Doanh nghiệp chủ động đổi mới để thích ứng với dịch bệnh

Trang Nhi| 16/12/2021 10:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trải qua 4 đợt dịch COVID-19, các doanh nghiệp (DN) đều hiểu rằng tái cấu trúc là bắt buộc và rút ra bài học lớn là sắp xếp lại quy trình làm việc, làm việc trực tuyến và trực tiếp.

Tái cấu trúc quy trình sản xuất

“Cơn bão” COVID-19 đang tạo ra một cuộc sàng lọc trong cộng đồng DN, đặc biệt là DN sản xuất. DN nào vượt qua được sẽ có được bước đi vững chắc trong sản xuất và kinh doanh.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang dần thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, các lãnh đạo doanh nghiệp phải tiếp tục cân bằng chiến lược cắt giảm chi phí mà không gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp, đồng thời chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố giúp tăng trưởng. Để chuẩn bị cho những khủng hoảng trong tương lai, đây chính là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp thực hiện các biện pháp tái cấu trúc và tìm kiếm sự khác biệt trong chuỗi giá trị.

anh-1.-tai-cau-truc-dn.jpg
Trong trạng thái “bình thường mới”, tái cấu trúc là điều bắt buộc đối với các doanh nghiệp muốn vững vàng vượt qua đại dịch.

Trước đây, Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn đã lên kế hoạch xây dựng rủi ro trong sản xuất - kinh doanh nhưng chưa bao giờ xây dựng rủi ro về bệnh dịch. Dịch bệnh xảy ra lần này là không có tiền lệ, hết sức đột ngột.

Sau thời gian dài giãn cách xã hội, công ty nhận ra cần có lực lượng nhân sự tham gia quy trình sức khỏe, ví dụ nhân viên điều dưỡng, nhân viên y tế. Công ty đã sắp xếp lại hoạt động sản xuất - kinh doanh; tăng hoạt động trực tuyến của khối văn phòng, chỉ họp nhanh, họp ít người; bảo đảm vấn đề thông gió trong nhà xưởng; khi tuyển dụng lao động, ngoài yêu cầu về năng suất, kỹ năng thì cần thêm ý thức...

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do như CPTPP, EVFTA…, ngành dệt may được đánh giá sẽ có nhiều đột phá trong thời gian tới. Vì vậy, các bước tái cấu trúc doanh nghiệp trong thời gian qua đã giúp doanh nghiệp tạo lập được nền tảng vững chắc, có cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trở lại khi thị trường hồi phục.

Nhờ sớm tái cấu trúc các khoản đầu tư tài chính dài hạn của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Viantex) tại các doanh nghiệp, sắp xếp lại, xử lý nhà đất của Vinatex và đơn vị thành viên…, tập đoàn đã có kết quả tăng trưởng ấn tượng về doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản hằng năm, hơn 150.000 lao động và mạng lưới đơn vị thành viên, nhà máy trải dài trên cả nước, được đảm bảo công ăn việc làm, góp phần ổn định an sinh xã hội cho các địa phương.

Hướng đến tăng trưởng bền vững

COVID-19 làm cho sức chống chịu của doanh nghiệp bị suy giảm, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, ảnh hưởng sản xuất quy mô lớn. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, đặc biệt là cơ hội hình thành và phát triển các chuỗi giá trị, chuỗi liên kết mới, hình thành các mô hình, ngành nghề kinh doanh mới.

Đây còn là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi chiến lược… để hướng tới tăng trưởng bền vững giữa đại dịch.

Điển hình là Công ty TNHH Công nghiệp Boss (H.Trảng Bom, Đồng Nai), khi dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, công ty đã tìm mô hình sản xuất mới cho phù hợp với ngành hàng để giữ được thị trường và đơn hàng. Để giữ cho công ty ổn định, phát triển, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, bên cạnh sản xuất các thiết bị máy móc, công ty sản xuất thêm thiết bị y tế để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

anh-2.-tai-cau-truc-dn.jpg
Người lao động tại Công ty TNHH Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch để đảm bảo sản xuất.

Trước bối cảnh đó, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh. Chủ động chuyển đổi lao động, tái cấu trúc lao động, chú trọng đào tạo, đào tạo lại người lao động và trang bị nền tảng quản trị doanh nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp. Chủ động ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ để biến thách thức thành cơ hội, tạo chuẩn giá trị mới, mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phải tận dụng lợi thế, cơ hội và xu thế cùng sự sáng tạo, chuyển động của cuộc cách mạng 4.0, với các giải pháp về chuyển đổi số để cho ra các sản phẩm mới, “thông minh hóa” quản trị và quy trình sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và khả năng tương tác với các doanh nghiệp cùng ngành, doanh nghiệp đối tác; xây dựng thương hiệu gắn với trách nhiệm "xanh"…

Sự phục hồi đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế không phải là việc trở lại trạng thái ở thời kỳ trước khi diễn ra đại dịch, mà các doanh nghiệp, nền kinh tế phải bắt đầu một diện mạo mới, một mô hình kinh doanh mới theo hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo hướng xanh, phát triển bền vững, đủ khả năng kháng cự và chống chịu trong bối cảnh dịch bệnh.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp chủ động đổi mới để thích ứng với dịch bệnh