Đời sống

Bão số 3 chính thức đổ bộ vào đất liền tại khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh

Hoàng Hà - Vũ Ba 07/09/2024 14:23

Khoảng 13h45 ngày 7/9, bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền trên khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh và tiếp tục duy trì cường độ mạnh với sức gió cấp 16-17.

Khoảng 13h45 ngày 7/9, bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền trên khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh và tiếp tục duy trì cường độ mạnh với sức gió cấp 16-17.

Tại Quảng Ninh, gió bão cực mạnh đã cuốn bay nhiều biển hiệu quảng cáo, mái tôn... tại thành phố Hạ Long.

Trong khi đó, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh mất điện, hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn; huyện Hải Hà có khoảng 40 ngôi nhà bị tốc mái, huyện Tiên Yên có nhiều bè nuôi trồng thuỷ sản bị trôi,… Bão số 3 tiếp tục gây nhiều thiệt hại cho Quảng Ninh.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 13, giật cấp 14; đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 13, giật cấp 16; Tiên Yên (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Đầm Hà (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 8, giật cấp 12; Cửa Ông (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 12, giật cấp 14… Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện đang nỗ lực cao nhất ứng phó với bão số 3.

Cây bật gốc tại Trường THCS Tiền An, thị xã Quảng Yên

Huyện Vân Đồn: Mất điện, hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn

Theo thông tin PV Báo Công lý cập nhật, đến 13h15', bão số 3 vẫn đang gây ra những đợt gió giật mạnh, kèm theo mưa lớn, làm hệ thống điện lưới trên địa bàn huyện Vân Đồn bị mất; nhiều cột thu phát sóng điện thoại không thể hoạt động, khiến cho nhiều khu vực không có sóng điện thoại di động, ảnh hưởng đến quá trình chỉ đạo công tác phòng, chống bão của địa phương.

vandon.jpg
Bè nuôi trồng thủy sản của người dân bị sóng, gió đánh trôi dạt tại cầu 1 Vân Đồn. Ảnh: CTV

Cùng với đó, nhiều bè nuôi trồng thủy sản của người dân, dây nuôi hàu bị sóng, gió đánh trôi; hệ thống cây xanh trên các trục đường chính Tỉnh lộ 334 bị gãy đổ; nhiều mái tôn của nhà người dân, biển quảng cáo, biển chỉ dẫn giao thông bị gãy đổ.

UBND huyện Vân Đồn đang tìm giải pháp giữ liên lạc với các địa phương để nắm bắt về tình hình thiệt hại và chỉ đạo biện pháp phòng, chống, tuyệt đối không để thiệt hại về người và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản.

Huyện Hải Hà: Khoảng 40 ngôi nhà bị tốc mái

Từ 11h ngày 7/9, trên địa bàn huyện Hải Hà, bão số 3 với sức gió cấp 12 và mưa to đã làm tốc mái tôn khoảng 40 nhà dân, trụ sở cơ quan, trường học. Hiện nay các xã, thị trấn đang bị mất điện; 10 điểm dây điện bị cây đè vào làm đứt dây điện trên địa bàn huyện.

haiha.jpg
Bão số 3 đã làm tốc mái tôn khoảng 40 căn nhà trên địa bàn huyện Hải Hà. Ảnh: CTV

Khoảng 100 cây xanh trên Quốc lộ 18A, các tuyến đường xã, thị trấn bị gãy đổ. Khoảng gần 1ha mía đường bị đổ. Cơ quan điện lực huyện, công an huyện, BCH quân sự huyện đang tích cực xử lý để đảm bảo an toàn giao thông.

Hiện, Ban chỉ huy PCTT-TKCN; PCCC huyện; các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn tiếp tục bám sát địa bàn, triển khai các biện pháp theo nhiệm vụ được phân công, chủ động ứng phó với diễn biến ảnh hưởng của bão số 3.

Tiên Yên: Nhiều bè nuôi trồng thủy sản bị trôi

Tiên Yên đang có mưa, gió rất lớn, nhiều cây xanh gãy đổ, nhà lợp tôn bị tốc mái, bè nuôi trồng thủy hải sản của người dân bị trôi.

tienyen.jpg
Cổng chào của huyện Tiên Yên trên tuyến đường Quốc lộ 18A bị đổ, dẫn đến ách tắc giao thông. Ảnh: CTV

Đặc biệt, xã Đồng Rui là xã hứng chịu sức gió mạnh và đang bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chính quyền xã Đồng Rui đã tích cực vận động, hỗ trợ toàn bộ 39 hộ dân với 115 nhân khẩu có nhà tạm bợ, lợp mái tôn di chuyển đến nơi an toàn. Cùng với đó, lực lượng chức năng cũng hỗ trợ người dân gia cố lồng bè NTTS, tàu thuyền và một số công trình có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng do bão gây ra; tiếp tục rà soát, nắm bắt thông tin và kịp thời đưa ra phương án xử lý đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân.

