Dự án xây dựng Nhà liên hợp Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo kết hợp nhà Quốc Môn được đầu tư với số vốn hơn 149 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, đã 5 năm trôi qua, dự án này vẫn “ì ạch” thi công, chưa biết bao giờ mới hoàn thành.
Thi công với “tốc độ rùa bò”
Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, với mặt bằng chật hẹp, giao thông xuống cấp, trang thiết bị phục vụ việc kiểm soát thông quan lạc hậu, không tương xứng với tiềm lực giao thương và mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào.
Trước tình hình đó, ngày 17/2/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 372/QĐ - UBND đầu tư xây dựng Dự án Nhà liên hợp Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo kết hợp Quốc môn. Công trình có tổng mức đầu tư trên 149,3 tỷ đồng. Nguồn vốn trên được lấy từ ngân sách Nhà nước đầu tư hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, ngân sách tỉnh, cũng như huy động từ các ngành chức năng có mặt bằng sử dụng tại đây.
Theo hồ sơ dự án, công trình được xây dựng trên diện tích 4.385 m2, tại xã Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), với quy mô 1 nhà 4 tầng, có tổng diện tích sàn 14.057 m2; hệ thống sân đường nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, kè chống sạt lở.
Và dự án này được giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (nay thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng A.I.I.C.O làm đơn vị tư vấn lập dự án.
Có mặt tại công trình, PV nhận thấy một khung cảnh hỗn độn đầy rác, vật liệu xây dựng thì vứt ngổn ngang, sắt thép hoen gỉ. Tại một số hạng mục như tầng 2 và 3 của tòa nhà, trần đầy mạng nhện, bụi bặm bao phủ. Bên cạnh tòa nhà, nhóm công nhân vẫn đang xây dựng hạng mục kè chống sạt lở.
Một góc của dự án Nhà liên hợp cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo.
Theo ông Lê Phi Hiệp, đại diện đơn vị tư vấn giám sát công trình thuộc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và phát triển T&Tcho biết: “Ngày 11/7/2011, Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã ký Hợp đồng số 15/2011/TCXL với nhà thầu là Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Nga Sơn (Công ty Nga Sơn). Theo hợp đồng đến cuối năm 2012, công trình sẽ hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Thế nhưng công trình đã sai tiến độ, khi đến cuối năm 2013 vẫn chưa xong”.
Trước sự chậm trễ đó, ngày 18/4/2013, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành văn bản số 1193/UBND-TM chấm dứt hợp đồng thi công công trình đối với nhà thầu là Công ty Nga Sơn để tìm nhà thầu có thể thực hiện Dự án. Đến ngày 3/5/2013, UBND tỉnh Hà Tĩnh có tiếp văn bản số 1330/UBND - TM cho phép Ban Quản lý KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được đàm phán, ký hợp đồng với Công ty cổ phần Sản xuất Công nghiệp tham gia thi công, và thời hạn có thể đưa công trình vào sử dụng trước ngày 30/6/2014.
Theo đó ngày 9/5/2013, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đã ký hợp đồng số 02/2013/HĐXD với Công ty cổ phần Sản xuất công nghiệp, để tiếp tục thi công xây dựng công trình.
Gần 5 năm trôi qua, dự án đang được cảnh báo sẽ lỗi thời khi về đích.
Tuy nhiên, một lần nữa công trình này vẫn không thể về đích như mong muốn và một số hạng mục vừa hoàn thành lại xuống cấp, phải làm lại.
Lý giải cho việc trì trệ này, ông Lại Đức Huy - Chỉ huy công trường thuộc Công ty cổ phần Sản xuất Công nghiệp xây lắp 3 (Công ty con của Công ty cổ phần Sản xuất công nghiệp) cho biết: “Công ty triển khai công việc từ 5/2013 đến cuối tháng 8/2014 đã hoàn thành trục 4 - 16 của Nhà liên hợp. Nguyên nhân công trình chậm không đúng tiến độ là do vướng mắc trong việc giải tỏa mặt bằng và ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài trên địa bàn gây sạt lở nghiêm trọng kè bên Nhà liên hợp. Vì lý do đó, Công ty đã phải tạm dừng thi công từ tháng 9/2014 để xin điều chỉnh thiết kế cho dự án”.
