Vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại trên vùng biển Tây Nam diễn biến phức tạp, tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi hơn và tìm mọi thủ đoạn, phương thức để đối phó với lực lượng chức năng. Nhờ nắm chắc tình hình, chủ động, tinh thông trong nghiệp vụ và hơn cả là tinh thần đoàn kết, ý thức kỷ luật, lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã đấu tranh, trấn áp xử lý tội phạm một cách hiệu quả, đảm bảo an ninh trật tự nơi đầu sóng ngọn gió.
Vùng biển Tây Nam có địa hình phức tạp và diễn biến thời tiết cực đoan. Các đối tượng thường lợi dụng tình hình trên để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, các đối tượng vi phạm thường hoạt động vào ban đêm, lợi dụng đêm tối và thời tiết phức tạp nhằm tránh sự truy xét của lực lượng chức năng và cũng để bỏ trốn khi bị truy đuổi, bắt giữ.
Các đối tượng đã triệt để lợi dụng các tàu cá hoạt động hợp pháp trên biển để mua bán xăng, dầu trôi nổi, sau đó vận chuyển đi tiêu thụ trái phép. Hoạt động này tập trung chủ yếu ở khu vực giáp ranh với các nước hoặc nơi có nhiều tàu cá Việt Nam hoạt động như quanh Đảo Thổ Chu, Nam Hòn Khoai, Tây Nam Côn Đảo...
Các đối tượng cũng thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, nhất là trong vận chuyển, giao nhận cũng như cách thức trao đổi thông tin mua bán, sử dụng nhiều phương tiện tàu thuyền khác nhau để vận chuyển (tàu cá, tàu chở hàng, tàu cải hoán...); sử dụng hóa đơn, chứng từ để hợp thức hóa; sử dụng các phương tiện quan sát lực lượng chức năng từ xa, từ đó trà trộn vào các tàu thuyền trên biển để lẩn trốn.
Các đối tượng mua bán dầu DO thường là bán cho các tàu cá của ta hoạt động trên biển, vì vậy các đối tượng này cũng sử dụng tàu cá để cải hóa vận chuyển… từ đó gây khó khăn cho công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm của lực lượng chức năng.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Tranh, Phó Tư lệnh Pháp luật Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, trước tình hình diễn biến phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm vi phạm trên vùng biển Tây Nam, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã quán triệt, chỉ đạo trong toàn đơn vị tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, không để phức tạp tình hình an ninh trật tự trên biển.
Triển khai điều tra, nắm chắc tình hình an ninh, trật tự trên biển, sàng lọc các đối tượng vi phạm tại các vùng biển trọng điểm; từ đó triển khai lực lượng, phương tiện để tuần tra, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên bám nắm, theo dõi các đối tượng hoạt động mua bán, vận chuyển các loại hàng hóa nói chung và mặt hàng dầu DO nói riêng. Qua đó, kiểm soát được tình hình và có kế hoạch đấu tranh ngăn chặn, đảm bảo trong quá trình điều tra, xác minh an toàn tuyệt đối.
Qua điều tra, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ở khu vực biển giáp ranh, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã sàng lọc để ngăn chặn tàu có biểu hiện nghi vấn cơ động sang vùng biển của nước ngoài mua dầu trái phép để đưa về vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam bán cho các tàu cá.
Đặc biệt là các đối tượng buôn bán mặt hàng dầu DO trên biển, đã lợi dụng việc các tàu của ta hoạt động trên biển, không muốn về bờ để tiếp nhiên liệu mà mua trực tiếp trên biển với giá rẻ hơn, tiết kiệm chi phí hơn… từ đó hình thành các mạng lưới, đường dây mua bán dầu DO bất hợp pháp.
“Mỗi lần đấu tranh, xử lý các vi phạm, cơ quan, đơn vị đều nghiên cứu, sàng lọc, rút kinh nghiệm để vụ sau xử lý hiệu quả cao hơn vụ trước. Thông qua nghiên cứu về đối tượng, chúng tôi xây dựng phương án triệt tiêu thủ đoạn, phương thức của các đối tượng như : che số hiệu tàu, sử dụng các các phương tiện để khống chế thiết bị giám sát hành trình của tàu cá để đi mua dầu trên biển; đặc biệt là có tàu cá không hoạt động khai thác thủy sản mà đi mua bán, vận chuyển dầu về bán cho các tàu cá khác”, Đại tá Nguyễn Văn Tranh, Phó Tư lệnh Pháp luật Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết.
Qua quá trình đấu tranh và bắt giữ, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 gặp không ít khó khăn, cụ thể: địa hình tác chiến trên biển phức tạp, thời tiết nhiều lúc diễn biến cực đoan ảnh hưởng đến việc tuần tra, xử lý vi phạm; các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để đối phó; lực lượng phải chia sẻ ra khi vừa thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vừa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU.
Quá trình đấu tranh, trấn áp tội phạm, lực lượng chức năng Vùng Cảnh sát biển 4 cũng đối mặt với không ít lần các hành vi chống đối người thi hành công vụ như: không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra, điều khiển phương tiện bỏ trốn; cố tình không khai báo, không phối hợp… gây khó khăn và kéo dài cho quá trình điều tra, xác minh, xử lý.
Trong lĩnh vực giao thông thủy nội địa, lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính 93 vụ/93 lượt tàu, với số tiền 199.250.000 đồng. Quá trình tuần tra, kiểm tra, bắt giữ, xử lý luôn tuân thủ đúng đối sách, pháp luật và quy trình nghiệp vụ, xử lý dứt điểm, nhanh chóng, không để xảy ra vụ việc đơn thư, khiếu nại, tố cáo, đảm bảo an toàn về mọi mặt.
Thời gian qua, liên tiếp nhiều tàu vận chuyển dầu DO trái phép số lượng lớn trên vùng biển Tây Nam đã bị lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 bắt giữ, cụ thể:
Trong quá trình đấu tranh các loại tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, với bản lĩnh chính trị vững vàng và tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm quyết liệt, cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã kiên quyết xử lý, nói không với tiêu cực; không để các đối tượng dùng vật chất, tiền bạc để mua chuộc; không can thiệp, bao che, tiếp tay, làm ngơ cho tội phạm vi phạm.
Trung tá Bùi Xuân Nhớ (Trợ lý pháp chế phòng Pháp luật, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4), một trong những cán bộ có nhiều thành tích trong đấu tranh, phòng chống tội phạm cho biết, năm 2023, sau khi nắm bắt tình hình, quy luật của một tàu buôn lậu dầu mang biển kiểm soát Tiền Giang trên vùng biển Tây Nam, Trung tá Bùi Xuân Nhớ và đội tuần tra đã phải cải trang thành ngư dân để theo dõi, bám sát con tàu tình nghi.
Suốt 5 ngày lênh đênh trên biển phải chống chọi với sóng gió, lạnh buối khi đêm tôi trên biển, cuối cùng Trung tá Bùi Xuân Nhớ và lực lượng đã tiếp cận được tàu tình nghi và phát hiện bắt giữ hơn 40.000 lít dầu mua bán trái phép.
Khi bị bắt giữ, đối tượng đã đặt vấn đề “lo lót” để được bỏ qua, nhưng Trung tá Bùi Xuân Nhớ và các đồng đội đã kiên quyết từ chối và xử lý nghiêm đối tượng.
Đại tá Nguyễn Văn Tranh, Phó Tư lệnh Pháp luật Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho hay, công tác giáo dục, chính trị tư tưởng đối với cán bộ chiến sĩ luôn được quan tâm, chú trọng và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 luôn xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng cũng như đạo đức nghề nghiệp. Đội ngũ cán bộ, trinh sát viên, cảnh sát viên của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đều có đạo đức, phẩm chất, năng lực tốt và không có biểu hiện vụ lợi về vật chất trong quá trình đấu tranh, xử lý đối với đối tượng vi phạm; minh chứng là thời gian qua, chưa phát hiện trường hợp cán bộ, chiến sĩ nào vi phạm.
Ngoài nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền vùng biển Tây Nam, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 còn thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới Nhân dân, gắn bó với Nhân dân...
Thực hiện: Nhóm PV Tây Nam Bộ
Bài 4: "Nhịp cầu" ý Đảng lòng dân