Tại phiên Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vừa qua, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung thêm một số nội dung như: Các hành hành vi bị nghiêm cấm, vấn đề bảo mật thông tin… vào dự thảo Luật.
Làm căn cứ xử lý khi có vi phạm
ĐB Nguyễn Chí Tài - Thừa Thiên Huế cho rằng, thông thường bố cục của các Luật đều có phần quy định về các hành vi bị nghiêm cấm nhằm ngăn chặn, răn đe và làm cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý các hành vi vi phạm các điều khoản đã quy định trong luật. Tuy nhiên, ở dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án chưa có điều khoản quy định về các hành vi bị nghiêm cấm nên cần phải bổ sung.ĐB Nguyễn Chí Tài (đoàn Thừa Thiên Huế)
Theo đại biểu Tài, trong thực tế, quá trình tiến hành hòa giải, đối thoại sẽ xuất hiện nhiều hành vi vi phạm mang đặc trưng riêng của hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án, nên cần phải có những quy định nghiêm cấm mang tính chất đặc trưng riêng của vấn đề này để làm căn cứ xử lý khi có vi phạm. Ngoài ra, đối với các Hòa giải viên (HGV) cũng cần phải có các quy định về nguyên tắc, quy chế về nghề nghiệp mà trong quá trình tổ chức hòa giải, bản thân các HGV không được phép vi phạm. Nếu dự thảo Luật không quy định, khi HGV hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan lợi dụng Luật này để trục lợi sẽ không có căn cứ để xử lý các vi phạm.
Một vấn đề nữa được đại biểu qua nghiên cứu thấy rằng, có rất nhiều quy định chặt chẽ liên quan đến HGV như tiêu chuẩn bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm…, nhưng chưa quy định việc phải tạm đình chỉ tư cách HGV trong một số trường hợp cụ thể.
Ví dụ như, trường hợp HGV được phân công hòa giải vụ việc, tuy nhiên trong quá trình hòa giải thì người đó bị cơ quan điều tra khởi tố về một vụ án không liên quan đến vấn đề đang hòa giải nhưng chưa được đưa ra xét xử. Trong trường hợp này, HGV không thể tiếp tục tiến hành hòa giải vụ việc theo quy định. Tòa án, Thẩm phán cần phải tiến hành tạm đình chỉ tư cách và chuyển các vụ việc đang được hòa giải viên đó thụ lý cho HGV khác hòa giải. Nếu sau khi xét xử và được công nhận vô tội thì TAND cấp tỉnh có trách nhiệm khôi phục lại tư cách HGV cho họ theo quy định. Vì vậy để đảm bảo chặt chẽ và bao quát được các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình áp dụng pháp luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định về việc tạm đình chỉ tư cách HGV trong một số trường hợp cụ thể.
HGV, Thẩm phán phải bảo mật thông tin
Liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin tại Điều 4, dự thảo Luật quy định: Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại, trừ khi có sự đồng ý của bên đã cung cấp thông tin. Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại…”.
ĐB Tô Ái Vang- Sóc Trăng
Đại biểu Bùi Quốc Phòng - Thái Bình nhận định: bảo vệ bí mật thông tin trong hoạt động hòa giải là vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc tạo niềm tin của các bên, nên cần phải coi đây là nguyên tắc then chốt trong hoạt động hòa giải tố tụng tại Tòa án.
Những nội dung quy định tại Điều 4 dự thảo Luật đã thể hiện sự tiếp thu nghiêm túc những kinh nghiệm trên thế giới và góp ý của các ĐBQH. Tuy nhiên, trong trường hợp HGV có hành vi vi phạm bảo mật thông tin mà gây hậu quả, gây thiệt hại cho bên trình bày, thì họ cũng phải bồi thường thiệt hại. Đồng thời, cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo mật thông tin cũng phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, bổ sung quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại bên cạnh nội dung bị xử lý theo quy định của pháp luật là cần thiết.
Qua thảo luận, một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm đối tượng cần phải bảo mật thông tin là Thẩm phán nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất Luật. Vì Thẩm phán được phân công hòa giải là một trong các thành phần tham dự phiên họp, ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định; Thẩm phán cũng là người tiếp nhận hồ sơ để quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo quy định và là người được phép tiếp cận toàn bộ hồ sơ của quá trình hòa giải, đối thoại các vụ việc. Bên cạnh đó, khoản 1 điểm e Điều 8 có quy định: “Yêu cầu hòa giải viên, người tham gia hòa giải, đối thoại khác, Thẩm phán bí mật thông tin do mình cung cấp”.
Còn đại biểu Tô Ái Vang - Sóc Trăng kiến nghị bổ sung quy định về hòa giải có yếu tố nước ngoài. Bởi vì trong xu hướng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề có liên quan, nên cần thiết trong luật phải có nội dung quy định và phân cấp thẩm quyền hòa giải các vụ việc này là Tòa án cấp huyện hay cấp tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý giúp cho các HGV không bị lúng túng trong việc xem xét, tiếp nhận, xử lý các vụ việc có liên quan đến yếu tố nước ngoài, nhằm thống nhất và tương thích với quy định của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Trong phần báo cáo giải trình thêm một số nội dung, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng đã khẳng định những đề xuất bổ sung của các đại biểu rất quan trọng, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp và thể hiện vào dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua.