Đạo diễn Lê Quý Dương làm “sống lại” vụ án người đốt đền (Herostratus)

Song Linh| 05/01/2022 14:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ án người đốt đền kinh điển thế giới một lần nữa sống dậy trên sân khấu. Chuyện nhân tình thế thái mang hơi thở thời đại khiến câu chuyện hơn hai nghìn năm trước còn nguyên giá trị.

Đời không thiếu 'kẻ đốt đền' ảnh 1
“Vụ án người đốt đền” là cuộc đối thoại thú vị giữa hiện tại và quá khứ. Ảnh: KỲ SƠN

Cuộc đối thoại thú vị

Vụ án người đốt đền (Herostratus) - (nguyên tác của nhà soạn kịch người Nga Grigori Gorin) là một trong những tác phẩm kinh điển và thành công của Nhà hát Kịch Việt Nam thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Thách thức của đạo diễn Lê Quý Dương và Sân khấu Lệ Ngọc không nhỏ. Họ buộc phải làm mới để thoát khỏi cái bóng của phiên bản đình đám-vở diễn đóng đinh tên tuổi cố NSND Đoàn Dũng, NSND Trọng Khôi ở Nhà hát Kịch Việt Nam. Đạo diễn Lê Quý Dương đã tìm ra chìa khóa thú vị, mang lại trải nghiệm bất ngờ.

Ra đời giữa thế kỷ 20, Vụ án người đốt đền kể lại câu chuyện của Herostratus-một kẻ buôn tôm cá ở chợ dám cả gan đốt đền thờ Artemis của thành Ephesus (Hy Lạp) vào năm 356 trước Công nguyên. Hắn không thèm chối tội mà còn ngang nhiên thách thức dư luận, tự đắc viết thành hồi ký truyền bá tội ác đốt đền thờ. Mục đích tối thượng là để tên tuổi của hắn trở nên bất tử. Hắn bỏ tiền mua chuộc tên cai ngục để làm những cuộc mua bán, đổi chác và thành công ngoài sức tưởng tượng. Kẻ phạm tội tự biến mình thành người hùng, thậm chí khiến vợ chồng nguyên soái Tisafern-đứng đầu thành Ephesus- vì hư danh mà bất chấp địa vị cao quý để đồng lõa với kẻ phạm tội.

Để làm mới kịch bản thuộc danh mục 100 vở kịch hay nhất mọi thời đại, đạo diễn Lê Quý Dương khôn ngoan chọn cách đối thoại với lịch sử. Nhân vật Người nhà hát (NSƯT Lê Chức) vừa là người dẫn chuyện, vừa xuất hiện ở những nút thắt, cao trào để đối chất với nhân vật trong quá khứ-Quan nhiếp chính Cleon và kẻ phạm tội Herostratus. Chất giọng trầm ấm, hào sảng của NSƯT Lê Chức được nhấn nhá đúng lúc mang lại hiệu ứng mới mẻ cho vở kịch kinh điển. Cuộc đối thoại của con người thế kỷ 21 với nhân vật cổ đại đưa câu chuyện lịch sử hơn 2.500 năm trở nên gần gũi hơn với đời sống đương đại.

Đạo diễn quy tụ được dàn nghệ sĩ phong phú trong Vụ án người đốt đền. Vai diễn Người nhà hát đánh dấu sự trở lại sân khấu sau 35 năm của NSƯT Lê Chức-suốt thời gian qua ông đứng trên bục giảng, làm cố vấn, là người thầy cho nhiều thế hệ diễn viên, đạo diễn. Nghệ sĩ Văn Hải đảm vai kẻ đốt đền tinh ranh, ngạo mạn. NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam trở lại với vai Nguyên soái. NSND Lệ Ngọc vào vai Klementin-vợ Nguyên soái. NSND chèo Thúy Ngần được huy động vào vai Nữ tư tế đền thờ Artemis, NSƯT cải lương Hoàng Tùng khiến khán giả bật cười với màn hóa thân thành kẻ cho vay nặng lãi, một ông nguyên bố vợ tham lam, lắm chiêu của kẻ đốt đền. Diễn viên trẻ Quang Tú tuy thế không bị lép vế khi vào vai Quan nhiếp chính Cleon.

