. Chính vì thế mà những câu chuyện không thể thành có thể tại giảng đường, ký túc xá Đại học Luật diễn ra như “chuyện thường ở phố huyện.”

Chính vì vậy, câu chuyện về những kỳ nhân của cựu sinh viên K16E – TP16A Lê Chí Nam tại cuốn “H.L.U và tôi” đã nhận được nhiều đồng cảm và thu hút độc giả mạnh mẽ.

“Khoa tôi có một gã 'dị nhân' mang tên Tường loe. Dung mạo gã cũng được giai tuy có cái miệng hơi trễ một chút. Thế nên, bọn “khố bện” Thường Tín đặt luôn cho gã cái tên đó. Ngoài cái miệng hơi loe, gã còn có cái trán cao, trông vừa thông minh lại vừa bướng bỉnh, bất cần, ít nói nhưng thân thiện và hài hước.

Hồi mới vào trường phong trào học tập trong sinh viên rất cao, các tân sinh viên đua nhau học, vừa muốn khẳng định mình, vừa muốn giành học bổng. Trước và sau mỗi kỳ thi, mọi người đều hăng hái bình phẩm, đánh giá khả năng học tập, kết quả cũng như trình độ của “thằng nọ, con kia”. Ban đầu, trong con mắt của giới học gạo, Tường loe không phải là đối thủ. Gã vốn lười học, có khi cả tháng lên lớp được vài ba bận, còn lại thì ngày nắng cũng như ngày mưa, gã trùm chăn nằm trên gường. Nhưng khi thông báo kết quả học tập thì ai cũng “mắt tròn mắt dẹt” vì hắn đều được điểm giỏi.

sinh-vien-phat-bieu_page-0001.jpg
Nhiệm vụ đào tạo là biến trường Đại học Luật Hà Nội trở thành trung tâm nghiên cứu pháp lý, trung tâm đào tạo cán bộ pháp lý. (Ảnh trường Đại học Luật Hà Nội)

Dù giấu rất kỹ nhưng bí mật sự học của Tường loe dần dần cũng hé lộ. Hóa ra, không phải lúc nào Tường loe trùm chăn cũng là ngủ. Hắn nằm in và hóng tai nghe mấy con mọt sách thảo luận từng môn, từng câu hỏi, đáp án. Bao nhiêu lời hay ý đẹp gã nhớ hết. Gần đến ngày thi, đêm khi mọi người đã đi ngủ thì gã lẻn dậy, mượn quyển giáo trình của thằng tầng dưới và tua qua một lượt. Về sau, chúng tôi đều học tập theo phương pháp này của Tường loe. Trên lớp chúng tôi thảo luận rất nhiều, và nó mang lại hiệu quả rất tích cực trong kết quả học tập của cả khoá.”

Một cái đặc biệt nữa với sinh viên trường Luật là có thể làm thơ bất cứ đâu. Vì xuất phát đều ở khối C nên cái máu thơ văn đã rất nhiều, rất sẵn nên hễ có gì cũng thơ: vui thơ, buồn thơ, yêu thơ, ghét thơ rồi lấy cả kiến thức Luật ra để “gieo vần đảo nhịp”. Nổi bật trong những nhân vật như vậy có TS. Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội Khoá XIV, Phó Trưởng Ban Dân nguyện – Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Viết trong cuốn truyện tự sự, Tiến sĩ tự nhận: “Cái chất lãng mạn từ lâu ấy là thứ giúp tôi gieo vần cho đoạn đời đầy kỷ niệm đẹp đẽ. Khi gặp nhau trên giảng đường, chào nhìn nhau xã giao cũng là cái “cớ” để viết đôi dòng trêu chọc:

Người ta bảo hoa thơm
Sẽ cho chùm quả ngọt
Sao hoa chanh dịu mát
Quả mọng chua muôn đời
Và em, cô gái ơi
Sao vẫn cười đằm thắm
Mà trái tim thầm lặng
Không ngân lời yêu thương?

Và dĩ nhiên với những sự kiện bình thường cứ “xuất khẩu thành thơ’ thì không cứ gì với đặc sản của trường Luật mà họ lại bỏ qua được. Các món “đặc sản” của trường là “quy phạm” với ba thành phần” “giả định”, ‘quy định” và “chế tài” cũng được mang ra “nhào nặn” để làm bạn với yêu đương, đôi lứa. Vào một đêm heo may nhìn các bạn ngồi học bài bên ngọn đèn dầu trên bãi cát giữa mùa thi đang tới, một ý thơ bỗng hiện về trong đầu TS. Lưu Bình Nhưỡng:

“Giả định, là đã yêu
Quy định, tôi phải hát
Chế tài, em liền phạt
Vì tôi chẳng như lời.
Giả định, là không vui
Quy định, tôi ân hận
Chế tài, em nổi giận…
Và lặng lẽ quay đi…”

TS. Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội Khoá XIV, Phó Trưởng Ban Dân nguyện – Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Yêu thì dùng thơ để tán mà ghét cũng dùng lập luận, lý lẽ để khước từ thì đúng là chỉ có sinh viên trường Luật mới làm được điều đó. Giai thoại về Giáo sư (GS) Tô Hoài và mỹ nữ Xì-tin chắc hẳn vẫn còn rất nhiều cựu sinh viên Luật nhắc lại.

