Hoài niệm về một làng trồng dơn trắng

Hải Vân| 25/01/2017 09:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Làng hoa Hạ Lũng, Hải An, Hải Phòng vốn nổi tiếng cũng chẳng kém cạnh gì với làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội. Làng hoa có từ bao giờ cũng không ai còn nhớ rõ. Những người trồng hoa cứ cha truyền con nối, từ đời này sang đời khác, cứ thế mà tồn tại và phát triển.

Những năm tháng của thời bao cấp, làng hoa Hạ Lũng nổi tiếng với những cánh đồng hoa dơn rực rỡ, đặc biệt là cánh đồng dơn trắng. Những bông dơn trắng dài, to, mập mạp, những bông hoa bung cánh dày dặn, trắng muốt đã từng là niềm tự hào của người dân làng Lũng. Những cánh dơn tinh khôi ấy không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn được xuất khẩu sang tận Đông Âu, sang Nga…

Mỗi khi Tết đến Xuân về, trong gia đình người Việt thời ấy không thể không có một bình dơn, trong đó có những bông dơn trắng nổi tiếng kiêu sa. Những cành dơn trắng không chỉ được trưng bày trong ngày Tết mà còn được kết làm hoa cô dâu trong ngày cưới như biểu tượng của sự thuần khiết, giản dị, trong trắng của người thiếu nữ…Ấy vậy nhưng, cái hồn của làng hoa Hạ Lũng đã dần bị mai một đi theo thời gian, theo năm tháng.

Về Hạ Lũng bây giờ, những cánh đồng hoa “thẳng cánh cò bay” không còn nữa, chỉ còn lại những khoanh đất nhỏ xen kẹt trong dân. Người Hạ Lũng vẫn còn đam mê và tha thiết với nghề trồng hoa…nhưng quá trình đô thị hóa một cách nhanh chóng của địa phương đã khiến một làng hoa nổi tiếng đang dần dần bị thu hẹp.

Giờ đây, để tìm được một cành dơn trắng ngay tại cái mảnh đất vốn là niềm kiêu hãnh của loài hoa này…gần như là vô cùng khó.

Hoài niệm về một làng trồng dơn trắng

Người Hạ Lũng giờ không còn trồng được những bông dơn trắng, niềm tự hào của một thời nữa...

Ông Bùi Văn Vững – Phó chủ tịch UBND phường Đằng Hải (quận Hải An, TP Hải Phòng), cũng là một người trồng hoa lâu năm cho biết: “Dơn trắng giờ thực sự là khó tìm bởi để trồng được một bông dơn trắng, người trồng hoa phải rất kỳ công. Cây dơn vỗn dĩ là một loại cây kén đất. Cánh dơn trắng nếu muốn nở bung, dày, đẹp thì phải trồng trên đất cấy lúa. Tức là người dân đến mùa thu hoạch lúa xong thì làm đất, phơi đất sau đó trồng dơn trắng lên đất ấy. Sau khi thu hoạch dơn xong lại trồng đậu để tăng chất dinh dưỡng, rồi lại quay vòng trồng lúa, trồng hoa; …Ngày nay, do quá trình đô thị hóa của Thành phố Hải Phòng, diện tích đất trồng lúa tại địa phương không còn nhiều, mặt khác việc bê tông hóa kênh An Kim Hải cũng ảnh hưởng đến hệ thống tưới tiêu…dẫn đến những bông dơn trắng ngày một tàn lụi”.

Người Hạ Lũng vẫn đau đáu với nghề hoa, những mảnh đất còn sót lại trong vườn, hay từng sào đất nông nghiệp cũng được tận dụng để trồng những loài hoa như hồng, cúc, dơn, lưu ly, violet…Những cánh hoa Hạ Lũng nổi tiếng to, dày, màu sắc rực rỡ luôn được người dân ở Thành phố Cảng ưa chuộng.

Những năm gần đây, vì không còn đất nhưng vẫn say mê với nghề mà nhiều người trồng hoa lâu năm đã sang các huyện lân cận như An Dương, Thủy Nguyên…để gây dựng, nhân giống.

Tuy nhiên, trời phú cho Hạ Lũng có một chất đất phù hợp nên mặc dù người Đằng Hải có mang tâm huyết, kinh nghiệm của mình đi đến tận nơi đâu thì hoa Hạ Lũng cũng không thể nào thay thế được.

Một chút bùi ngùi, một chút luyến tiếc nhưng đó chính là sự phát triển, người Hạ Lũng vẫn đam mê với hoa, vẫn đau đáu tìm về những giá trị cũ như những bông dơn trắng ngày xưa, để nhớ nhung, tự hào và hoài niệm mỗi khi Tết đến Xuân về…, và họ cũng ao ước, có một sự đầu tư nào đó từ các cấp chính quyền, để những cành dơn trắng lộng lẫy lại được hồi sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoài niệm về một làng trồng dơn trắng