Phóng sự - Ghi chép

Giải bài toán sinh kế cho đồng bào dân tộc huyện biên giới Mường Lát

Thanh Phương 20/05/2023 14:51

Mường Lát là huyện biên giới của xứ Thanh, một trong những địa phương nghèo nhất cả nước. Nơi đây là mái nhà chung của đồng bào dân tộc Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, Mường, Kinh. Trong nhiều năm qua các cấp, ngành đã thực hiện nhiều chính sách, hỗ trợ để loại bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, chuyển biến trong tư tưởng người dân để xóa đói, giảm nghèo, nhưng vướng mắc vẫn nằm ở sinh kế.

Vùng đất khô cằn, cuộc sống khó khăn

Từ trung tâm TP. Thanh Hóa lên huyện Mường Lát khoảng 220km, di chuyển gần 5 tiếng đồng hồ. Những ngày tháng 5 nắng như đổ lửa, trên cung đường núi, nhiều khoảng đồi đã trọc lóc, trơ lại đất đá.

a5muonglat.jpg
Đường lên Mường Lát quanh co dốc núi.

Theo điều tra xã hội học mới nhất, toàn huyện có khoảng 8.800 hộ dân (41.000 nhân khẩu), trong đó hơn 65% là hộ nghèo, cận nghèo. Nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, phụ thuộc vào thời tiết, khi được mùa thì bị tiểu thương, người thu mua ép giá. Chăn nuôi thường xảy ra dịch bệnh do người dân không có kiến thức chăm sóc.

Đáng ngại hơn, cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội đã tới từng nhà để khảo sát nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình thì có tới hơn 1.200 hộ sợ không dám vay vốn, sợ mất vốn vay không có thu nhập để chi trả. Trong khi đó, nếu không có việc làm thì người dân rất dễ sa vào các tệ nạn xã hội như rượu chè, ma túy.

a1muonglat.jpg
Chủ yếu là đá với tiểu vùng khí hậu khắc nghiệt.

Đã có không ít các dự án được triển khai thí điểm để phủ xanh các quả đồi trên vùng đất này nhằm tạo sinh kế cho người dân, nhưng chỉ duy trì được một thời gian có hiệu quả, sau đó đều rơi vào tình trạng “còi cọc” rồi phá sản. Gần đây nhất chính là nỗi ám ảnh mang tên “sầu đông”.

Thực hiện dự án trồng rừng, từ cuối 2011 đến 2019, đồng bào vùng biên Mường Lát đã trồng, chăm sóc 17.000ha cây xoan, lát; trong đó chủ yếu là cây xoan. Cây xoan được trồng không chỉ nhằm phủ xanh đất trống đồi trọc, mà còn mang kỳ vọng trở thành cây thoát nghèo cho người dân nơi đây. Song, 10 năm qua, cây trồng này gần như không phát triển.

a2muonglat.jpg
Nhiều khu vực đất trống, đồi trọc.

Gia đình anh Giàng A Tụa (SN 1982), dân tộc Mông, ở bản Suối Lóng, xã Tam Chung thuộc hộ nghèo, mong mỏi có kế sinh nhai và thoát nghèo bền vững.

9 năm trước, anh được tham gia dự án chuyển đổi đất nương sang trồng xoan. Gia đình anh đã trồng 1ha xoan từ năm 2012. Những cây xoan ban đầu xanh tốt, hứa hẹn tương lai sáng sủa, thế nhưng những năm sau đó, cây lại mãi còi cọc chẳng phát triển thêm.

Hơn 10 năm chờ đợi trong vô vọng, người dân buộc phải phá bỏ cây xoan. Thân cây quá nhỏ không thể làm gỗ, thân cây xốp và không cháy nên cũng không thể bán củi. Nhiều hộ dân đã cố gắng trồng thêm các loại cây ngắn ngày dưới tán xoan như bầu bí, khoai mán, khoai sọ, nhưng chúng không sống được. Vì thế, ngoài gạo hỗ trợ trồng rừng của Nhà nước, họ không có thêm thu nhập khác.

a6muonglat.jpg
Người dân thiếu sinh kế để phát triển kinh tế.

