Dự thảo BLTTDS (sửa đổi): Sửa đổi, bổ sung các quy định về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Trần Quang Huy| 13/05/2015 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo quy định của BLTTDS hiện hành thì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tuy đã góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, nhưng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, nhất là trong giải quyết các tranh chấp thương mại.

Để nâng cao hiệu quả áp dụng BPKCTT, Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) dành cả Chương VIII để quy định về các  biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT), đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến vấn đề áp dụng BPKCTT.

Chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu

Quá trình xây dựng các quy định về thủ tục áp dụng BPKCTT trong BLTTDS hiện hành, chúng ta cũng đã tham khảo pháp luật TTDS của nhiều nước trên thế giới như pháp luật TTDS của Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc... Trên cơ sở sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên tắc truyền thống, sự mềm dẻo, linh hoạt trong việc xây dựng thủ tục giải quyết tranh chấp, các nhà lập pháp đã xây dựng những quy định về thủ tục áp dụng các BPKCTT nhằm đảm bảo cho việc xét xử, thi hành án hoặc giải quyết những yêu cầu khẩn cấp của đương sự. Qua thực tiễn xét xử thấy rằng, quy định áp dụng BPKCTT trước khi Toà án thụ lý giải quyết vụ việc dân sự rất có hiệu quả, giúp cho vụ việc được giải quyết dứt điểm, nhất là đối với vụ việc liên quan đến lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ, giảm bớt nhiều thiệt hại vật chất cho bên bị vi phạm. Việc áp dụng BPKCTT đã góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, tiết kiệm thời gian, tiền bạc, công sức so với việc phải giải quyết vụ việc dân sự theo trình tự của BLTTDS.

Tuy nhiên, BLTTDS hiện hành không có quy định để giải quyết trường hợp sau khi đã ra quyết định áp dụng BPKCTT mà Tòa án quyết định trả lại đơn khởi kiện, hoặc Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án khi đương sự rút đơn khởi kiện hoặc hội đồng xét xử cấp sơ thẩm, phúc thẩm ra quyết định về việc giải quyết vụ án thì phải đồng thời quyết định về việc tiếp tục hay hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT. Từ đó dẫn đến nhiều vụ án đã có bản án, quyết định của Tòa án nhưng BPKCTT đã được áp dụng vẫn tồn tại mà không có căn cứ để xử lý dẫn đến thiệt hại cho các bên liên quan. Mặt khác, hiện nay Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển, Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay đã quy định BPKCTT không gắn với việc khởi kiện tai Tòa án đã cho thấy nhiều trường hợp đương sự không muốn khởi kiện hoặc khi Toà án vừa ra quyết định áp dụng BPKCTT thì người có nghĩa vụ đã thực hiện ngay nghĩa vụ nên tranh chấp được giải quyết dứt điểm, nhưng BLTTDS không quy định áp dụng BPKCTT không gắn với việc khởi kiện nên chưa có cơ chể áp dụng.

Dự thảo BLTTDS (sửa đổi): Sửa đổi, bổ sung các quy định về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Nguyên đơn và bị đơn trong một phiên tòa dân sự

Ngoài ra, thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự cho thấy, đối với trường hợp đương sự đóng cửa, bỏ đi thì Tòa án không thể vào xem xét, đo vẽ nhà đất. Để khắc phục tình trạng này, nhiều Tòa án đã vận dụng khoản 12 Điều 102 BLTTDS hiện hành, ra quyết định áp dụng BPKCTT cấm đương sự thực hiện hành vi cản trở việc đo vẽ, định giá tài sản. Tuy nhiên, theo Điều 99 BLTTDS thì BPKCTT chỉ được áp dụng trong những trường hợp nhất định nên chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu về tính có hiệu quả trong việc bảo vệ quyền lợi của đương sự, đặc biệt là trong giải quyết các tranh chấp thương mại.

Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến áp dụng BPKCTT

Để thực hiện những cam kết của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và cam kết mà Việt Nam đã ký kết với các nước và tổ chức quốc tế, trong đó có Hiệp định giữa nước CHXHCN Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa kỳ về quan hệ thương mại, Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) dành cả Chương VIII để quy định về các BPKCTT, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến áp dụng BPKCTT. Dự thảo quy định, trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền yêu cầu Toà án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều BPKCTT để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án.

Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng BPKCTT đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng quy định người yêu cầu Tòa án áp dụng một trong các BPKCTT phải nộp cho Tòa án chứng từ bảo lãnh bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác hoặc gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tở có giá trị do Tòa án ấn định nhưng phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng BPKCTT không đúng để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng BPKCTT và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT từ phía người có quyền yêu cầu.

Bên cạnh đó, Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) nghiên cứu xây dựng quy định pháp luật cho phép áp dụng BPKCTT là một biện pháp độc lập, tiền tố tụng, thuộc thẩm quyền của Tòa án, đồng thời sửa đổi, bổ sung căn cứ để thu thập chứng cứ là căn cứ để để áp dụng BPKCTT. Bổ sung “Căn cứ áp dụng BPKCTT không còn” để hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT và bổ sung quy định thủ tục, thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT trong trường hợp này. Việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ BPKCTT trước khi mở phiên tòa do một Thẩm phán xem xét, quyết định. Việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ BPKCTT tại phiên tòa do hội đồng xét xử xem xét, quyết định. Tòa án ra ngay quyết định hủy bỏ BPKCTT đã được áp dụng khi người yêu cầu áp dụng BPKCTT đề nghị hủy bỏ hoặc người phải thi hành quyết định áp dụng BPKCTT nộp tài sản hoặc có người khác thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên có yêu cầu.

Dự thảo cũng bổ sung quy định áp dụng BPKCTT không gắn với việc khởi kiện để đảm bảo thi hành án, bảo đảm vật chứng. Việc quy định áp dụng BPKCTT không gắn với việc khởi kiện cũng đã được quy định trong Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tầu biển, vì vậy quy định áp dụng BPKCTT không gắn với việc khởi kiện để đảm bảo thi hành án, bảo đảm vật chứng trong BLTTDS (sửa đổi) là sự kế thừa những quy định của pháp luật hiện hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo BLTTDS (sửa đổi): Sửa đổi, bổ sung các quy định về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời