Trong dự thảo của Bộ Tài chính quy định các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh với các ngưỡng nợ thuế khác nhau. Theo đó, từ 1/1/2025, cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.
Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bị cưỡng chế thi hành nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 100 triệu đồng trở lên thì người đại diện pháp luật sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.
Dự thảo quy định ngưỡng nợ thuế áp cho doanh nghiệp và cá nhân. Đối với cá nhân nợ thuế từ 10 triệu đồng và doanh nghiệp nợ thuế mức 100 triệu đồng sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng, nội dung này liệu có hợp lý?
Một chủ doanh nghiệp có trụ sở đóng tại TP.HCM nêu ý kiến: “Nợ thuế 10 triệu với cá nhân không phải là một mức nhỏ, khi ấy có thể tránh được việc tạm hoãn xuất cảnh cho những khoản nợ nhỏ hơn, tránh gây phiền hà không cần thiết. Còn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đề xuất ở mức này sẽ xây dựng được trách nhiệm tuân thủ nghĩa vụ thuế”.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, dự thảo có nhiều điểm mới tiến bộ, có lợi hơn cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp: So với cái cũ thì dự thảo có những điều mới. Vì cái cũ thì khi cá nhân hoặc doanh nghiệp sơ sót nợ có 1 đồng tiền thuế thì cũng là nợ và bị tạm hoãn xuất cảnh. Thì trong đề xuất này cũng có những điểm tiến bộ hơn và cũng có lợi hơn cho các hộ kinh doanh và các doanh nghiệp.
Một vấn đề đáng lưu ý là về thời gian xác định nợ thuế quá hạn. Dự thảo Nghị định quy định biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sẽ áp dụng với các trường hợp nợ thuế quá hạn trên 120 ngày.
Ngoài việc ra làn ranh đỏ, dự thảo cũng đưa ra giới hạn thời gian để các chủ thể bị điều chỉnh có điều kiện thu xếp, thực hiện nghĩa vụ thuế. Theo ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Nguyễn Trãi) cho rằng: “Theo tôi đánh giá, thời hạn 120 ngày trở lên là bước đi hợp lý để những đối tượng đang gặp khó khăn, họ cũng có thời gian để chuẩn bị. Thứ 2 là tăng cường kỳ luật tài chính và đảm bảo mức công bằng, tăng hiệu quả về ngân sách”.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật S&B Law cho rằng, khi xác định ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh thì cần tuỳ từng trường hợp, không nên đánh đồng: “10 triệu đối với cá nhân và 100 triệu đối với tổ chức thì mức này cào bằng tất cả hộ kinh doanh, cá nhân và doanh nghiệp. Ví dụ một doanh nghiệp siêu nhỏ thì mức nợ thuế 100 triệu là lớn nhưng đối với doanh nghiệp nghìn tỷ thì mức nợ thuế 100 triệu đó là quá nhỏ. Và cá nhân cũng thế”. Luật sư Hà cho rằng, có chăng cần có sự điều hỉnh cụ thể để tránh cào bằng, tạo sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ.
Theo các chuyên gia, Dự thảo của Bộ Tài chính là một bước đi đúng đắn, nhưng cần điều chỉnh mức ngưỡng nợ thuế quá hạn theo quy mô và năng lực của từng đối tượng, tránh gây áp lực không cần thiết cho các cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ. Quy định cần đi kèm các cơ chế hỗ trợ và cảnh báo để vừa đạt được mục tiêu thu ngân sách, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân phát triển bền vững.