Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội, 9 tháng năm 2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước.
Trong giai đoạn 2011-2023, GDP 9 tháng của năm 2023 chỉ cao hơn tốc độ tăng của 9 tháng các năm 2020 và 2021 (tương ứng tăng 2,19% và 1,57%).
Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 9 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,4% (đóng góp 9,2%). Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41% (đóng góp 22,3%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng xấp xỉ 2%, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023.
Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ tăng 6,3% (đóng góp 68,57%) với một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, như bán buôn và bán lẻ tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, ngành vận tải, kho bãi tăng 8,7%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,9%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 13,2%.
Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,16%, khu vực dịch vụ chiếm 42,7%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,6%.
Theo đó, sử dụng GDP 9 tháng ghi nhận tiêu dùng cuối cùng tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022 và đóng góp 34,3% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế. Tích lũy tài sản tăng 3,22%, đóng góp 19,4%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 5,8%, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,2%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 46,4%.
Nền kinh tế đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay là một áp lực lớn.
Theo Tổng Cục Thống kê, để đạt được mục tiêu, cần tiếp tục thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng chính gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Các giải pháp đặt ra là tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách tài khoá, đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tăng cường thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ tham gia chuỗi giá trị, chuyển đổi số, nâng cao năng suất, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ pháp lý...
Đẩy mạnh tiêu dùng, thúc đẩy hàng hoá thông qua thương mạng điện tử, khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân còn nhiều tiềm năng. Tập trung mở rộng đa dạng hoá sản phẩm xuất khẩu, tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm
Về đầu tư công, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, năng lượng xanh, hạ tầng xanh, hạ tầng số quốc gia… để tạo tác động lan tỏa, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Cần khuyến khích các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới, có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư tư nhân. Ngoài ra, cần phát huy hiệu quả mô hình hợp tác công - tư vào đầu tư hạ tầng.
Cuối cùng là siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính trên các lĩnh vực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp, nền kinh tế.