Nâng vốn đầu tư hay lãng phí ngân sách?
Sau gần 1 năm chờ đợi, đến ngày 22/7/2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định 2823/QĐ - UBND phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án lên đến 215 tỷ đồng, trong văn bản này cũng yêu cầu đơn vị thi công phải hoàn thành dự án trong năm 2016.
Và gần 4 tháng sau, đến ngày 25/11/2015, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh mới ra quyết định phê duyệt hồ sơ điều chỉnh tổng dự toán, với thời gian thực hiện hợp đồng hoàn thành trước ngày 31/12/2016. Bắt đầu từ đây, nhà thầu mới thi công hạng mục kè chống sạt lở và giải phóng mặt bằng để thi công.
Lý giải cho việc tòa nhà mới xây dựng đã bị rêu phong, bụi bám và một số hạng mục khác nứt vỡ, ông Lại Đức Huy cho biết: “Khu vực này có độ ẩm cao nên bụi bặm bám vào nhiều gây ảnh hưởng đến mỹ quan công trình. Các hạng mục như trần, khe giãn nở chưa thực hiện vì chưa đưa vào sử dụng, độ ẩm trong nhà lại rất cao, thường xuyên có nước ứa ra trong các phòng và trần nhà làm việc nên không tránh được việc bị rêu phủ trên”.
Công trình chưa đưa vào sử dụng nhưng đã bị bụi bám đầy, một số hạng mục khác đã xuống cấp.
Ông Lê Phi Hiệp, đại diện nhà thầu tư vấn giám sát khẳng định: “Các hạng mục của công trình đã được nhà thầu hoàn thành bảo đảm về chất lượng. Đây là công trình vừa thi công vừa bảo đảm giao thông, trên tuyến lại có nhiều phương tiện vận tải có trọng tải lớn nên ảnh hưởng tới công trình là điều khó tránh khỏi. Hơn nữa, hiện tại luồng xuất cảnh đang quá tải do có nhiều phương tiện nhập cảnh nên xuất hiện những va chạm gây nứt vỡ khu vực sát với luồng thông quan. Những nứt vỡ đó đã được chủ đầu tư chấp nhận phương án khắc phục trong quá trình thi công”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu công trình hoàn thành từ năm 2012 như kế hoạch, thì đã không thể xảy ra những sự cố như sạt lở kè khiến cho công trình phải tạm dừng để bổ sung thiết kế, kéo dài thời gian hoàn thành và tiêu tốn thêm trên 60 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Không những vậy, các công trình đã và đang thi công cần được kiểm soát chặt về chất lượng để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc do tác động của thiên tai.
Những hạng mục đã hoàn thành phần thô lại trơ sắt ra ngoài nhìn rất mất mỹ quan.
Theo ông Cao Đức Thắng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cầu Treo - đơn vị có mặt bằng sử dụng trong khu liên hợp: “Chúng tôi đang rất mong Tổ hợp công trình này hoàn thành vì đã lâu rồi từ Biên phòng, Hải quan đều phải làm việc trong những ngôi nhà tạm bợ, không đủ tiêu chuẩn để lắp đặt trang thiết bị hiện đại giám sát cửa khẩu. Thời gian đã 5 năm trôi qua, mà công trình vẫn chưa hoàn thành. Việc chậm trễ này, không chỉ ảnh hưởng đến các đơn vị có diện tích sử dụng tại đây, mà còn gây lãng phí đến ngân sách nhà nước”.
Dư luận đang băn khoăn việc một dự án tầm cỡ quốc gia như Dự án Nhà liên hợp cửa khẩu quốc tế Cầu Treo chưa bàn giao đã có dấu hiệu xuống cấp, xảy ra việc chậm trễ kéo dài liên tục trong 5 năm, phát sinh thêm nhiều chục tỷ đồng thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?