Không chỉ có chuyện đốt đền

Đời không thiếu 'kẻ đốt đền' ảnh 2
Vở diễn thể hiện nỗ lực vượt khó của nghệ sĩ trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng. Ảnh: KỲ SƠN

Vụ án người đốt đền được dàn dựng trong thời gian dịch bệnh căng thẳng, tổng duyệt ra mắt sát ngày cuối năm 2021. Sự nỗ lực không mệt mỏi của nghệ sĩ khiến những khán giả chấp nhận “ngoáy mũi” trước giờ sáng đèn hài lòng. Từ 150 trang kịch bản, đạo diễn Lê Quý Dương co bớt dung lượng để vừa khuôn vở diễn dài độ hai tiếng đồng hồ, phù hợp với thị hiếu. Dù chưa phải một bản diễn hoàn hảo, còn đôi chỗ cắt gọt để đẩy nhanh hơn nhưng đạo diễn và nghệ sĩ tạo được dấu ấn với phiên bản mới.

Kể câu chuyện về kẻ đốt đền thời Hy Lạp cổ đại không đơn thuần chỉ để luận tội hắn-tội đồ châm lửa thiêu rụi một trong bảy kỳ quan cổ đại. Vụ án người đốt đền còn giá trị với đời sống là bởi nó còn thấm đẫm tính thời sự. Sự kiện có thật xảy ra trước Công nguyên đã làm nảy sinh một loạt hành động tương tự như Herostratus để mưu cầu nổi tiếng, bất chấp hành động đó bị người đời phỉ nhổ.

Kẻ đốt đền thời nào cũng có. Tội ác bắt nguồn từ quá khứ ấy vẫn hiện hữu trong đời sống. Những kẻ thích nổi tiếng ngược như Herostratus nhan nhản, nhất là ở thời không gian ảo lên ngôi. Nổi (tai) tiếng chỉ trong một đêm, chỉ bằng một hành vi nổi loạn, đi ngược lại giá trị nhân văn. Chẳng thế mà khi Người nhà hát bắt bẻ, lên án Herostratus về hành động báng bổ, hắn đã thẳng thừng: “Hãy lột bỏ bộ mặt nhân văn giả tạo đi và quay về truy vấn thời đại của chính các ông. Thời đại của các ông còn đầy rẫy những tên tội phạm đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Thời đại của ông còn ghê sợ hơn thời đại của chúng tôi nhiều”.

Trong vụ án đốt đền kia đâu chỉ có tội ác đáng khinh của Herostratus. Người ta còn thấy một bà vợ nguyên soái xuất thân cao quý lại đồng lõa với tội phạm: để được lưu danh hậu thế, Klementin chấp nhận dâng xác thân của Herostratus trong ngục giam để được hắn tuyên bố đốt ngôi đền thờ vì tình yêu bị khước từ với bà ta. Nguyên soái cai quản cả thành Ephesus phát ngôn toàn những lời chính đạo nhưng lại âm thầm thông đồng với kẻ cho vay nặng lãi để nhân bản hồi ký của Herostratus để đổi chác. Ông ta biết rõ người vợ phản bội mình nhưng nhắm mắt làm ngơ để mọi chuyện diễn ra trong êm đẹp, thậm chí phế đi Quan nhiếp chính tham liêm chỉ vì ông ta không thỏa hiệp với cái ác.

Phiên bản Vụ án người đốt đền được khán giả đón nhận còn ở chỗ nói hộ những bức xúc đương thời. Những câu thoại như “đừng nghe những gì họ nói, hãy nhìn vào những gì họ làm” còn nóng hổi tính thời sự. Kẻ đốt đền dương dương tự đắc nói như vậy khi Quan nhiếp chính Cleon nhất nhất tin tưởng ở lời Nguyên soái-tuyên bố về sự công bằng của mọi công dân. Herostratus ranh mãnh chỉ ra những kẻ hỡ, những lời lẽ mị dân của vị Nguyên soái kia. Chính những thông điệp này đưa vụ án hơn hai nghìn năm trở nên sống động, gần gũi với đời sống.

Đạo diễn Lê Quý Dương vừa đoạt Huy chương vàng Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021. Lựa chọn dựng lại Vụ án người đốt đền, Lê Quý Dương cho rằng tác phẩm đặt ra vấn đề không hề nhỏ. Hành động của kẻ đốt đền trở thành vấn nạn trong tư tưởng con người, có sức ảnh hưởng trong nhiều mặt của đời sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đạo diễn Lê Quý Dương làm “sống lại” vụ án người đốt đền (Herostratus)