Báo Công lý nhận được đơn phản ánh của ông Ninh Doãn Tấn và bà Phạm Thị Năm (trú tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) về việc vườn tiêu “chết không kịp trở tay” sau 1 ngày phun thuốc của Công ty CP khử trùng Nam Việt (địa chỉ: Lô C19A, Đường số 9, KCN Lê Minh Xuân, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP. HCM).
Chết đứng khi… “cây vàng đen” tan hoang
Theo đơn thư, gia đình ông Tấn, bà Năm có vườn tiêu khoảng 1.000 trụ, từ 5-8 năm tuổi, đang trong thời gian cho thu hoạch chính. Năm nay, gia đình ông quyết định đầu tư mua thuốc phun cho vườn tiêu để có năng suất cao hơn. Vậy nhưng, sau khi phun được 1 ngày, toàn bộ số cây đã phun đều tháo đốt, rụng lá tươi và chết nhiều khiến gia đình không kịp trở tay.
Cụ thể, ngày 23/08/2020, gia đình ông Tấn có nhờ ông Vũ Văn Hoạt (em rể ông Tấn) mua 4 chai thuốc trừ bệnh Henxin (Anvin - Ấn Độ) 5SC (01lít/chai) cùng với 4 chai phân bón lá Boramide được nhập khẩu từ Italia (500ml/chai) do Công ty CP khử trùng Nam Việt nhập khẩu, đóng gói và phân phối tại đại lý Sinh Hoà II (địa chỉ xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông), do ông Lê Viết Quang làm chủ đại lý và hướng dẫn phun lên cây tiêu với liều lượng kết hợp 500ml Henxin 5SC và 250 ml Boramide cho 1 phuy nước (200 lít).
Tiếp đó, vào các ngày 3-4/9/2020 gia đình ông Tấn tiến hành phun như được hướng dẫn cho 900 trụ tiêu, còn khoảng 100 cây tiêu còn lại chưa kịp phun.
Đến ngày 5/9, toàn bộ diện tích vườn tiêu mà gia đình ông Tấn đã phun bắt đầu xuất hiện tình trạng tháo đốt và rụng toàn bộ lá. Sau đó, hàng trăm cây tiêu bị chết, số còn lại thì năng suất giảm rất mạnh. Đặc biệt, phần diện tích mà gia đình ông Tấn chưa kịp phun khoảng 100 trụ thì sinh trưởng và phát triển bình thường.
Sau đó, gia đình ông Tấn đã báo cho ông Lê Viết Quang (chủ đại lý Sinh Hoà II) để có phương án xử lý. Đến ngày 8/9, đại diện Công ty CP khử trùng Nam Việt và ông Lê Viết Quang trực tiếp đến vườn và lập biên bản xác nhận sự việc, đồng thời hứa sau 5 ngày (tức ngày 13/9) sẽ trả lời cho gia đình ông Tấn.
Đợi mãi không thấy hồi âm, gia đình ông Tấn lại tiếp tục đến đại lý Sinh Hoà II kiến nghị để có phương án giải quyết thoả đáng cho vườn tiêu. Vì vậy, ông Lê Viết Quang đã có đơn trình báo gửi lên Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông. Lúc này, do đã có cơ quan chức năng vào làm việc nên gia đình ông Tấn không gửi đơn nữa.
Ngày 18/9, đoàn kiểm tra của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông do ông Nguyễn Văn Thái – Phó Chánh thanh tra Sở (làm trưởng đoàn), đã tiến hành làm việc với các đại diện của Công ty, đại lý và gia đình ông Tấn tại vườn tiêu ông Tấn.
Vậy nhưng tại buổi làm việc với các bên, đoàn kiểm tra đã không tiến hành xác minh, kiểm tra để tìm ra nguyên nhân chính dẫn đến việc vườn tiêu nhà ông Tấn tháo đốt, rụng lá để có phương án xử lý theo quy định. Thay vào đó, đoàn kiểm tra lại nêu ý kiến: “Qua kiểm tra, xác minh thuốc Henxin 5SC không đăng ký sử dụng trên cây hồ tiêu, nhưng đại lý hướng dẫn sử dụng trên cây hồ tiêu là không đúng theo quy định. Đoàn đã làm việc hòa giải mà hai bên không thỏa thuận được. Đây là tranh chấp dân sự, giải quyết vụ việc thuộc về Tòa án”, nội dung biên bản làm việc ngày 18/9 thể hiện.
