Mặc dù chưa được sự cho phép của các cơ quan chức năng, tuy nhiên, một doanh nghiệp lớn trên địa bàn đã ngang nhiên mang máy múc san lấp mặt bằng trên đất rừng phòng hộ ven biển, bất chấp dư luận.
Theo thông tin phản ánh từ quần chúng nhân dân, thời gian vừa qua, trên địa bàn xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), một doanh nghiệp lớn ở địa phương đã ngang nhiên mang máy múc tới chở đất, san lấp, tạo mặt bằng ở khu vực đất rừng phòng hộ ven biển, mặc dù chưa được sự cho phép của các cơ quan chức năng.
Biên bản vi phạm, Ban quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu lập đối với hộ ông Hồ Xuân Thắng.
Để tìm hiểu rõ hơn về thực trạng mà người dân đã phản ánh, PV đã trực tiếp về hiện trường để kiểm tra cũng như làm việc với chính quyền địa phương về vấn đề này.
Từ UBND xã Quỳnh Bảng đi về phía biển chừng 2-3km, không khó để bắt gặp một diện tích lớn đất rừng phòng hộ đã được doanh nghiệp này cào bằng tạo mặt nền. Do việc mang máy múc vào rừng để múc đất, san phẳng mặt bằng nên đã khiến một số cây phi lao trên đất rừng phòng hộ bị đổ, gãy, nhiều cây khác đã bị trồi hết phần rễ.
Mặc dù chưa được sự cho phép của các cơ quan chức năng, nhưng doanh nghiệp Hoàng Thái Sơn vẫn ngang nhiên san lấp mặt bằng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Nghĩa Dũng – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng cho biết: “Sau khi xảy ra tình trạng đổ đất trên đất rừng phòng hộ, chính quyền địa phương và Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳnh Lưu đã về kiểm tra và lập biên bản vụ việc. Đồng thời, yêu cầu chủ hộ san lấp mặt bằng phải dừng lại và tiến hành trồng cây xanh lên những khu vực đất trống ”.
“Tương lai ở khu vực này sẽ trở thành khu du lịch, nên doanh nghiệp cũng có ý muốn phát triển kinh doanh ở đây. Về lâu dài sẽ yêu cầu đơn vị khai thác du lịch phải xây kè phía trước để đảm bảo chắn sóng” – ông Dũng cho biết thêm.
Những con đường mới mở xẻ qua đất rừng phòng hộ để ra biển.
Được biết, hộ ông Hoàng Xuân Thắng trú ở xóm Chí Thành, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu là người đã tự ý san phẳng mặt bằng trên đất rừng phòng hộ nói trên, bất chấp dư luận, cũng như chưa được các cấp thẩm quyền cho phép.
Việc ông Thắng ngang nhiên “tự tung tự tác” trên diện tích khoảng 2000m2 đất rừng phòng hộ nhưng chính quyền địa phương vẫn “tạo điều kiện” để cho doanh nghiệp làm là điều không thể chấp nhận được. Sở dĩ nói vậy là bởi việc doanh nghiệp cho máy móc, xe cộ chạy qua lại để đổ đất, đá, san phẳng khu đất rừng phòng hộ đều chạy trên con đường độc đạo qua trụ sở UBND xã Quỳnh Bảng. Thế nhưng, những hoạt động đó vẫn diễn ra bình thường mà không bị ngăn chặn hay nhắc nhở.
Cây đổ, gốc trơ trọi là điều dễ nhận ra ở khu vực này.
Ông Trần Huy Đạt, Trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật, Ban quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu cho biết: “Sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã phối hợp với địa phương kiểm tra và lập biên bản vụ việc. Thực tế việc quản lý đất rừng phòng hộ ở đây cũng hết sức khó khăn, vì phần đất này trước đây là đất giao khoán cho người dân. Về mặt quản lý Nhà nước thì thuộc đất rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý, nhưng thực tế lại là đất giao khoán”.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, tránh gây bất bình trong quần chúng nhân dân.