Đi tìm lời giải cho bài toán sinh kế

Kết quả, qua kiểm tra rà soát hiện nay trên toàn huyện Mường Lát có 8.000,78ha đất trống (trong đó: đất canh tác nương rẫy luân phiên 1.718,50ha; đất trống sau khai thác rừng trồng, hiện nay nhân dân đang làm nương rẫy, trồng cây nông nghiệp 6.283,28ha). Diện tích đất trống này cần phải đầu tư trồng cây lâm nghiệp theo đúng mục đích sử dụng đất. Trồng cây gì vừa phủ xanh đất trống đồi trọc vừa mang lại giá trị kinh tế để người dân sống được dưới tán rừng thì chưa có lời giải.

Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Mường Lát Nguyễn Hoàng Anh cho biết: Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Lát được giao quản lý hơn 4.000ha rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn. Đơn vị này đang khắc phục khó khăn do quản lý rừng phòng hộ xung yếu trên địa bàn đồi núi cao, địa hình, giao thông bất lợi cùng với chính quyền và người dân chủ động phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ rừng; ký cam kết không vi phạm những điều cấm về rừng; kiểm tra các khu rừng trọng điểm, kiểm soát nghiêm nguồn lửa đem vào rừng, nhất là các thời điểm thời tiết nắng nóng, khô hanh...

a3muonglat.jpg
Cây trẩu đang được thử nghiệm trồng tại Mường Lát.

Ban đang nghiên cứu cùng với người dân trông thử cây trẩu một loại cây mọc nhanh, ưa sáng, phù hợp với điều kiện khí hậu Mường Lát (cây này đã mọc và sinh trưởng tốt ở các tán rừng trên địa bàn). Khi thu hái quả thì người dân bán hơn 10 nghìn đồng/kg để làm tinh dầu.

Năm 2022, Ban đã ươm, trồng hơn 100 nghìn cây giống, năm nay sẽ trồng thêm 100ha. Bà con được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ rừng tận gốc gắn với sản xuất, kinh doanh nghề rừng hiệu quả, khai thác rừng trồng đã cho sản phẩm theo quy định, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Ở một số bản trên địa bàn đang thử nghiệm trồng cây quế. Nguồn gốc lấy từ phía Bắc do người dân (vốn di cư từ Sơn La, Lai Châu tới Mường Lát) đang thử nghiệm trồng để lấy tinh dầu. Chính quyền địa phương đã chỉ đạo kiểm lâm lấy thử vỏ, lá đi kiểm tra xem chất lượng tinh dầu thế nào rồi mới khuyến cáo và nhân rộng trên địa bàn.

Hiệu quả dễ thấy nhất là trồng cỏ chăn nuôi gia súc như trâu, bò. Người dân chủ động được nguồn thức ăn, được tập huấn và cán bộ thú y cơ sở trực tiếp hướng dẫn cho người chăn nuôi. Sản phẩm được bán ngay tại chuồng khi có nhu cầu.

a4muonglat.jpg
Sản xuất nông nghiệp manh mún, hiệu quả thấp.

Những mô hình nhỏ mang lại giá trị kinh tế cho các hộ gia đình chính là gương tuyên truyền tốt nhất tạo ra sự chuyển biến trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho vùng đất Mường Lát. Khi người dân có cái ăn, cái mặc thì việc giữ đất, giữ rừng sẽ được người dân chủ động thực hiện.

Để tránh đi vào vết xe đổ, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa được giao mời các chuyên gia về khảo sát, đánh giá, lập bản đồ thổ nhưỡng, khí hậu cụ thể của Mường Lát để phân vùng, lựa chọn các loại cây, con phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao. Điều cốt lõi vẫn nằm ở việc xóa bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy tự lực, tự cường của mỗi người dân, mỗi gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán sinh kế cho đồng bào dân tộc huyện biên giới Mường Lát