Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp ở Thanh Hóa kiến nghị nhiều vấn đề với HĐND tỉnh

Thanh Phương 13/12/2023 - 21:38

Chiều 13/12, tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII các đại biểu tiến hành thảo luận tại hội trường nhiều vấn đề quan trọng. Thay mặt 27 nghìn doanh nghiệp trên địa bàn, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã kiến nghị nhiều vấn đề nóng, bức thiết để tiếp sức “hà hơi” cho doanh nghiệp vượt qua “bão” khó khăn.

Theo ông Đoan, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã nỗ lực để làm tốt vai trò của mình, luôn lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ, kịp thời phản ánh đến các cấp chính quyền những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị vướng mắc trong thời gian qua.

hiephoidn.jpg
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa kiến nghị nhiều vấn đề

Sau dịch Covid-19, biến động phức tạp của các thị trường, các quy định chồng chéo, các gói cứu trợ quá nhiều ràng buộc đã bào mòn sức, niềm tin của doanh nghiệp.

“Chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp lại khó khăn chồng chất khó khăn như hiện nay. Cái khó lớn nhất là vốn. Hiện, dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh đang bị ngưng trệ, trong khi các ngân hàng, các tổ chức tín dụng thừa tiền thì doanh nghiệp lại “đói vốn”. Mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhưng cơ chế, chính sách kịp thời, nhưng thực tế, số doanh nghiệp được thụ hưởng, tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ này là rất hạn chế vì kèm theo quá nhiều điều kiện mà doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Các cấp, ngành cần sớm vào cuộc tháo gỡ”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp kiến nghị.

phienthaoluan.jpg
Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII diễn ra từ 12-14/12

Thời gian qua, Thanh Hóa đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn quá nhiều thủ tục, rườm rà, làm mất cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, công chức yếu kém, đùn đẩy, sợ trách nhiệm nên “ngâm” hồ sơ, chuyển qua sở này, ngành nọ khiến niềm tin của doanh nghiệp bị xói mòn. Điều này thể hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bị tụt giảm so với các năm trước và nằm trong nhóm thấp của cả nước.

Hiện nay còn quá nhiều tồn tại từ khâu thẩm định, phê duyệt, kiểm soát, cấp mỏ vật liệu xây dựng. Công trình cần vật liệu nhưng khan hiếm, phải mua giá cao mà không có hóa đơn khiến cho doanh nghiệp càng làm càng lỗ, các dự án không có khối lượng để giải ngân vốn đầu tư công, dẫn đến chậm tiến độ trong việc thực hiện các dự án. Cùng với đó, việc cấp phép khai thác khoáng sản cho các mỏ vật liệu xây dựng với trữ lượng quá thấp so với thực tế, không đủ khối lượng để đáp ứng nhu cầu cần thiết trong việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng trên địa bàn. Không làm thì vi phạm, chậm tiến độ mà làm thì lỗ và có khi vướng lao lí vì phải “chế” hóa đơn.

toancanh.jpg
Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, nhiều vấn đề cử tri quan tâm

Đối với việc nguồn vốn tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp trong các gói được hỗ trợ, kính đề nghị lãnh đạo tỉnh có ý kiến chỉ đạo Giám đốc Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa rà soát và chỉ đạo các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn tỉnh tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời làm rõ số lượng các doanh nghiệp đã, đang được thụ hưởng các chính sách ưu đãi nguồn vốn nêu trên, không dựa trên báo cáo bằng tỷ lệ % số tiền đã giải ngân, mà chú trọng đến việc đã có bao nhiêu doanh nghiệp được thụ hưởng các gói hỗ trợ của Chính phủ.

Ngoài ra, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa kiến nghị tỉnh tạo điều kiện thuận lợi về cho mượn, thuê trụ sở làm việc, nhằm tạo điều kiện cho hiệp hội khi đón tiếp, làm việc với đối tác, các cơ quan chức năng khi đến làm việc và các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, hội ngành nghề, các tỉnh bạn đến giao lưu xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương, tổ chức lễ kỷ niệm... xứng đáng vai trò, vị thế của một tổ chức đại diện cho hơn 27.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp ở Thanh Hóa kiến nghị nhiều vấn đề với HĐND tỉnh