Trước chuỗi tăng liên tiếp sau 4 phiên đã bị chặn lại, các CTCK nhận định xu hướng phục hồi hiện đang tạm thời chững lại. VN-Index đang ở gần vùng 550 nên áp lực điều chỉnh tích lũy vẫn đang hiện hữu.
Giảm nhẹ rồi tích lũy quanh 535 – 550 điểm
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Hai sàn đã có sự điều chỉnh trong phiên ngày 22/05 khi VN-Index tiếp cận kháng cự 550 điểm. Về mặt kỹ thuật đây là ngưỡng kháng cự khá mạnh khi tập trung các đường Fibo và khoảng “gap” giá. Diễn biến trong phiên cũng cho thấy VN-Index đã có tới 3- 4 lần tăng chạm 547 điểm rồi quay đầu giảm giá.
Độ rộng thị trường ngày 22/05 khá tiêu cực khi số mã giảm gấp 2 lần số mã tăng, đặc biệt sàn HNX diễn biến khá yếu trong khi VN-Index được nâng đỡ (khoảng 1 điểm) nhờ 2 bluechip GAS và VNM. Quan sát cho thấy áp lực bán chốt lời tại nhiều mã nóng khá mạnh trong khi nhóm VN30 cũng diễn biến yếu (chỉ có 5 mã tăng/ 23 mã giảm/ 2 mã đứng giá).
Nói chung, sau 4 phiên tăng điểm liên tiếp và không có thông tin mới hỗ trợ, việc điều chỉnh cũng là điều thông thường. BSI cho rằng thị trường có thể giảm nhẹ trong phiên tới rồi tích lũy quanh vùng giá 535 – 550 điểm.
Hướng chính là đi xuống
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Trong phiên cuối tuần, thị trường sẽ khó có thể vượt qua khu vực 550 điểm ngắn hạn của VN-Index, những rung lắc vì thế có thể xuất hiện nhiều hơn với xu hướng chính là đi xuống kiểm tra lại khu vực hỗ trợ dưới.
Về kỹ thuật, nếu các chỉ số không biến động quá mạnh như giai đoạn trước và diễn biến theo chiều hướng tích lũy trong thời gian tới thì khả năng thị trường sẽ đi vào chu kỳ ổn định hơn sau nhịp điều chỉnh.
Theo đó, NĐT vẫn nên duy trì sự thận trọng, cân nhắc việc chốt lời đối với các cổ phiếu bắt đáy thành công trong giai đoạn vừa qua, đối với các cổ phiếu cơ bản tốt cho mục tiêu trung và dài hạn thì có thể tiếp tục nắm giữ tuy nhiên chưa nên vội mua bình quân giá tại thời điểm này.
Lực bán có thể gia tăng đầu phiên
CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS): Chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp đã bị chặn lại, cả hai chỉ số VN-Index và HNX đều giảm nhẹ và điều đó cũng là sự hợp lý khi mà nhiều cổ phiếu đã hồi phục tương đối tốt vừa qua. Có điều nó đến sớm hơn những dự báo bởi có vẻ như nhiều người lo ngại thị trường sẽ điều chỉnh nên cũng đã gia tăng bán trước.
Thực tế tâm lý của NĐT hiện nay là tốt hơn rất nhiều nên mức giảm phiên ngày 22/05 không phải là điều quá lớn. Những dòng tiền đứng ngoài vừa qua cũng đang rất nóng lòng quay trở lại và chỉ chờ thị trường điều chỉnh.
Do đó IVS cho rằng nhịp giảm ngày 22/05 chưa phải là một nhịp điều chỉnh lớn mà chỉ là sự chững lại trong quá trình tăng điểm. Do đó, ở phiên ngày 23/05 có thể áp lực bán sẽ gia tăng từ đầu phiên đẩy cả hai chỉ số giảm điểm. Tuy nhiên cung giá thấp sẽ không nhiều, đặc biệt là nhóm Bluechip và chính nhóm này sẽ giữ nhịp thị trường giúp cầu mua đẩy vào.
IVS cho rằng diễn biến trong phiên sẽ khá quyết liệt và thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục ở cao. Cho dù thị trường có tăng hay giảm thì trong phiên ngày mai sẽ là một phiên tác động tốt lên tâm lý NĐT.
Giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp và hạn chế mua vào
CTCP Chứng khoán VNDIRECT (VND): Phiên ngày 22/05, VN-Index giảm sau 4 phiên tăng liên tiếp, đặc biệt khối lượng tăng khá mạnh cho thấy áp lực cung lớn. Mặc dù lực cầu cũng khá vững và hấp thụ tương đối tốt cung chốt lời trong phiên nhưng lại tỏ ra yếu dần về cuối phiên.
