Dự án xây dựng Bến xe Yên Sở, Hà Nội: Nhiều ý kiến phản đối vì lãng phí và bất cập

Toàn Vũ| 07/10/2018 10:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều chuyên gia khẳng định, thêm bến xe mới ở phía Nam Vành đai 3 là không hợp lý khi chúng ta đang muốn giảm áp lực giao thông cho nội đô. Hà Nội nên cân nhắc hơn nữa để giải quyết tập trung vấn đề nóng bỏng, có tầm nhìn xa, thay vì những bến xe nhỏ.

Nhiều ý kiến không đồng tình       

Quyết định số 7283/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND TP. Hà Nội về chủ trương đầu tư Bến xe khách Yên S, giao cho Công ty cổ phần Bến xe Thanh Trì (địa chỉ tại Hoàng Mai, Hà Nội) làm chủ đầu tư (không thông qua đấu thầu). Bến xe khách Yên Sở có diện tích 3,4ha, công suất 800-1.000 lượt xe/ngày, giai đoạn đầu sẽ khai thác 400 lượt xe/ngày. Vốn đầu tư dự án là 118 tỷ đồng, thời gian hoạt động của dự án là 50 năm…

Ngay sau đó, đã nhiều ý kiến của các chuyên gia, Hiệp hội và người dân đồng loạt phản đối, cho rằng, quyết định trên là bất hợp lý, chưa đảm bảo đúng thẩm quyền, quy hoạch và quy định của pháp luật. Vì vậy, việc Hà Nội xây dựng thêm bến xe khách trung hạn, theo các chuyên gia là thiếu tầm nhìn, không hợp lý.

Nói về vấn đề này, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, hiện giao thông Thủ đô còn rất nhiều vấn đề nóng bỏng cần giải quyết, như quỹ đất cho giao thông thấp, xe cá nhân nhiều, giao thông công cộng bất cập... Đặc biệt, việc xây dựng bến xe khách liên tỉnh ở khu vực Vành đai 3 sẽ gây thêm ách tắc cho khu vực nội đô, đặc biệt nút giao Pháp Vân - Vành đai 3 là cửa ngõ phía Nam của Hà Nội.

Theo ông Nghiêm, trong quá khứ Hà Nội đã từng loại khỏi quy hoạch 2 bến xe khách trung hạn khác nằm trong nội đô, cách Bến xe Yên Sở khoảng 2km vì thấy bất cập trong quy hoạch bến xe. Còn theo quy hoạch bến xe Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050, thành phố đã xác định chuyển các bến xe hiện có ra khu vực Vành đai 4. Tuy nhiên, nay thành phố lại xây thêm Bến xe Yên Sở trong khu vực nội đô sẽ gây lãng phí vì bến xe chỉ hoạt động vài năm sẽ di chuyển đi nơi khác.

Dự án xây dựng Bến xe Yên Sở, Hà Nội: Nhiều ý kiến phản đối vì lãng phí và bất cập

Bến xe khách Yên Sở đang được xây dựng 

Cùng chung nhìn nhận, ngày 29/8/2018 Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam gửi Văn bản số 052/HHVT-TV về việc quy hoạch bến xe đến UBND TP Hà Nội, nêu rõ: Bến xe Yên Sở cách ngã ba Pháp Vân gần 2 km, nằm cạnh đường gom của đường Vành đai 3, cạnh Công viên Yên Sở, khu vực này có nhiều khu dân cư, nhiều cơ sở giáo dục, mầm non. Vì vậy, khi bến xe đi vào khai thác kết hợp với xe tải và nhiều phương tiện khác sẽ dẫn đến ùn tắc giao thông nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân địa phương.

Gây lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước (!?)

Tiếp đó, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc xây dựng một bến xe hỗn hợp không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bến xe, bãi đỗ xe như dự án Bến xe Yên Sở. Cụ thể là khoản 2, khoản 3 Điều 83 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác bến xe ô tô khách, bến xe ô tô hàng. Theo luật này, bến xe khách và ô tô hàng là 2 lĩnh vực được xây dựng và tổ chức quản lý hoàn toàn khác nhau. Trên cơ sở đó, Bộ giao thông vận tải quy định quy chuẩn các loại bến xe theo từng văn bản cụ thể. Do đó, theo Văn bản số 052/HHVT-TV, trong phạm vi các quận nội thành Hà Nội nếu xây dựng một bến xe hỗn hợp như vậy không đảm bảo trật tự, dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Hơn nữa, tại khu vực phía Nam Hà Nội chưa có bến xe tải nào, vì vậy Bến xe Yên Sở chỉ nên quy hoạch xây dựng bến xe tải. Như vậy sẽ đúng với chức năng vốn có của nó và phù hợp với những quy định hiện hành về bến xe, bãi đỗ xe.

Gần đây nhất, ngày 6/9/2018, Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững cũng có quan điểm về việc chọn lựa chủ đầu tư. Theo đơn vị này, quá trình thực hiện dự án có dấu hiện vi phạm các quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu. Cụ thể, dự án Bến xe khách Yên Sở thuộc trường hợp bắt buộc phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai nhưng đã được chỉ định giao cho tư nhân mà không qua đấu giá, đấu thầu. Thêm vào đó, đây là dự án phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu nhưng Hà Nội lại chỉ định nhà đầu tư là Công ty CP Bến xe Thanh Trì, một doanh nghiệp mới thành lập trước đó 5 tháng (tháng 7/2016), vốn sở hữu chỉ chiếm 25,4% dự án (30 tỷ/ tổng dự án là 118 tỷ - PV) và chưa từng có kinh nghiệm kinh doanh bến, bãi để thực hiện dự án.

Theo thông báo, sau khi hoàn thành, Bến xe Yên Sở là bến xe khách hiện đại nhất cả nước; khép kín từ khu vực đón khách, trả khách, xe xếp nốt chờ tài đến khu vực bán vé. Hầu hết các công đoạn tại bến xe sẽ tự động hóa, như kiểm soát xe ra vào bến bằng công nghệ, các bảng đèn led hiển thị thông tin về chuyến xe, giờ xuất bến, cửa đón khách, hay khu vực xe buýt, khu vực taxi… Tuy nhiên, quy hoạch chỉ là bến xe trung hạn (2018 - 2025) và nếu tiến độ đầu tư các bến xe quy hoạch mới hoàn thành trong khoảng thời gian 2018 – 2025, việc di chuyển các bến xe phía Nam ra Vành đai 4 phải thực hiện thì việc đầu tư trên không thể nói không lãng phí, nội dung văn bản cho biết…

Liên quan đến việc đầu tư xây dựng Bến xe khách Yên Sở, ngày 31/8/2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản hỏa tốc, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: UBND TP Hà Nội triển khai đầu tư Bến xe khách Yên Sở theo thẩm quyền, đúng quy hoạch đã được phê duyệt và quy định của pháp luật, đảm bảo các yêu cầu về cảnh quan, bảo vệ môi trường và bảo đảm công khai, minh bạch, không gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án xây dựng Bến xe Yên Sở, Hà Nội: Nhiều ý kiến phản đối vì lãng phí và bất cập