Ngân hàng bảo đúng, Công an nói cũng chẳng sai chỉ có hơn 1 triệu người dân đang mua xe trả góp phải đau đầu.
Câu chuyện về việc Cảnh sát giao thông đang ráo riết xử phạt xe ô tô không có giấy tờ gốc dù là có bản sao hay chứng nhận đang thế chấp tại ngân hàng khiến hàng triệu người lo lắng.
Theo thống kê thì hiện cả nước có khoảng 1,3 triệu xe đang thế chấp giấy tờ gốc tại ngân hàng để mua xe theo hình thức trả góp. Và có lẽ trong thời điểm này thì tất thảy 1,3 triệu chủ xe đều đang có một tâm lý lo lắng như "ngồi trên đống lửa". Bởi lẽ, câu chuyện này vẫn chưa đi đến đâu, trong khi đó cả công an và phía ngân hàng đều có cái lý của họ.
Chủ phương tiện khi tham gia giao thông bắt buộc phải mang theo giấy tờ gốc là quy định của pháp luật. Và Cảnh sát giao thông có quyền xử phạt chủ xe nếu không chấp hành. Điều đó hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật.
Thế nhưng từ năm 2007, Nghị định 163 của Chính phủ đã cho phép ngân hàng được giữ bản chính giấy tờ xe trong những trường hợp thế chấp vay. Ngân hàng có lý của họ khi cho rằng, đó là cách để quản lý rủi ro.
Họ có thỏa thuận dân sự với người vay mua ô tô là được phép giữ giấy tờ gốc căn cứ theo Điều 323 của Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành khẳng định quyền của bên nhận thế chấp: “Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác”.
Hình minh họa
1,3 triệu chủ xe sẽ ra sao nếu bên giữ cứ quyết giữ và bên phạt cứ quyết phạt?
Trong câu chuyện này, cái cần phải làm rõ là ngân hàng có cần thiết phải giữ giấy tờ gốc hay không và CSGT có bắt buộc phải xử phạt những chủ xe thế chấp giấy tờ gốc cho ngân hàng?
Trường hợp ngân hàng không giữ giấy đăng ký xe bản chính thì rủi ro không thể lường trước. Khách hàng có thể bán xe, cầm đồ...mà ngân hàng không thể kiểm soát được. Người ta nói, đưa giấy tờ gốc cho chủ xe chẳng khách nào "thả gà ra đuổi".
Nếu những rủi ro này không được xử lý thì ngân hàng sẽ không dám cho vay như vậy quyền tiếp cận tín dụng của người dân bị ảnh hưởng, đương nhiên sẽ nảy sinh những tác động tiêu cực.
Chuyện CSGT đòi hỏi giấy tờ gốc thì lại khác, thật sự cần thiết hay không khi đã có bản sao và chứng nhận của ngân hàng về việc thế chấp? Trừ phi đó chỉ là cái cớ để xử phạt.
Khi các bên không có tiếng nói chung và đều khăng khăng việc mình làm là đúng thì phải ngồi lại với nhau. Một chính sách tác động đến hàng triệu người không phải là chuyện nhỏ.
Cũng cần phải nói thêm, nhiều năm nay tình trạng các văn bản, các quy định tréo ngoe, đá nhau chan chát "sinh sôi" khá nhiều. Căn nguyên của nó chính là ngành nào cũng chỉ biết cái lợi cho mình mà không quan tâm đến lợi ích của người dân.
Thậm chí có nơi chỉ biết thực hiện một cách máy móc với cái lý "căn cứ pháp luật", trong khi biết rõ những quy định đó không phù hợp với thực tiễn.
Còn người dân muốn "sống và làm việc theo pháp luật" nhiều khi cũng khó.