Người ở quê thì “đèo bồng” nhau ra thành phố, còn người ở thành phố lại rủ nhau về quê hay tìm đến các điểm nghỉ dưỡng rồi ai nấy cũng đều kêu trời “biết thế ở nhà cho lành”.
Đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài tới 4 ngày, vì thế mà nhà nhà từ quê ra phố đều lên kế hoạch đi du lịch xả hơi. Người quê tay xách nách mang, lỉnh kỉnh đồ đạc, đèo bồng nhau ra thành phố lớn để “hưởng thụ” cái không khí “sang chảnh” của phố thị. Còn người ở phố thị, chỉ đợi dịp nghỉ lễ dài ngày lại rủ nhau về quê hay đặt vé đến những khu nghỉ dưỡng, khu sinh thái, hay những resort hạng sang để trốn cái nắng thành phố.
Cảnh chen lấn tại các bến xe. Ảnh: PLO
Ấy thế mà, cái sự “ngược đời”, “tréo ngoe” đấy lại đang diễn ra không chỉ có đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 này mà hầu hết diễn ra vào những đợt nghỉ lễ của cả nước. Cứ mỗi dịp như thế, người dân lại “đồng loạt” lên kế hoạch đi nghỉ.
Tuy nhiên, nghỉ ngơi đâu chưa thấy, chỉ thấy ngán ngẩm trước cảnh người người, nhà nhà, cả người lớn, cả trẻ con và thậm chí cả người già đèo hò nhau, đèo bồng nhau, tay xách nách mang chen chúc nhau. Không quá ngạc nhiên khi các khu vui chơi, du lịch nghỉ mát nổi tiếng trong nước đều rơi vào tình trạng quá tải . Cảnh quan ở bãi biển, công viên hay sở thú đều bị lu mờ bởi… đầu người.
Dù chỉ nhìn qua màn hình máy tính, hình ảnh hàng trăm chiếc xe máy nối đuôi nhau tắc dài trên một cung đường phượt nọ cũng gây cho tôi cảm giác vô cùng khó thở. Chen chúc trong bãi… người hoặc cho xe máy “đi bộ” như thế, không phải là một biểu hiện của việc sống chậm, thể hiện lòng nhiệt thành như cách nói đầy nghệ sĩ của người trẻ mà rõ là một kiểu tự hành xác.
Tôi dám cá, trong số những người đi du lịch nhân dịp nghỉ lễ dài ngày năm nay đều thốt lên: “Biết đông như thế này thì ở nhà cho lành”. Và không chỉ có năm nay, mà hầu hết ở mỗi kì nghỉ lễ nào, tình trạng quá tải, chen chúc nhau đến nghẹt thở ở các điểm vui chơi đều diễn ra như thế và người ta lại “kêu trời” như thế này.
Hẳn trong bất cứ chúng ta đều xuất hiện cái cảm giác “gato”, ghen tị khi nhìn thấy “nhà người ta” vui vẻ ở các điểm du lịch trên các hình ảnh được đăng trên các mạng xã hội kèm theo những cụm từ như “tôi xê dịch”, “sáng thức dậy ở một nơi xa” vào dịp nghỉ lễ với vẻ đầy hứng khởi, tươi vui. Thế nhưng, đằng sau những hình ảnh “hoa mĩ” đẹp đẽ ấy lại là cảnh chen chúc nhau, nóng nực và bực dọc. Thậm chí, cảnh đâu chưa thấy, không khí trong lành đâu chưa thấy, chỉ thấy người và người ở xung quanh làm cho không gian ngày càng chật hẹp. Chỉ là, “nhà người ta” tranh thủ chộp vài ba tấm hình để đăng lên mạng xã hội khiến chúng bạn ở nhà phải “gato”.
Thử tưởng tượng mà xem, bạn có thoải mái khi xuống tắm hoặc đơn giản là nằm tắm nắng ở một bãi biển ngột ngạt, chỉ ngửi thấy hơi người? Chỉ một mét vuông thui mà đã thấy “nhung nhúc” người bơi kín. Hơn thế nữa, giá phòng, giá đồ ăn, rồi các chi phí cho các dịch vụ, vé vào cửa khác nữa….không hề rẻ, thậm chí là tăng chóng mặt mà không tỉ lệ thuận với chất lượng dịch vụ?
