Từ 19 giờ ngày 7/9 đến 1 giờ sáng ngày 8/9 là thời điểm gió bão mạnh nhất ở Hà Nội. Sau đó, bão số 3 có thể gây mưa kéo dài trong khu vực. Người dân Hà Nội không nên ra ngoài trời vào thời điểm này.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công lý, do ảnh hưởng của bão số 3 từ sáng đến nay có rất nhiều cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bị đổ gẫy ra đường gây cản trở giao thông. Tại nhiều khu vực, cây xanh đổ gẫy chiếm toàn bộ diện tích lòng đường gây khó khăn cho việc di chuyển của các phương tiện.
Các cơ quan chức năng khuyến cáo đề phòng tai nạn do đổ nhà, cây cối, cột điện, các vật bị gió thổi bay, điện giật, người dân không trú tránh dưới các gốc cây, cột điện, vật dễ đổ. Người dân cần gia cố, chằng chống nhà cửa, mái tôn, trữ nước đầy các bồn chứa nước trên các mái nhà chống lật, đổ, rơi; cắt tỉa cành cây; tháo dỡ biển quảng cáo, áp phích có nguy cơ mất an toàn; đảm bảo an toàn công trình đang thi công.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ đã đưa ra cảnh báo ngập lụt trên địa bàn TP Hà Nội.
Trong những giờ tới, khu vực Hà Nội và các vùng lân cận tiếp tục có mưa to với tổng lượng mưa tích lũy phổ biến từ 30-60mm, có nơi lên đến 70mm.
Đợt mưa này gây ngập úng cục bộ cho nhiều tuyến phố trên địa bàn Thủ đô với độ sâu phổ biến từ 20 - 40cm, có nơi ngập sâu hơn.
Do có sự chuẩn bị chu đáo từ trước nên các lực lượng đã nhanh chóng khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, tạo thuận lợi cho người dân tham gia giao thông.
Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, từ chiều 7/9, lượng mưa trên địa bàn thành phố tiếp tục gia tăng, gió rất mạnh, nhưng không xảy ra úng ngập khu vực đô thị. Khu vực ngoại thành, xuất hiện một số điểm ngập úng cục bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Nhiều diện tích lúa bị gãy đổ do gió mạnh. Nhiều công trình xây dựng tạm, mái tôn bị tốc mái.
Thành phố có hơn 500 cây xanh bị gãy đổ, làm hư hỏng nhiều phương tiện giao thông. Tính đến cuối giờ chiều ngày 7/9, trên địa bàn thành phố có 2 người chết, 7 người bị thương do cây đổ (quận Nam Từ Liêm có 1 người chết, 1 người bị thương; quận Hoàng Mai có 1 người chết, 1 người bị thương; quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng có 5 người bị thương).
Các đơn vị duy trì cây xanh nhanh chóng có mặt tại các vị trí cây gãy, đổ để giải tỏa, thu dọn hiện trường.
Bão cũng gây ra nhiều sự cố hệ thống chiếu sáng công cộng, nhưng được khắc phục nhanh chóng.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, đối với công tác bảo đảm an toàn công trình nhà ở, công trình xây dựng, đơn vị đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận, huyện triển khai phương án bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng, các khu chung cư cũ và nhà riêng lẻ có nguy cơ sập đổ.
Thành phố đã kiểm tra, rà soát hơn 720 công trình xây dựng và gần 7.200 nhà ở riêng lẻ. Các quận Ba Đình, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa... khẩn trương vận động, hỗ trợ di dời người dân ra khỏi nhà nguy hiểm, không bảo đảm an toàn; đồng thời bố trí chỗ ở và các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ người dân.
Trong những giờ tới, Hà Nội vẫn chịu ảnh hưởng của bão Yagi với cấp độ gió ngày càng tăng, kèm mưa lớn.