Tô Hoài là một nhà tư tưởng, nhà triết lý học tầm cỡ của giới Luật học K16 Thường Tín. Không chỉ giỏi về lý thuyết mà xét về nhân sinh, khả năng thực chiến thì Tô Hoài số 2 là không ai dám số 1. Cùng với thiên tài về thơ ca nên GS đã lọt vào mắt xanh rất nhiều cô gái. Bởi vậy, bên cạnh sự nghiệp khoa học đồ sộ, tuổi trẻ của GS Hoài còn là một thiên tình sử vô cùng phong phú, thơ mộng.

Giai thoại được nhiều người nhớ nhất chính là khi GS tìm cách từ chối tình cảm của nàng đệ nhất Xì – tin của khóa sau một thời gian tìm hiểu. Thấy GS có vẻ tạo khoảng cách thì nàng Xì-tin bắt đầu tấn công:

“Anh Hoài này, em nghĩ chúng mình kết hợp với nhau thì sẽ thành cặp đôi lý tưởng đấy nhỉ!

Giáo sư hỏi lại:

“Thật sao? Dựa trên các tiên đề nào mà em đưa ra được kết luận như vậy, Em có thể tỷ dụ cụ thể được không?

Nàng khẽ nhíu mày vì có lẽ không hiểu lắm về các khái niệm chuyên ngành của GS, nhưng chợt mắt nàng sáng lên, như đã tìm ra lý lẽ thuyết phục:

“Chẳng hạn, khi chúng mình sinh ra những đứa con, chúng sẽ rất hoàn hảo, vì chúng sẽ kế thừa ngoại hình của em và trí tuệ của anh!”

Nghe đến đây, vị GS trẻ tuổi có vẻ đăm chiêu. Dường như chàng đang tập trung vận dụng tối đa các nơ ron thần kinh để phân tích các quy luật logic, lắp ghép các phạm trù, sắp xếp các tiên đề lại với nhau để cho ra các kết quả có thể xảy ra. Bỗng GS vỗ trán cái đốp, lắc đầu, buồn bã”

“Thế em không nghĩ đến trường hợp xấu phát sinh là chúng có thể kế thừa ngoại hình của anh và trí tuệ của em sao?’’

Và thế rồi mối tình cũng chẳng ai cần hiểu vì sao mà kết thúc. Nhưng giai thoại về GS Hoài vẫn được các đàn em nhắc đến, khai thác và học hỏi rất nhiều.

hinh-anh-23-10-2023-luc-21.34.jpeg
Tập thể cán bộ, giảng viên đã không ngừng phấn đấu đưa trường dẫn đầu đất nước về đào tạo nguồn nhân lực pháp luật. (Ảnh tư liệu)

Từ chia sẻ của các cựu sinh viên trường Luật thì những kiến thức được học đã giúp họ từng bước điều chỉnh bản thân về mức cân bằng hợp lý. Với những sinh viên thích bay bổng, yêu văn thơ thì đôi khi họ dễ như một chiếc lá bay vô định trong không trung. Nhưng khi đã học Luật, họ lại như những cánh diều, vẫn vẫy vùng cùng nắng gió, nhưng luôn có một sợi dây neo giữ lại với mặt đất. Nếu thiếu sợi dây, họ sẽ mất thăng bằng, thậm chí có thể ngã bổ chửng xuống đất bất cứ lúc nào.

Cứ như vậy, từng lứa sinh viên trường Đại học Pháp lý nay là trường Đại học Luật Hà Nội đã ra trường. Thời gian thắm thoắt thoi đưa, đã bao mùa cây thay lá, tóc xanh giờ đã đổi màu gió sương. Nhưng những hình ảnh về mái trường, thầy cô cùng biết bao kỷ niệm vui, buồn vẫn vẹn nguyên trong trái tim họ.

