Năm 2022, thị trường bất động sản được dự đoán sẽ sôi động trở lại như thời điểm trước dịch, tuy nhiên các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng trước khi xuống tiền.
Thị trường bất động sản sẽ tạo "bứt phá"
Các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản sẽ bứt phá mạnh trong thời gian tới khi tận dụng được lợi thế từ các gói kích thích kinh tế cũng như chính sách tín dụng.
Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ hồi khá nhanh, điều này kéo theo khả năng "bật lò xo" của thị trường bất động sản trong năm 2022. Một trong những yếu tố tác động tích cực tới thị trường bất động sản là môi trường pháp lý dần được hoàn thiện khi Chính phủ dự kiến trình Quốc hội sửa Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, liên tiếp trong nhiều năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều động lực phát triển nhất khu vực châu Á. Bất động sản duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm và dự báo có nhiều triển vọng tích cực trong năm tới dựa trên các yếu tố vĩ mô bền vững.
Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế vừa và nhỏ có sức bật tốt, lợi thế về quy mô dân số, cơ cấu dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh, dự báo sẽ duy trì tăng trưởng hơn 6% trong những năm tới... Đây chính là lợi thế giúp bất động sản Việt Nam duy trì nhịp tăng trưởng nhất định và vượt qua lực cản của dịch bệnh.
Về triển vọng thị trường bất động sản năm 2022, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, những lợi thế của bất động sản Việt Nam vẫn giữ nguyên trong dài hạn. Việt Nam đang là điểm đến tiềm năng khi các thị trường xung quanh dần nóng lên.
Hơn nữa, thị trường bất động sản tận dụng được lợi thế từ các gói kích thích cũng như chính sách tín dụng và năm nay tiếp tục là năm củng cố về thể chế, tập trung vào các chính sách quản lý thị trường, quản lý dữ liệu thị trường.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho hay, hiện nay, doanh nghiệp đã khôi phục 70% hoạt động ở công trường dù công nhân gặp nhiều khó khăn trong việc quay trở lại. Thời gian qua, dù nguồn cung giảm so với những năm trước, nhưng quý cuối năm 2021 được đánh giá là sôi động nhất khi cung cầu gặp nhau sẽ tạo sự sôi động cho thị trường.
Nhà đầu tư cần thận trọng
Dù thị trường bất động sản được dự báo sẽ sôi động trong năm 2022 nhưng tình hình dịch bệnh tiếp tục gây ra một số hạn chế thì tính thanh khoản của tài sản là rủi ro lớn nhất. Do đó, để tránh những rủi ro không đáng có, nhiều chuyên gia đã đưa ra một số lời khuyên cho các nhà đầu tư khi mua bất động sản để ở hoặc đầu tư trong thời gian tới.
Chia sẻ với báo chí, Giám đốc R&D DKRA Vietnam Nguyễn Hoàng cho rằng, trong năm 2022, nhà đầu tư phải hết sức thận trọng khi đầu tư theo xu hướng. Bởi vì không phải cứ nghe chỗ nào “sốt” là đến đổ tiền mua mảnh đất vài trăm m2, trong khi xung quanh không có hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội là sẽ sinh lời.
Đặc biệt, trong năm 2022, các nhà đầu tư nên hết sức lưu ý với một số loại hình kinh doanh BĐS mới liên quan đến chuyển đổi số (proptech) và ứng dụng công nghệ blockchain.
Công nghệ thay đổi các hình thái kinh doanh lẫn loại hình sản phẩm trên thị trường BĐS là điều tất yếu nhưng chúng ta nên phân định rõ các ranh giới của đầu tư và đầu cơ. Bởi nếu công nghệ BĐS tạo ra những sản phẩm mang tính đầu cơ lớn thì khả năng rủi ro sẽ cao vì nhìn vào thực tế thì những hình thái sản phẩm như mua chung một BĐS, blockchain trong thị trường BĐS Việt Nam đang rất lỏng lẻo về pháp lý và khả năng thanh khoản.
Hơn nữa, các loại hình BĐS cũng không đồng nhất nên để không thể đồng hóa các sản phẩm này trên một nền tảng để hướng đến việc huy động vốn. Bởi lẽ ứng dụng công nghệ vào BĐS phải luôn ưu tiên tính minh bạch của sản phẩm vì đây là loại hình kinh doanh đặc thù với tài sản thực có giá trị lớn và được điều chỉnh dưới nhiều yếu tố pháp lý khác nhau.
Còn Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương khuyên, để tránh những rủi ro không đáng có, nếu nhà đầu tư mua BĐS để ở, sinh sống thì cần cân nhắc đến hạ tầng và tiện tích xung quanh. Nếu các nhà đầu tư lướt sóng, đầu tư ngắn hạn thì cũng phải cân nhắc lại phương án kinh doanh cũng như giảm thiểu kỳ vọng vì thị trường bây giờ không phải kiểu “lướt sóng” của nhiều năm trước nữa.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, nếu muốn đầu tư vào đâu thì cần nhìn 4 yếu tố: Kết nối và tiềm năng kết nối; sự quan tâm, quyết liệt của chính quyền địa phương; sự quan tâm của nhà đầu tư lớn...