Chính trị

ĐBQH: Cần có chiến lược “hồi hương cổ vật”

Duy Tuấn 26/06/2024 - 11:45

Ban soạn thảo cần quy định rõ hơn mối quan hệ ràng buộc, chặt chẽ giữa việc đăng ký di vật, cổ vật với quyền, lợi ích của chủ sở hữu khi tham gia vào thị trường trao đổi. Đặc biệt, Chính phủ cần có chiến lược “hồi hương cổ vật”, đưa các di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước, đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nêu ý kiến trước Quốc hội.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, sáng 26/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Bổ sung di sản văn hóa phi vật thể, đảm bảo thống nhất các luật

Về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể (Điều 9), đại biểu Âu Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho rằng, dự thảo Luật quy định các di sản văn hóa phi vật thể được hình thành, trao truyền trong quá trình lịch sử và thích ứng của cộng đồng chủ thể với môi trường tự nhiên, xã hội bao gồm 06 loại hình.

authimai.jpg
Đại biểu Âu Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Tuy nhiên, xuyên suốt từ Thông tư số 04 ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến Nghị định số 39 ngày 16/4/2024 của Chính phủ quy định về biện pháp quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh sách của UNESCO ghi danh và danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "đều quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện đối với 07 loại hình di sản".

"Đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định các loại hình cũng như khái niệm về di sản văn hóa phi vật thể trong dự thảo Luật đảm bảo phù hợp, thống nhất với các quy định hiện hành- đại biểu Âu Thị Mai nêu quan điểm.

Góp ý về chính sách của nhà nước đối với di sản, đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, dự thảo Luật quy định nội dung về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu mang tính định hướng chính sách. Quy định như vậy sẽ rất khó triển khai trong thực tiễn.

"Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn các nội dung chính sách, cũng như cách thức tổ chức thực hiện liên quan đến quản lý, bảo vệ di sản của đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật", đại biểu Tráng A Dương nêu quan điểm.

Khuyến khích đăng ký, quản lý cổ vật

Cho rằng dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có nhiều điểm mới về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, theo đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, "điều này phù hợp với thực tiễn hiện nay hướng tới phát triển công nghiệp văn hóa và phù hợp với công ước của UNESCO".

thichducthien.jpg
Đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.

Về đăng ký di vật, cổ vật được quy định tại Điều 39 dự thảo Luật quy định, "Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu của mình với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương". Theo đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện, "quy định này rất cần thiết, qua đó dễ dàng quản lý, nhận diện, hình thành bộ dữ liệu di sản, ngăn ngừa vấn nạn đánh cắp di vật, cổ vật".

"Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ hơn mối quan hệ ràng buộc, chặt chẽ giữa việc đăng ký di vật, cổ vật với quyền, lợi ích của chủ sở hữu khi tham gia vào thị trường trao đổi, mua bán, trưng bày các di vật đã được đăng ký", đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

Đồng thời, đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng đề nghị Chính phủ có chiến lược “hồi hương cổ vật”, đưa các di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước.

vh(2).jpeg
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần tính đến việc quy định về miễn các loại thuế, phí liên quan cho các di vật, cổ vật được đưa về nước không vì mục đích trao đổi buôn bán, kinh doanh nhằm thu hút nguồn lực cho việc “hồi hương cổ vật”.

Bổ sung các quy định liên quan đến số hóa di sản văn hóa

Về quy định chính sách của nhà nước về di sản văn hóa tại Điều 7, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng, dự thảo Luật kế thừa nhiều chính sách của Luật Di sản văn hóa hiện hành; đồng thời sửa đổi bổ sung nhiều quy định như: hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, cơ chế đầu tư bố trí ngân sách cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, chính sách xã hội hóa, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

tranthihongthanh.jpg
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Tuy nhiên, để thể chế hóa đầy đủ hơn các chủ trương của Đảng, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát nghiên cứu bổ sung trong Điều 7 dự thảo Luật các nội dung liên quan đến chủ trương, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, chuyển đổi số về văn hóa, số hóa di sản văn hóa, hợp tác công tư về phát triển văn hóa.

Đại biểu đề nghị "đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho các hoạt động bảo vệ bảo tồn phát huy giá trị và sáng tạo nên các di sản văn hóa mới".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH: Cần có chiến lược “hồi hương cổ vật”