Huyện Bình Liêu xuất hiện sạt lở đất

Hiện tại trên địa bàn huyện Bình Liêu đã xuất hiện mưa và gió to. Tính từ 19h00 ngày 6/9 đến thời điểm hiện tại, lượng mưa trên địa bàn huyện đạt 78mm.

binhlieu.jpg
Khu Nà Kẻ (thị trấn Bình Liêu) xuất hiện sạt lở. Ảnh: CTV

Nước từ các sông suối đã bắt đầu dâng lên song vẫn đảm bảo thoát lũ qua các cống hộp, không ảnh hưởng đến giao thông đi lại. Cùng với đó, một số địa điểm có nguy cơ trên địa bàn huyện đã xuất hiện sạt lở như tại khu Nà Kẻ (thị trấn Bình Liêu). Địa phương đã nhanh chóng chỉ đạo cảnh báo và khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài khi không thật sự cần thiết và lực lượng tại chỗ tiến hành dọn dẹp tạm thời để đảm bảo lưu thông trên các tuyến đường.

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, huyện Bình Liêu tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, các điểm xung yếu trên địa bàn; chủ động các phương án sơ tán, di dời các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn trước khi bão vào. Cùng với đó, các địa phương và lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn huyện bố trí, huy động 1.133 cán bộ chiến sĩ và xung kích phòng chống thiên tai, 68 ô tô các loại....

Đồng thời, các xã, thị trấn sẵn sàng lực lượng, phương tiện tổ chức canh gác tại các điểm xung yếu ngập lụt và các vị trí ngầm tràn khi có lũ, không cho người và phương tiện qua lại. Tất cả đều ứng trực tại các địa bàn được phân công, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.

Tại Hải Phòng, trước diễn biến thực tế cơn bão số 3, ý kiến chi đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 88/CĐ-TTg ngày 06/9/2024 về việc tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị trưa ngày 07/9/2024, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng- Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố yêu cầu nhân dân trên địa bàn thành phố không ra khỏi nhà trước 20 giờ 00 phút ngày 07/9/2024; trừ các lực lượng Phòng chống thiên tai, các lực lượng khác thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của Trưởng ban Chi huy cùng cấp.

z5806577948437_8955bcc8eda6fd25d9f5130d46f5cf6b.jpg

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng giao UBND các quận, huyện; các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố thông báo và yêu cầu nhân dân trên địa bàn thành phố thực hiện.

Trước đó, vào trưa 7/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì họp tại Sở chỉ huy tiền phương tại TP. Hải Phòng để chỉ đạo công tác phòng, chống bão và xử lý các tình huống có thể xảy ra. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ NN&PTNT, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và lãnh đạo TP. Hải Phòng.

Tại cuộc họp sau khi nghe các đơn vị, địa phương báo cáo, Phó Thủ tướng yêu cầu đối với Hải Phòng, hiện nay có 10 tuyến đê xung yếu (đê sông là chính, 1 tuyến đê biển Đồ Sơn), nếu tình hình có khó khăn phức tạp hơn cần huy động lực lượng thì báo cáo ngay Sở chỉ huy tiền phương để có phương án chỉ đạo.

z5806744528776_9b233140ad50a5db63002410426dafdd.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì họp tại Sở chỉ huy tiền phương tại TP. Hải Phòng.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu, trước tình huống bão lớn có thể xảy ra đổ cây, công trình xây dựng bị đổ, … gây ra thiệt hại về người và tài sản. Do đó, các địa phương cần duy trì việc cấm đường, cấm người ra khỏi nhà với những trường hợp không cần thiết; đặc biệt đối với vùng ven biển bão đang vào phải giới hạn đến sau 20 giờ ngày 7/9. Đồng thời, thực hiện việc cấm hoạt động giao thông, dừng các hoạt động khác không cần thiết đến 22 giờ. Việc cấm và dừng các hoạt động dựa theo tình hình thực tế, Bộ Công an và các địa phương duy trì việc kiểm tra để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho nhân dân.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp lực lượng vũ trang và các địa phương có các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có công năng điều tiết lũ để kiểm tra nghiêm việc xả lũ, quy chế điều tiết lũ, tránh để lũ chồng lũ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bão số 3 chính thức đổ bộ vào đất liền tại khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh