Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong toàn hệ thống TAND

Trần Quang Huy| 16/05/2016 16:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC đã sử dụng tổng thể các giải pháp; vừa tích cực, chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết trong phát hiện, xử lý.

Trong đó lấy phòng ngừa tham nhũng là cơ bản và lâu dài, tiến tới đẩy lùi, xóa bỏ tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp của Tòa án.

Hành vi tiêu cực trong hoạt động tư pháp của Tòa án

Tiêu cực, tham nhũng là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới đất nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tiêu cực, tham nhũng không chi phát sinh ở các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai… mà thậm chí cả những lĩnh vực lẽ ra không thể có tham nhũng như lĩnh vực bảo vệ pháp luật. Đối với Tòa án, hành vi tiêu cực trong hoạt động tư pháp được hiểu là những hành vi cố ý để vụ lợi hoặc vì động cơ khác mà vi phạm trình tự, thủ tục, văn bản quy phạm pháp luật. Hành vi đó là cố ý và được thực hiện bằng hành động hoặc không hành động của chủ thể vi phạm như: cố ý không làm hoặc làm sai những điều phải làm; không làm những việc đáng lẽ phải làm trong hoạt động tư pháp của Toà án; chỉ đạo hoặc tác động người khác để người đó làm những việc trái với các quy định; ngăn cản người khác làm những việc đúng theo quy định của pháp luật…

Theo cách tiếp cận nêu trên thì hành vi tiêu cực trong hoạt động tư pháp của Toà án có thể xảy ra với nhiều hình thức đa dạng và phức tạp. Đối tượng vi phạm có thể là Thẩm phán, Thư ký hoặc cả lãnh đạo, thậm chí còn có cả những cán bộ, công chức không trực tiếp tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật. Ngoài các đối tượng có thể vi phạm nêu trên, một đối tượng cũng chịu sự tác động của hành vi tiêu cực trong hoạt động tư pháp đó là Hội thẩm nhân dân. Việc quy định về chế định Hội thẩm nhân dân như hiện nay cũng dễ dẫn đến phát sinh các hành vi tiêu cực có thể xảy ra như: thông qua việc lựa chọn, mời Hội thẩm nhân dân đơn giản, dễ dãi, dễ thuyết phục tham gia xét xử để việc xét xử theo ý của các Thẩm phán hoặc lãnh đạo Tòa án có ý đồ. Ngoài ra, sự hạn chế về năng lực chuyên môn, phương pháp, kỹ năng của Hội thẩm nhân dân dẫn đến họ không thể đưa ra được nhận định, phản biện ý kiến của Thẩm phán nên dễ dàng bị thuyết phục. Nguyên tắc xét xử tập thể và thiểu số phục tùng đa số có thể phát sinh tiêu cực khi các Hội thẩm nhân dân vì mục đích vụ lợi nên biểu quyết khi nghị án để việc giải quyết vụ án theo ý của mình...

Phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của Tòa án

Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC xác định: để công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thì phải sử dụng tổng thể các giải pháp; vừa tích cực, chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết trong phát hiện, xử lý; trong đó lấy phòng ngừa tham nhũng là cơ bản và lâu dài, tiến tới đẩy lùi, xóa bỏ tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp của Tòa án. Chính vì vậy, những năm qua, lãnh đạo Tòa án các cấp không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhằm làm trong sạch hệ thống TAND, đảm bảo Tòa án hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử.

Ban cán sự Đảng TANDTC đã xây dựng “Đề án thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của Tòa án” nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. TAND, TAQS các cấp không ngừng xây dựng đội ngũ Thẩm phán, công chức, viên chức “vừa hồng, vừa chuyên”, có phẩm chất đạo đức tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, nhân dân; có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và các kiến thức bổ trợ khác bảo đảm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Tòa án các cấp cũng từng bước bảo đảm chế độ, chính sách đãi ngộ đối với Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác trong TAND tương xứng với vị trí, vai trò và đặc thù của công tác xét xử để họ không bị chi phối bởi các quan hệ xã hội và sự tác động bởi các yếu tố lợi ích, tiêu cực. Ngoài ra, Tòa án các cấp tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết công việc tại Tòa án; tăng cường hiệu quả quản lý và đảm bảo các hoạt động của Tòa án là công khai, minh bạch nhằm hạn chế các hành vi tiêu cực của cán bộ, công chức trong hoạt động tư pháp.

Bên cạnh đó, Ban cán sự Đảng TANDTC tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” gắn với đẩy mạnh học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tòa án các cấp đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức trong hệ thống TAND” gắn với phong trào thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” và xây dựng các quy định, quy chế tăng cường kỷ luật công vụ, tiến tới xây dựng một nền công vụ “Chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả”, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong toàn hệ thống TAND