Âm sắc Hương Bình” khẳng định về chất lượng nghệ thuật riêng biệt của ca Huế như một thương hiệu văn hóa mang phong cách và bản sắc độc đáo của Huế.
Ca Huế là loại hình âm nhạc truyền thống, là tinh hoa của nhiều dòng âm nhạc cổ truyền dân tộc. Trong giai đoạn Huế là kinh đô của cả nước, giữa sự giao thoa và tiếp nhận vốn văn hóa chung cả nước, xuất phát từ phong cách sống, tâm tư, tình cảm và ngữ âm của bản địa đã tạo nên một bản sắc riêng mang tính đặc trưng và độc đáo của mảnh đất và con người xứ Huế.
Nghệ nhân Thanh Tâm diễn xướng
Ca nhạc Huế, từ dân gian được phát triển vào cung đình, từ cung đình lại lan tỏa ra dân gian tạo ra hai dòng âm nhạc là âm nhạc cung đình và âm nhạc dân gian. Đây là một trong những chương trình "đinh" của lễ hội Festival. Năm nay, mở màn Ca Huế với chủ đề “ Âm sắc Hương Bình” diễn ra tại sân Nghinh Lương Đình, nhằm tôn vinh và quảng bá về nghệ thuật ca Huế; ghi ơn các bậc nghệ nhân tiền bối và những người đã có công bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của ca Huế.
Thuyền rồng trên sông Hương
“Âm sắc Hương Bình” khẳng định về chất lượng nghệ thuật riêng biệt của ca Huế như một thương hiệu văn hóa mang phong cách và bản sắc độc đáo của Huế đối với cộng đồng và du khách. Chương trình phục vụ đắc lực cho sự phát triển du lịch và đời sống văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời, hướng đến cội nguồn, gìn giữ và tôn tạo Nhà thờ Tổ ca Huế, thể hiện đạo lý “ uống nước nhớ nguồn”, niềm tự hào về giá trị nghệ thuật của một vùng đất.
Vua và hoàng hậu trên thuyền nghe Ca huế
Với lịch sử gần 500 năm, ca Huế đã phát triển thêm nhiều loại hình diễn xướng độc đáo như: Ca Huế - múa dân gian và ca kịch Huế, đã khẳng định sự trường tồn và phát triển đa dạng của loại hình nghệ thuật này. Dàn trống, cờ cùng tốp ca và tốp múa biểu diễn trên nền nhạc liên khúc “âm vang nguồn cội” đã khơi gợi được khí thế hào hùng, lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt.
Vinh danh các nghệ nhân, nghệ sĩ cống hiến Ca Huế
Chương trình quy tụ rất nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ nổi tiếng. Ban tổ chức đã trao quà và tặng hoa cho 37 nghệ nhân để ghi nhận những cống hiến lớn lao của họ, những người đã giữ lửa để thắp sáng cho nghệ thuật của vùng đất Cố Đô cũng như để tôn vinh những giá trị nghệ thuật ca Huế như Nghệ sĩ Hồng Tuyết, Kim Hiền, Châu Dinh, Thanh Liên, Mộng Điệp, Võ Quê...có nghệ nhân đã 104 tuổi.
Lễ hội thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, hàng ngàn người đã tập trung về sân Nghinh Lương Đình để lắng nghe những câu hò, điệu lý ngọt ngào mang đậm âm sắc Huế. Rất nhiều các tiết mục đặc sắc như “Hò Mái nhì và Nam ai”, “Nhớ ơn công đức tổ tiên”, “Non nước Hương Bình”, “Ngọn lửa tình yêu”…được trình diễn bởi dàn nghệ sĩ, diễn viên “gạo cội”. Trong đó, bài hát "Hò Mái nhì và Nam ai” đã thể hiện được nỗi lòng tương tư của người con gái Huế với cảnh sắc của quê hương xứ sở, nỗi nhớ thương mong đợi trong sự xa cách với người thân được nghệ nhân Thanh Tâm (70 tuổi), người đã dành cả cuộc đời mình cho nghệ thuật ca Huế. Hay là bài Hầu văn "Nhớ ơn công đức tổ tiên" của NSƯT Thu Hằng đã gởi đến khán giả một làn điêu nằm trong dòng nhạc dân gian Huế, thường được diễn xướng trong các hình thái sinh hoạt ở các lễ hội mang tính tâm linh, tín ngưỡng. Đặc biệt trong chương trình còn có một em bé 11 tuổi hát tặng cho các nghệ nhân, nghệ sĩ nghe một chùm dân ca,thể hiện sự tiếp nối thế hệ đối với ca Huế.
Trâm Anh 11 tuổi biểu diễn Ca Huế trong chương trình
NSND Ngọc Bình GĐ Nhà hát Nghệ Thuật Ca kịch Huế, đạo diễn chương trình chia sẻ: ông rất vui khi lần đầu tiên một chương trình nghệ thuật về Ca Huế được tổ chức trong Festival Huế là một chương trình độc lập. Nên khi được giao xây dựng kịch bản và làm tổng đạo diễn của chương trình "Âm sắc Hương Bình" ông rất lo. Bởi vì Ca Huế là một loại hình âm nhạc thính phòng , tiết tấu, sự sôi động không phong phú như các loại hình ca nhạc. Mà đưa ra biểu diễn giữa quảng đại quần chúng và làm sao để thể hiện được mục đích tôn vinh giá trị nghệ thuật ca Huế là rất khó. Điều này khiến ông rất trăn trở phải xây dựng một kịch bản chương trình phù hợp, hấp dẫn và đúng mục đích là vấn đề nan giải.
Hoạt động ca Huế đang được giữ gìn và phát triển, tạo nên sự lan tỏa và kế thừa truyền thống, giá trị văn hóa đặc sắc của cha ông. Có thể khẳng định, nghệ thuât ca Huế đã thực sự là một giá trị tinh thần, một cảm xúc thưởng ngoạn của du khách mỗi khi đến với vùng đất cố đô. Chương trình "Âm sắc Hương Bình" đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng, đồng thời góp phần tạo nên động lực trong quá trình lập hồ sơ trình lên Nhà nước công nhận: Ca Huế là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Cùng dòng chảy của ngày hội "Âm sắc Hương Bình", Ban tổ chức đã bố trí 25 thuyền rồng được kết đèn, cờ, rực rỡ và đã thả hàng ngàn đèn hoa đăng tạo nền sáng lung linh trên dòng sông Hương.