Những cánh buồm tìm ra biển lỚN

“H.L.U và tôi” là một cuốn tự sự, ở đó mọi kỷ niệm vui buồn của các cựu sinh trong hơn 40 năm ghi lại. Có những câu chuyện mang tính lịch sử, thiên nhiều về cảm xúc. Nhưng cũng có những câu chuyện vẫn vẹn nguyên giá trị với các thế hệ sinh viên của nhà trường.

Đó là câu chuyện về loài hoa có tên xuyến chi của TS. Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án TANDTC, Giám đốc Học viện Tòa án.

giang-day_page-0001.jpg
Trường luôn cố gắng góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải cách tư pháp, cải cách pháp luật, xây dựng Nhà nước Pháp quyền Việt Nam.

“Nói về cơ duyên đến với trường Đại học Pháp lý thật tình cờ. Câu chuyện bắt đầu từ lá thư của người bạn học cùng cấp 3, đã trở thành sinh viên trường Đại học Pháp lý Hà Nội. Trong thư, bạn tôi kể về ngôi trường với “Công viên Đường tàu” rợp hoa xuyến chi, những thầy cô đã từng tu nghiệp tại Liên Xô, những người bạn hồn nhiên trong sáng, những buổi lên giảng đường rợp lá thu bay… Tôi đọc thư, bỗng mơ ước một ngày được bước chân vào ngôi trường ấy.

Nhưng khi đỗ và nhập học thì hỡi ôi, “Công viên Đường tàu” với loài hoa mơ mộng ấy không như trong tưởng tượng. Thay vào đó, là chúng tôi bắt đầu cuộc sống sinh viên vô cùng khó khăn. Những bữa ăn triền miên với hạt bo bo. Phòng có sáu người nhưng chỉ có một chiếc thìa nhôm chia nhau dùng. Là những buổi đạp xe hàng chục cây số để tham gia các hoạt động phong trào sinh viên. Những hàng xuyến chi với tôi không còn nên thơ nữa mà là cảm giác buồn man mác mỗi khi nhìn tàu và nhớ nhà.

Cũng từ thời điểm đó, tôi nhận ra rằng khoảng cách giữa sách vở, giấy tờ với thực tế là rất xa. Nên ở trên bất cứ vị trí nào, công việc gì thì thông tin giấy trắng, mực đen với tôi là không đủ. Cái để tôi luôn tìm tòi, xem xét đó là đi vào thực tế cuộc sống. Khi trở thành một cán bộ tòa án, tôi luôn tâm niệm, làm nghề này liên quan đến sinh mạng, chính trị của con người, do vậy, phải có trí tuệ, vừa phải có lương tâm. Điều đó nghĩa là sách vở không đủ mà phải quan sát từ cuộc sống. Đó cũng là triết lý về hoa xuyến chi mà tôi rút ra từ khi nhập học.

Không chỉ áp dụng vào quá trình xét xử mà tôi cũng muốn đưa thực tiễn vào trong bài giảng cho những cán bộ tương lai của ngành Tòa án. Vì nghề Tòa án là công việc xét xử người khác, nhưng mỗi người trong nghề lại phải chịu sự xét xử của lương tâm mình. Nếu để oan sai không chỉ dẫn đến một gia đình tan nát, một thân phận tù tội mà còn khiến niềm tin công lý của nhân dân suy giảm. Thế nên, việc đào tạo những cán bộ tòa án phải kỹ lưỡng, bài bản, chuẩn mực ngay từ đầu.

anh-dhl.jpg
Mái trường Đại học Luật luôn là niềm tự hào của những thế hệ sinh viên đã, đang và sẽ theo học

Còn đó biết bao thế hệ luật sư, thẩm phán, nhà báo của Việt Nam đã dùng kiến thức Luật để khẳng định vị thế, tên tuổi của đất nước với bạn bè thế giới. Với họ, bầu trời nếu định nghĩa bằng khoa học là một phần của khí quyển hoặc của không gian thôi là chưa đủ. Vì bầu trời ở trường Đại học Luật là một phần thanh xuân, là tuổi trẻ và cả niềm tự hào.

Bầu trời ấy đã cho họ quãng thời gian tươi đẹp của tuổi trẻ. Nhưng cũng rèn cho họ những bản lĩnh, trao cho họ niềm đam mê về một nghề mang “tinh thần pháp luật” và tôn vinh một “nhà nước pháp quyền”. Từ đó, các lớp sinh viên ra trường đã trở thành nòng cốt của các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương, Trung ương và cả các cơ quan đại diện ở nước ngoài. Nhiều người đã thành danh, nổi tiếng ở cương vị cầm cán cân công lý trong các hoạt động pháp luật.

Thực hiện: Tuyết Nhung

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
H.L.U - Khung trời để nhớ, để học và để phấn đấu