Tuy nhiên, VND nhận thấy phiên điều chỉnh của ngày 22/05 không quá tiêu cực khi mức mất điểm không quá lớn, thị trường được nâng đỡ bởi một số mã vốn hóa lớn. Các nhóm dẫn dắt như bất động sản hầu hết giảm nhẹ. Không xuất hiện bán tháo trong nhóm đầu cơ.
Tuy điều chỉnh ở mức độ vừa phải, nhưng thị trường vẫn chưa hội tụ đủ các yếu tố của một nhịp sóng dài và bền vững. VND bảo lưu quan điểm khả năng thị trường đang trong vùng đỉnh của nhịp hồi.
Chiến lược đầu tư VND đưa ra là trong các phiên tới, NĐT giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp và hạn chế mua vào, đặc biệt là mua đuổi do thị trường vẫn chưa hội tụ đủ các yếu tố cho nhịp tăng dài hơn.
Áp lực điều chỉnh tích lũy đối với các chỉ số vẫn chưa mất đi
CTCK Ngân hàng Đông Á (DAS): Phiên giao dịch ngày 22/05 thể hiện tâm lý NĐT trên thị trường vẫn tích cực. Mặc dù các chỉ số đối diện với ngưỡng cản mạnh, nhưng dòng tiền vào thị trường vẫn tốt. Hoạt động chốt lời diễn ra ở khá nhiều cổ phiếu, nhưng nhiều mã vẫn có thể giữ giá quanh vùng tham chiếu.
Bên cạnh đó, các chỉ số vẫn chưa chạm đến những vùng kháng cự mạnh nhất. Tuy giảm điểm nhưng mẫu hình nến tạo ra trên cả VN-Index và HNX-Index cũng không quá xấu, và chưa cho thấy hiện tượng đảo chiều xu hướng. Do đó, việc thị trường tăng trở lại trong phiên tới là vẫn có khả năng.
Tuy nhiên, các chỉ số VN-Index và HNX-Index đang ở khá gần vùng 550 và 78 điểm, vì vậy, áp lực điều chỉnh tích lũy đối với các chỉ số vẫn chưa mất đi.
Ít khả năng giảm mạnh
CTCP Chứng khoán MB (MBS): Thị trường hiện tại đã ở vị trí khá nhạy cảm khi là vùng giá cao trong ngắn hạn sau khi bật lên từ đáy nhưng nhiều cổ phiếu cơ bản tốt vẫn nằm trong vùng giá hợp lý cho các mục tiêu trung và dài hạn.
MBS đánh giá thị trường chưa bật lên nhưng cũng sẽ ít khả năng giảm mạnh trong thời gian tới khi không có các tin xấu và nhóm cổ phiếu large cap và bluechip không rơi sâu. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu đầu cơ ngắn hạn đang chịu sức ép chốt lời và có rủi ro ngắn hạn ở mức cao.
MBS vẫn giữ quan điểm tích cực cho các mục tiêu đầu tư trung và dài hạn, tuy nhiên thị trường đang ở vùng giá cao trong các điều kiện rủi ro hiện tại. Do vậy NĐT cần kiên nhẫn và tránh mua đuổi tại vùng giá này. Ngược lại, có thể xem xét chốt ra các cổ phiếu đầu cơ ngắn hạn nếu có trong danh mục.
Sóng hồi vẫn được duy trì
CTCP Chứng khoán Phú Hưng (PHS): Trong các phiên tới, áp lực chốt lời vẫn còn nên chỉ số sẽ còn rung lắc nhưng chỉ cần vẫn dao động trong biên độ và nằm trên MA 5D, với khối lượng khớp lệnh ở mức tương đương những phiên gần đây, thì sóng tăng vẫn được tiếp nối.
Đối với sàn HNX, cũng có phiên điều chỉnh, nhưng chỉ số vẫn duy trì trên MA 5D, nên sóng hồi phục vẫn được duy trì. Nhìn chung, cả hai chỉ số đang gặp ngưỡng cản mạnh nên áp lực chốt lời sẽ còn gia tăng làm chỉ số rung lắc trong vài phiên tới.
Do đó, PHS khuyến nghị chốt lời đối với các mã đã có mức lợi nhuận tương đối mà có dấu hiệu yếu đi. Tuy nhiên vẫn có thể tiếp tục nắm giữ các mã vẫn còn tiềm năng tăng giá. Chỉ báo quan trọng để có quyết định điều chỉnh cho danh mục là diễn biến của chỉ số quanh các đường MA 5D và 20D trong các phiên tới.
Thiên Minh tổng hợp