Một cô gái trẻ dừng đèn đỏ đúng luật giữa lòng Thủ đô đã ra đi mãi mãi chỉ vì hành vi coi thường pháp luật của những người lẽ ra còn cả tương lai phía trước. Phiên tòa khép lại, bản án đã tuyên, nhưng nỗi đau thì còn đó - như một lời cảnh tỉnh về trách nhiệm giáo dục, quản lý con em và ý thức chấp hành luật giao thông.
Chia sẻ với PV Báo Công lý, Thẩm phán Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh án TAND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và “Gây rối trật tự công cộng” là vụ án điển hình của hành vi tụ tập đông người điều khiển xe mô tô tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, vượt đèn đỏ, bấm còi inh ỏi gây rối trật tự công cộng, vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ gây tai nạn làm 1 người chết, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Việc xét xử nghiêm minh các bị cáo là cần thiết và đảm bảo tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm gây rối trật tự công cộng nói riêng trên địa bàn TP. Hà Nội.
Trong số 24 bị cáo có tới 12 bị cáo thực hiện hành vi phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi; các bị cáo điều khiển phương tiện tham gia giao thông đều chưa có giấy phép lái xe theo quy định.
Cũng theo Chánh án Nguyễn Mạnh Hùng, Luật Tư pháp người chưa thành niên thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc có hiệu lực từ ngày 01/01/2026, tuy nhiên một số quy định có lợi cho người chưa thành niên phạm tội được xem xét áp dụng ngay từ ngày Luật được công bố 02/12/2024. Do đó, khi quyết định hình phạt, HĐXX đã căn cứ các quy định về hình phạt của Luật Tư pháp người chưa thành niên để xử phạt các bị cáo chưa thành niên phạm tội đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật, đồng thời phải phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả của vụ án và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung.
Việc đưa vụ án ra xét xử theo đúng quy định pháp luật đối với các bị cáo còn là lời cảnh tỉnh cho các bậc làm cha, làm mẹ, cho các gia đình và toàn xã hội trong quản lý, giáo dục con em mình, trong việc giao phương tiện cho các cháu sử dụng tham gia giao thông, trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, làm sao để không còn thấy tiếng khóc của những người cha, người mẹ bị mất con vì những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, không còn nghe tiếng khóc của các bậc làm cha, làm mẹ vì có con vướng vào lao lý, lỡ dở tương lai, ước vọng.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thu Hương - Công ty Luật TNHH I&WE, một trong những Luật sư trực tiếp tham gia trong vụ án này cho biết, khi nghiên cứu hồ sơ và quá trình xét xử, bà nhận thấy, đây không chỉ đơn thuần là một vụ án hình sự gây hậu quả nghiêm trọng, mà còn là bức tranh thu nhỏ phản ánh một bộ phận thanh thiếu niên trong xã hội hiện nay – thiếu định hướng, coi thường pháp luật và dễ dàng bị cuốn theo tâm lý đám đông.
Trong số 24 bị cáo, có những người trong nhóm chủ động tham gia cuộc đua với tốc độ cao, hành vi liều lĩnh. Có những bị cáo ban đầu không có ý định đua, nhưng do hiếu kỳ, thấy đoàn xe chạy rầm rộ cũng bất chấp nhập cuộc, phóng xe bạt mạng trên đường phố.
Bên cạnh đó, có cả những trường hợp chạy xe lạng lách, vượt ẩu không nhằm mục đích đua xe, mà để trốn tránh lực lượng chức năng khi vi phạm quy định an toàn giao thông. Tuy vậy, dù mục đích như thế nào, thì điểm chung của tất cả các bị cáo này là thái độ coi thường pháp luật, gây mất an toàn giao thông và dẫn đến hậu quả thương tâm khiến một người tử vong.
“Tôi cho rằng bản án đã tuyên là đích đáng, có sự phân nhóm rõ ràng đối với từng hành vi, tính chất, mức độ phạm tội, đối với bị cáo trực tiếp điều khiển phương tiện và bị cáo tham gia vai trò đồng phạm ngồi sau, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và có tính răn đe rõ ràng đối với các bị cáo” - luật sư Hương nhấn mạnh.
Theo luật sư, HĐXX đã thận trọng phân tích vai trò, mức độ hành vi của từng bị cáo để phân nhóm tội phạm và quyết định hình phạt tương ứng. Nếu pháp luật có thể đánh đổi bằng thời gian tù để giành lại mạng sống cho người đã khuất, bà tin rằng Tòa sẽ không ngần ngại áp dụng mức hình phạt cao nhất. Nhưng đứng dưới kia là 24 gương mặt trẻ chỉ từ độ tuổi từ 16 đến 20, dễ bị kích động, thiếu kỹ năng sống, không ý thức được hậu quả pháp lý từ hành vi của mình. Tòa án là cán cân công lý, vừa có trách nhiệm đòi lại công bằng cho người đã khuất, nhưng cũng đảm bảo sự khoan hồng, nhân văn vì những đối tượng phạm tội trong vụ án này phân nửa là thuộc đối tượng điều chỉnh bởi “Luật Tư pháp người chưa thành niên”.
Vụ án đã gióng lên hồi chuông báo động về sự buông lỏng quản lý của gia đình và xã hội đối với thế hệ trẻ. Tôi tin - một bản án không chỉ có ý nghĩa trừng phạt, mà còn có sức mạnh cảm hóa, chính là cách công lý thật sự chạm đến con người.
Trong phần tuyên án trước đó, HĐXX cho rằng, đây là vụ án điểm về tình trạng đua xe, lạng lách đánh võng, tụ tập chạy xe máy tốc độ cao nên cần xét xử nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung.
Tại phiên tòa, các bị cáo đều đã ăn năn hối lỗi. Các bị cáo phạm sai lầm đến nỗi bất chấp pháp luật, điều khiển phương tiện vi phạm giao thông, gây tai nạn ảnh hưởng đến tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Theo cáo trạng, tối ngày 02/11/2024, bị cáo Nhung lái xe chở bị cáo Nguyễn Phương Anh đi dạo trên các tuyến phố ở Hà Nội. Đến 23 giờ 30, Nhung gặp một nhóm thanh niên chạy xe với tốc độ cao, bị cáo nhập đoàn.
Đến ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu, Nhung không chú ý quan sát, điều khiển xe với tốc độ cao nên đâm vào xe của chị N.H.Q đang dừng chờ đèn đỏ. Cú va chạm khiến chị Q. ngã khỏi xe, văng ra đường.
Ngay sau đó, bị cáo Nguyễn Tá Minh K. điều khiển xe phía sau, tiếp tục đâm vào người chị Q, dẫn đến chị tử vong tại chỗ. Sau khi gây tai nạn, Nhung, Phương Anh, Khang và Cường dựng xe rồi rời khỏi hiện trường.
Kết quả điều tra cho thấy, tối ngày 02/11/2024, bị cáo K. lái xe Wave chở bị cáo Lê Đình Cường cùng nhiều đối tượng khác di chuyển qua nhiều tuyến phố, tham gia vào đoàn xe chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, bấm còi inh ỏi, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông.
Chính vì thế, khi bị cáo Nhung va chạm với xe khiến chị Q. ngã ra đường, bị cáo K. đi phía sau tiếp tục đâm vào người khiến chị Q. tử vong.
Chi tiết mức án của 24 bị cáo:
Bị cáo Nguyễn Hồng Nhung (SN 2005) lĩnh án 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và 18 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của hai tội là 8 năm 6 tháng tù.
Tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tá Minh K. (SN 2008) mức án 5 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và 12 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo này phải chấp hành hình phạt
chung của hai tội là 6 năm 6 tháng tù.
Tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Anh (SN 2005) 12 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Tổng hợp với hình phạt 28 tháng tù tại Bản án trước đó, buộc bị cáo này phải chấp hành hình phạt chung là 40 tháng tù.
21 bị cáo còn lại trong độ tuổi 16-17 bị tuyên phạt mức án 5 - 10 tháng tù. Trong số này, một số người bị tạm giam đã chấp hành xong hình phạt, được Tòa tuyên trả tự do nếu không phạm tội nào khác.