Đời sống

"Dự án gang thép Long Sơn không phải của cá nhân lãnh đạo tỉnh"

Đức Hồ 13/04/2023 - 17:00

Đó là chia sẻ của ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trong cuộc họp báo quý I/2023 về tình hình kinh tế - xã hội, diễn ra sáng 13/4.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã có những chia sẻ thẳng thắn, cởi mở về những vấn đề nóng của tỉnh và đặc biệt là dự án gang thép Long Sơn với tổng số vốn trên 53.000 tỷ đồng.

hop_bao_binh_dinh-2-.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn trao đổi với báo chí.

Đối với dự án Long Sơn ông Tuấn cho biết: “Dự án nào cũng có tác động, thậm chí xây dựng 1 tòa nhà, sự cố Formosa mặc dù xử lý xong vẫn có tác động môi trường, nhưng chúng ta có tiêu chí môi trường do các Bộ ngành Trung ương phê duyệt. Quan điểm nhất quán của Bình Định là không đánh đổi môi trường, lấy phát triển kinh tế”.

Ông Phạm Anh Tuấn đưa ra so sánh, du lịch chỉ là 1 trong 5 trụ cột chính phát triển Bình Định và tỉnh sở hữu đến 134 km chiều dài bờ biển, nếu triển khai dự án gang thép bị ảnh hưởng khoảng 4km, còn lại 130km thì “không vấn đề gì”.

Ngoài ra, Bình Định muốn phát triển phải có một số dự án công nghiệp lớn dẫn dắt và gang thép Long Sơn được xác định là một trong những dự án có vai trò tạo cú hích.

Đây là dự án phù hợp quy hoạch, ngoài thu ngân sách, giải quyết việc làm sẽ có nhiều doanh nghiệp khác kéo về đây làm phụ trợ.

hop_bao_binh_dinh-1-.jpg
Quang cảnh cuộc họp báo quý I/2023 về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định.

Hiện tại, Bình Định chỉ mới bắt đầu có chủ trương nghiên cứu xây dựng và chấp thuận để nhà đầu tư đi khảo sát, trước khi trình đề án Chính phủ phê duyệt vì tỉnh không được quyền quyết định.

“Dự án muốn được tỉnh thông qua để trình Chính phủ thì công nghệ phải hiện đại, môi trường phải đảm bảo theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Người dân bị ảnh hưởng phải đảm bảo mọi điều kiện ít nhất là bằng hoặc tốt hơn khi chưa có dự án, tạo sinh kế lâu dài, ổn định và không vi phạm di tích lịch sử. Nếu đảm bảo các yếu tố này tỉnh mới trình dự án với Chính phủ”, ông Tuấn nói.

Trước khi có quyết định chính thức, các Bộ ngành của Chính phủ sẽ vào cuộc thẩm tra dự án này rất kỹ càng, thậm chí kỹ hơn tỉnh Bình Định rất nhiều.

“Nếu vì dự án này mà ảnh hưởng sinh mệnh chính trị thì chúng tôi không dám làm và cũng không làm những gì trái với việc mình đang nói. Quan điểm của chính quyền là nhất quán và chính đáng, nếu ai đó đi chệch quan điểm này, thì đề nghị báo chí phản ánh để xử lý”, ông Tuấn khẳng định.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định tái khẳng định, chỉ khi nào đảm bảo các yếu tố mà ông vừa cam kết, Bình Định mới trình dự án đến Chính phủ để thẩm định, vì lãnh đạo tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Trung ương.

“Dự án gang thép không phải dự án cá nhân của tôi, cũng không phải của cá nhân bất cứ lãnh đạo nào của tỉnh, mà là dự án cho tỉnh, cho quốc gia. Làm nhà máy thép có ảnh hưởng đến môi trường nhưng nằm trong tầm kiểm soát thì yên tâm. Việc này ngoài sự kiểm soát của tỉnh, còn có chuyên gia Bộ TN&MT và cuối cùng là Thủ tướng, thậm chí phải báo cáo cấp cao hơn, đây là chuyện bình thường”, ông Tuấn cho hay.

Quan tâm số một của Bình Định đối với nhà đầu tư là về năng lực tài chính, chứng minh bằng con số cụ thể, bằng hợp đồng và công nghệ phải hiện đại.

Thôn Lộ Diêu có hơn 500 hộ dân bị ảnh hưởng, quan điểm nhất quán trong chính sách bồi thường là người dân bị dời phải cảm thấy “hạnh phúc, đi kèm sinh kế ổn định và dài hơi”, đảm bảo hỗ trợ tuyệt đối.

“Đây là dự án mà chúng tôi rất quan tâm đến sinh kế lâu dài, hiện nay bà con Lộ Diêu chủ yếu làm nông, thương mại và đi biển. Sẽ xây dựng 3 khu định cư gắn với nghề đi biển, sản xuất nông nghiệp có cấp đất làm nông và thương mại dịch vụ. Nếu làm ở nhà máy, nhà đầu tư sẽ phân loại, đào tạo làm nghề phù hợp cho bà con. Riêng di tích tàu không số tại Lộ Diêu phải bảo quản, nâng cấp tốt hơn”, ông Tuấn nói.

Ông Phạm Anh Tuấn thừa nhận, dự án gang thép chắc chắn sẽ có những ý kiến phản đối, vì không thể thỏa mãn hết tất cả mọi người dân.

“Chúng ta có 1,5 triệu dân, khi dự án này đã tính toán rất kỹ, không bị ảnh hưởng, đảm bảo điều kiện môi trường, lại tạo nguồn thu ngân sách rất lớn, mà chỉ một vài hộ chống đối thì phải cưỡng chế, vì lợi ích chung. Đây không phải là quan điểm cá nhân tôi, mà là chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định, đã được bàn bạc rất kỹ”, ông Tuấn khẳng định.

Liên quan đến vụ 138ha rừng phòng hộ bị gia đình ông Nguyễn Đình Kim (nguyên Bí thư huyện ủy Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) “thâu tóm”, ông Tuấn cho biết Cơ quan CSĐT đang thụ lý và Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh Bình Định đang theo dõi giám sát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Dự án gang thép Long Sơn không phải của cá nhân lãnh đạo tỉnh"