Nhiều vấn đề cần làm rõ
Trao đổi qua điện thoại, ông Bạch Xuân Chính – Đại diện Công ty CP khử trùng Nam Việt xác nhận: “Hai sản phẩm nêu trên là của Công ty, còn nguyên nhân dẫn đến vườn tiêu chết thì không biết nguyên nhân từ đâu. Thanh tra Sở Nông nghiệp cũng đã vào rồi, nếu do Công ty thì Công ty hoàn toàn chịu trách nhiệm và phải chứng minh được là do lỗi của Công ty”.
Ông Lê Viết Quang (Chủ đại lý Sinh Hoà II) cho biết: Hai sản phẩm của gia đình ông Tấn đúng là mua tại đại lý của ông và được ông hướng dẫn cách phun như gia đình trình bày. Theo kết luận của Thanh tra Sở Nông nghiệp thì nguyên nhân cái chết của vườn tiêu nhà ông Tấn là do hoạt chất Glyphosate (thuốc diệt cỏ) với hàm lượng rất cao, còn hoạt chất này từ đâu mà có thì cơ quan chức năng phải vào cuộc để chứng minh.
Về vấn đề đoàn kiểm tra lấy mẫu lá tiêu, theo ông Tấn thì gia đình ông không biết có hay không việc đoàn kiểm tra lấy mẫu lá tiêu để phân tích nguyên nhân dẫn đến cái chết của vườn tiêu nhà mình. Gia đình không được thông báo việc lấy mẫu lá tiêu cũng như không ký bất kỳ biên bản nào liên quan đến việc lấy mẫu lá tiêu tại vườn.
“Tuy nhiên, ngày 2/10, đoàn kiểm tra vào nhà tôi thông báo là ngày 18/9 có lấy mẫu lá tiêu đi phân tích và trong kết quả cho thấy có thành phần hoạt chất Glyphosate (thuốc trừ cỏ) và yêu cầu gia đình tôi cung cấp 2 mẫu thuốc mà đoàn kiểm tra đã niêm phong ngày 18/9 để làm rõ nguyên nhân gây ra cái chết của vườn tiêu. Gia đình tôi nhất quyết không đồng ý vì chúng tôi không tin tưởng, sợ khi đưa thì sẽ mất hết chứng cứ”, ông Tấn cho biết.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thái – Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT, cho biết: “Đoàn chúng tôi đi xử lý theo đơn của ông Lê Viết Quang (chủ đại lý Sinh Hoà II), và làm việc theo trình tự, thể hiện hết trong biên bản làm việc. Khi có kết luận đã gửi cho ông Quang và ông Ninh Doãn Tấn. Chúng tôi đã làm đến nơi đến chốn cho dân, lấy mẫu còn lưu để phân tích trong đó có hoạt chất Glyphosate hay không thì gia đình không cho lấy”.
Khi được hỏi về việc biên bản làm việc ngày 18/9, không thể hiện việc đoàn kiểm tra lấy mẫu lá tiêu để đi phân tích tìm ra nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Thái cho hay: “Nếu chúng tôi lấy mẫu phân bón để sau này giải quyết về vấn đề chất lượng phân bón hay chất lượng thuốc thì buộc phải lập biên bản và có chữ ký của người trực tiếp lấy mẫu. Còn cái này (lấy mẫu lá tiêu-PV) không có quy định. Lấy mẫu lá tiêu thuộc về nghiệp vụ chuyên môn, người làm trong ngành có quyền lấy mẫu để đi tìm nguyên nhân. Tôi đang đi tìm nguyên nhân chứ không phải đi để xử lý một vụ việc để xử phạt người ta”.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.