Mới đây, Bộ Tài chính cho biết sẽ nghiên cứu, xây dựng Luật thuế tài sản, trong đó có việc đánh thuế nhà ở thứ 2 trở lên để hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí.
Thị trường bất động sản Việt Nam hiện chiếm 20% tổng mức đầu tư toàn xã hội và được đánh giá là luôn rất nhạy cảm với chính sách. Do đó, tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Hai kịch bản từ việc đánh thuế sở hữu nhà ở thứ 2”, các chuyên gia cho rằng việc đánh thuế ngôi nhà thứ hai, thứ ba cần phải thận trọng.
Phân tích rõ về quan điểm trên, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam đang phát triển lành mạnh. Qua nghiên cứu có thể thấy việc giao dịch vẫn ở mức ổn định, chưa phải tăng trưởng quá mạnh. Khi mà áp dụng đánh thuế bất động sản thứ hai thị trường nó sẽ làm giảm cầu, giảm sức mua cuả nhà đầu tư với thị trường và giảm bong bóng thị trường bất động sản.
Theo các chuyên gia, việc đánh thuế sở hữu nhà ở thứ hai, thứ ba cần thận trọng
Đại diện của Savills so sánh Singapore đánh thuế nhà ở thứ hai để cân bằng thị trường khi có quá nhiều người nhập cư vào nước này, có quá nhiều cầu mà không đủ cung. Còn tại Việt Nam thì ngược lại, cung cầu đang phát triển lành mạnh, nguồn cầu còn chưa ổn, do đó khó có thể áp dụng lý thuyết của các nước khác vào Việt Nam.
“Một góc độ khác, nguồn cầu của người nước ngoài hiện chưa cao, số lượng nhà đầu tư nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chưa nhiều. Do đó, đây là thời điểm cần khuyến khích người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, đặc biệt sau luật mở cửa cho người nước ngoài đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam. Chính vì vậy, ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi nghĩ không nên đưa thêm những chính sách mang tính thắt chặt, giảm sự hứng thú của nhà đầu tư nước ngoài với bất động sản Việt Nam”, ông Matthew Powell nêu quan điểm.
Còn theo GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, việc đánh thuế vào nhà ở thứ hai không hợp lý bởi trong thị trường bất động sản, phần kinh doanh chiếm tỷ trọng rất cao. Nếu phần kinh doanh không có thì lập tức phân khúc nhà ở cho thuê sẽ bị giảm.
“Đánh thuế vào nhà ở thứ hai là đánh vào phân khúc nhà cho thuê. Điều này ngược với chủ trương của nhà nước: Bán nhà chung cư với hình thức thuê, mua. Nếu đánh thuế vào nhà cho thuê thì số lượng người thuê nhà sẽ giảm. Mà khi cầu về những nhà đầu tư thứ cấp giảm thì cung từ các dự án sẽ giảm, sẽ làm giảm cả cung lẫn cầu. Trước là giảm cầu của người có nhà ở cho thuê, sau là giảm cầu của nhà đầu tư thứ cấp cho thuê”, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
GS Đặng Hùng Võ cũng cho rằng điều cần bàn là phải cải cách thêm về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Hiện mức thuế này là 0,03%, trong khi các nước khác là 1%. Nếu thuế cao thì giá đất sẽ thấp và ngược lại nếu thuế thấp thì giá đất sẽ cao. Chúng ta đội thuế lên thì cầu về đất sẽ giảm, có nghĩa là giá sẽ giảm, sẽ có giá đầu vào hợp lý cho quá trình sản xuất, không phải chịu chi phí về đất lớn như hiện nay.
Tuy nhiên, từ góc độ của cơ quan quản lý, ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết về lâu dài cần có 1 đạo luật để thực hiện việc đánh thuế sở hữu nhà thứ hai trở lên, bởi đây là tài sản hiện hữu trên địa bàn địa phương, ai cũng có thể nhìn thấy được.
“Xuất phát từ thực tiễn gần đây có nhiều ý kiến cần phải đánh thuế nhà ở thứ 2, thứ 3 nhưng cần phải có lộ trình: khi nào đánh, đánh bao nhiêu và liệu có quản lý được không, Bộ Tài chính đã lập ra nhóm chuyên gia để thực hiện vấn đề này”, ông Nguyễn Văn Phụng nói.
Cùng quan điểm nêu trên, ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng việc thi hành sắc thuế và chống đầu cơ là việc đúng và cần thiết bởi liên quan đến bất động sản là nhà đất của hộ gia đình cá nhân, hiện Nhà nước mới đánh thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chứ chưa đánh thuế vào nhà.
Ông Phấn cũng chỉ rõ hiện mức thuế là 0,03%, vượt quá giới hạn 3 lần định mức là 0,07%; trên 3 lần hạn mức là 0,15%. Mức thuế này chưa giúp người sử dụng đất sử dụng một cách hiệu quả và chưa chống được đầu cơ. Trong khi đó tại một số quốc gia, thuế BĐS là một nguồn thu ngân sách và với mức cao hơn Việt Nam nhiều lần, ví dụ như Hàn Quốc gấp 3 lần Việt Nam.