Du khách chen nhau tại bãi biển Đồ Sơn. Ảnh: Vietnamnet
Thường, nơi nào càng đông người thì càng phức tạp. Ai mà biết được kẻ đang bơi cạnh mình có nổi hứng… có hành động bất nhã theo thói quen hay không. Rồi móc túi, rồi kẹt xe, rồi nguy cơ xảy ra tai nạn do nhu cầu nhậu nhẹt quá chén của một bộ phận đàn ông Việt (vốn đã rất cao vào ngày thường)… Thực tế, chỉ cần thu xếp công việc khéo léo một chút, bạn sẽ có nhiều dịp để trải nghiệm, khám phá những miền đất xinh đẹp của Tổ quốc mà không phải chen lấn, va chạm, tốn tiền vô ích. Đi du lịch để khỏe mạnh hơn, yêu đời hơn chứ đi để gánh thêm mệt mỏi, khó chịu vào người thì đi làm gì kia chứ? Hoặc không cần đi đâu xa, mỗi dịp nghỉ lễ như thế này, về nhà là giải pháp an toàn nhất. Nhà là nơi nghỉ dưỡng tốt nhất, giúp mỗi chúng ta lấy lại tinh thần sau những ngày làm việc áp lực, mệt mỏi. Thế mới có câu “Không nơi đâu bằng nhà của mình”.
Cứ vào dịp lễ là cụm từ “thất thủ” lại tràn ngập. Sầm Sơn thất thủ, Hạ Long thất thủ, Nha Trang hay Vũng Tàu cũng không khá hơn là bao…và bao nhiêu điểm du lịch khác cũng “thất thủ”. Tại các địa chỉ du lịch đều “thất thủ”, đông đến ngạt thở, từ biển lên rừng, hễ là địa chỉ du lịch có tên tuổi là chắc chắn đông nghẹt khách. Ai cũng biết rất rõ nhưng với lý do đây là dịp tốt nhất để đi du lịch cùng gia đình, là thời gian c, ó thể nghỉ ngơi. Điều đó đúng hơn với dân công chức, với những người làm công ty, v.v…Bởi chỉ có dịp nghỉ lễ này họ mới có thể rời khỏi chiếc máy tính và bàn làm việc.
Thế nhưng, trái ngược với mong muốn đi du lịch hay nghỉ dưỡng lại là đi hành xác. Năm nào, báo chí cũng chẳng thông tin rất kỹ về những địa chỉ thường xuyên “thất thủ” trong dịp lễ 30/4 và 1/5. Và mặc dù tất cả đều biết như thế nhưng cái sự thích “xê dịch” kiểu hành xác này vẫn được nhiều người lựa chọn. Câu hỏi bật ra là, tại sao ai cũng biết như vậy, rằng, những địa chỉ “thất thủ” muôn thuở mà người ta vẫn cứ tới.
Sau kì nghỉ, vì thế không sảng khoái hơn, không thư giãn hơn bao nhiêu mà lại phải tiếp một kỳ nghỉ khác không mong muốn tại gia để lấy lại sức sau thời gian “nghỉ mát”.
Công việc cơ quan sau thời gian đi nghỉ kiểu “hành xác” này tới “kiệt sức” ấy khó mà tốt được. Sức khoẻ thậm chí còn sa sút vì đi nghỉ dưỡng.
Nghỉ dưỡng theo cách lựa chọn a dua, đám đông, dấn thân vào những điểm nóng ngột ngạt đông kín người như thế không mang lại ích lợi gì ngoài sự tốn kém và hại sức khoẻ, tổn tinh thần.
Có thể nói, việc biết lựa chọn cho mình và gia đình cách nghỉ dưỡng, cách du lịch phù hợp là ứng xử văn minh, có trách nhiệm.
Nước ta còn muôn vàn bãi tắm sạch, thoáng, đẹp đẽ. Còn muôn vàn điểm tham quan, chiêm ngưỡng cảnh đẹp, thư giãn trong cảnh sắc thiên nhiên, tĩnh lặng, thưởng thức những món ăn ngon và sạch, nơi thực sự có những ngày nghỉ êm ả, tĩnh tại và nhiều dấu ấn đẹp. Cớ đâu cứ phải loanh quanh vài điểm đến.
Còn đối với các địa chỉ du lịch quá tải, tình trạng này tái diễn nhiều năm, không cứ đợt nghỉ lễ năm nay. Chỉ mong, tự mỗi người biết cách tặng cho chính mình một kỳ nghỉ đúng nghĩa, vui, thư giãn bên gia đình và người thân.